ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
898/QĐ-UBND
|
Trà
Vinh, ngày 19 tháng 5 năm 2010
|
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản
lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP
ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số
281/2007/QĐ-BKH ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban
hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ
yếu;
Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-UBND
ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động
thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy thực hiện Nghị
quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội
đồng thẩm định Quy hoạch đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao tại Tờ trình
số 03/TTr-HĐTĐ ngày 12 tháng 5 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch đầu tư phát triển vùng lúa
chất lượng cao tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020,
với những nội dung chủ yếu sau:
I. Tên dự án: Quy hoạch đầu tư phát triển vùng lúa chất lượng cao tỉnh Trà Vinh giai
đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
II. Địa điểm
quy hoạch: trên địa bàn 06 huyện: Càng
Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang.
III. Quan điểm,
định hướng và mục tiêu quy hoạch:
1. Quan điểm:
- Trên cơ sở nhu cầu của thị
trường nhằm phát huy mạnh mẽ các lợi thế về phát triển lúa chất lượng cao trên
địa bàn tỉnh Trà Vinh, đem lại hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường
xuất khẩu.
- Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất,
chế biến, bảo quản và tiêu thụ, đem lại lợi ích tương thích với sự đóng góp của
từng công đoạn trong chuỗi giá trị ngành hàng.
- Phát triển sản xuất với trình độ
thâm canh cao, cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch, bảo quản sau thu
hoạch, lựa chọn công nghệ phù hợp với yêu cầu “03 giảm 03 tăng”; “01 phải 05
giảm” trong phát triển sản xuất lúa.
- Tranh thủ tối đa sự trợ giúp từ
các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Nhà nước, phát huy sức mạnh
tổng hợp của các thành phần kinh tế, nhất là kết hợp giữa hợp tác hóa với cơ
giới hóa trong canh tác và công nghệ sau thu hoạch.
2. Định hướng:
a) Quy hoạch vùng lúa chất
lượng cao:
Quy mô diện tích vùng lúa chất
lượng cao được quy hoạch là 47.200 ha, bao gồm 37.700 ha đất canh tác lúa cao
sản xuất khẩu sản xuất vụ Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông và 9.500 ha đất canh
tác lúa Mùa đặc sản luân canh trên đất lúa + nuôi trồng thủy sản. Phân bố trên
địa bàn 06 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và Cầu Ngang,
bao gồm 41 xã (Đính kèm phụ lục 01).
b) Chỉ tiêu phát triển lúa chất
lượng cao đến năm 2015 và 2020:
- Đến năm 2015: Diện tích gieo
trồng lúa chất lượng cao toàn tỉnh đạt khoảng 74.451ha, năng suất 5,57 tấn, sản
lượng 414.692 tấn. Trong đó lúa cao sản khoảng 67.800 ha, năng suất 5,64
tấn/ha, sản lượng 382.131 tấn; lúa Mùa đặc sản khoảng 6.651ha, năng suất 4,9
tấn/ha, sản lượng 32.561tấn.
- Đến năm 2020: Diện tích gieo
trồng lúa chất lượng cao toàn tỉnh đạt khoảng 122.600ha, năng suất 5,93 tấn,
sản lượng 726.464 tấn. Trong đó lúa cao sản khoảng 113.100ha, năng suất 5,99
tấn/ha, sản lượng 677.105 tấn; lúa Mùa đặc sản khoảng 9.500ha, năng suất 5,2
tấn/ha, sản lượng 49.359 tấn (Đính kém phụ lục 02 và bản đồ quy hoạch vùng
lúa chất lượng cao).
3. Mục tiêu quy hoạch:
a) Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất
lượng cao phục vụ xuất khẩu với trình độ thâm canh cao, đồng bộ từ sản xuất đến
tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; phát huy được lợi thế về điều
kiện tự nhiên, nguồn lực nông hộ, kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy sản xuất
và xuất khẩu lúa gạo trên phạm vi toàn tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đạt quy mô, diện tích gieo trồng
lúa chất lượng cao trên 70.000 ha năm 2015 và khoảng 120.000 ha vào năm 2020,
với sản lượng trên 400.000 tấn năm 2015 và khoảng trên 700.000 tấn lúa vào năm
2020, chiếm 60 - 70% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh.
- Đạt giá trị sản xuất trên ha
canh tác lúa chất lượng cao từ 75 - 80 triệu đồng/năm, thu nhập tương ứng từ 50
triệu đồng/năm trở lên.
- Cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất
đến gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch, bảo quản; ứng dụng kịp thời các tiến bộ
khoa học - công nghệ vào sản xuất.
- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường,
đảm bảo sản xuất bền vững.
- Gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản
xuất, chế biến và tiêu thụ.
- Nâng cao chất lượng lúa gạo tỉnh
Trà Vinh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo uy tín trên thị trường.
Từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu lúa gạo Trà Vinh.
IV. Một số giải
pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch:
1. Giải pháp giống:
- Tăng cường nguồn nhân lực và
năng lực sản xuất của Trung tâm Giống nông nghiệp trong xây dựng hệ thống khảo
nghiệm các giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và mạng lưới sản xuất giống
cấp xác nhận trong cộng đồng. Củng cố hệ thống kho chứa, bảo quản lúa giống.
- Đẩy
mạnh xã hội hóa trong công tác sản xuất giống lúa cấp xác nhận ở các xã, huyện,
hình thành các vùng sản xuất lúa giống tập trung, sản xuất dưới sự theo dõi,
giám sát và kiểm soát đầu ra chặt chẽ của cơ quan chức năng (Chi cục Trồng
trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống Nông nghiệp) để phân phối đến các
hộ sản xuất.
- Quy hoạch các vùng sản xuất
giống với tổng diện tích khoảng 1.920 ha, bố trí ở các huyện như sau:
+ Huyện Càng Long: Bố trí 08 điểm sản xuất giống, quy mô 320 ha.
+ Huyện Cầu Kè: Bố trí 04 điểm với quy mô khoảng 400 ha.
+ Huyện Cầu Ngang: Bố trí 03 điểm với quy mô 450 ha.
+ Huyện Châu Thành: Bố trí 03 điểm, quy mô 140 ha.
+ Huyện Trà Cú: Bố trí 03 điểm, quy mô 400 ha.
+ Huyện Tiểu Cần: Bố trí 04 điểm, quy mô 210 ha.
- Lúa giống làm ra phải được Chi
cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm nghiệm, xác nhận trước khi bán cho người
sản xuất.
- Triển khai thực hiện các chính
sách trợ giá lúa giống phù hợp để cung ứng cho người sản xuất. Giảm tình trạng
lúa giống cấp xác nhận giá quá cao dẫn đến người sản xuất sử dụng lúa thương
phẩm làm lúa giống nên chất lượng lúa hàng hóa không cao.
2. Tăng cường các hoạt động
khuyến nông:
- Tập huấn kỹ thuật trồng lúa ứng
dụng biện pháp “03 giảm 03 tăng” và từng bước hướng dẫn nông dân áp dụng chương
trình “01 phải 05 giảm”. Đảm bảo đến năm 2015 trên 90% hộ dân sản xuất lúa
trong vùng quy hoạch được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa.
- Xây dựng mô hình trình diễn sản
xuất lúa chất lượng cao: Xây dựng mỗi xã 01 mô hình, mỗi mô hình khoảng 10 ha.
Kinh phí khuyến nông hỗ trợ mô hình trình diễn bình quân khoảng 3 triệu/ha.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn
GAP theo thị trường nhập khẩu yêu cầu trong giai đoạn 2016 - 2020.
3. Giải pháp về ứng dụng khoa
học - kỹ thuật trong sản xuất lúa:
Tăng cường ứng dụng các biện pháp
kỹ thuật “03 giảm 03 tăng”; “01 phải 05 giảm”, sử dụng dụng cụ sạ hàng,
sạ thưa với mật độ khoảng 100 - 120kg lúa giống/ha, giảm lượng phân bón xuống
mức (80-120)N - (40-60)P2O5 - (30-60)K2O trên
01 ha. Đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy sấy để giảm thất thoát sau thu hoạch,
nâng cao chất lượng lúa gạo.
- Về cơ cấu mùa vụ: Tuỳ theo tình hình thời tiết, diễn biến rầy nâu, sâu bệnh từng vụ,
từng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch thời vụ phù hợp
cho từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo 100% các hộ dân sản xuất lúa chất
lượng cao xuống giống đúng lịch thời vụ.
- Về kỹ thuật canh tác: Tăng cường mở lớp tập huấn cho người dân với các kỹ thuật tiên tiến về
gieo sạ, chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý và bảo vệ thực vật theo khuyến
cáo của cơ quan chức năng. Hướng dẫn nông dân sử dụng sổ tay ghi chép tình hình
sản xuất lúa theo hướng VIETGAP. Từng bước hướng dẫn nông dân sản xuất lúa đạt
tiêu chuẩn GAP đáp ứng yêu cầu cho từng thị trường nhập khẩu gạo.
- Về cơ giới hóa: Phấn đấu đến năm 2020, trên 95% diện tích vùng quy hoạch được cơ giới
hóa các khâu gieo sạ, thu hoạch và sử dụng lò sấy để sấy lúa Hè Thu. Thực hiện
có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất để người dân mua máy thu hoạch và đầu tư
lò sấy.
4. Giải pháp chế biến, bảo
quản, tiêu thụ sản phẩm:
Xúc tiến mô hình liên kết giữa sản
xuất với thu mua theo hình thức công ty thu mua đầu tư nhà máy chế biến và kho
bảo quản tại vùng nguyên liệu, người sản xuất bán lúa nguyên liệu trực tiếp cho
nhà máy. Trước mắt, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Lương thực Trà Vinh thực
hiện tốt việc thu mua, chế biến, bảo quản và xuất khẩu.
- Chú trọng các hoạt động tìm kiếm
đối tác đầu tư và thị trường tiêu thụ bên ngoài Trà Vinh, đặc biệt là các khu
vực có nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao như Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan,
một số nước Bắc Phi…, để đầu tư và thu mua sản phẩm lúa gạo thông qua các hợp
đồng bao tiêu sản phẩm, tạo sự ổn định cho sản xuất.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả
các chính sách ưu đãi và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản
lúa gạo tại các khu, cụm, điểm công nghiệp đã quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
5. Giải pháp về xây dựng cơ sở
hạ tầng:
a) Thủy lợi:
Chia thành 03 tiểu vùng:
Tiểu vùng 1: Được giới hạn bởi ranh giới hành
chính giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, Quốc lộ (QL) 53, rạch Ba Si - Ô Chát,
QL60, kênh Chánh Sâm, kênh Bến Lộ, Hương lộ (HL) 51, QL54.
Tiểu vùng 2: Giới hạn bởi QL60, rạch Ô Chát,
kênh Tầm Phương, QL54, QL60.
Tiểu vùng 3: Giới hạn bởi HL14, QL53, HL17,
HL20, QL53, sông Bến Chùa, HL23, HL5, đê Chà Và, đê Tầm Phương mở rộng.
Tiểu vùng I: Được chia làm 2 khu nhỏ là IA và
IB:
- Khu IA: Được giới hạn bởi ranh giới hành chính
giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, Quốc lộ (QL) 53, sông An Trường, kênh Phú
Thọ - Nhà Thờ, kênh Mỹ Văn - 19/5, kênh Bến Lộ, Hương lộ (HL) 51, QL54. Đây là
khu vực nằm hoàn toàn trong dự án Hệ thống thủy lợi kết nối Mỹ Văn - Rùm Sóc - Cái
Hóp. Quy mô và phương án bố trí các công trình cấp II hoàn toàn nằm trong dự
án, dự kiến thực hiện giai đoạn 2010 - 2012, vốn đầu tư dự án 327 tỷ đồng. Bên
cạnh đó, cần tiếp tục nạo vét một số kênh cấp I nhằm đảm bảo yêu cầu cung cấp
nước trong thời gian tới. Cụ thể như các kênh: kênh Bông Bót - Tổng Tồn, kênh
Bưng Lớn, kênh Châu Hưng, kênh Lộ Xã.
- Khu IB (Phần còn lại của tiểu vùng I): Khu vực
này các kênh cấp I cơ bản được nạo vét thời gian gần đây, khả năng phục vụ hiện
tại rất tốt. Hệ thống các công trình cấp II (kênh, cống, bọng) cơ bản được xây
dựng hoàn chỉnh. Hiện chỉ có một số kênh cấp II bị lạng lấp cần nạo vét lại để
đủ khả năng phục vụ.
- Trong tiểu vùng I cần bổ sung xây dựng 12 trạm
bơm tưới (04 trạm tại Cầu Kè, 07 trạm tại Càng Long và 01 trạm tại Tiểu Cần)
phục vụ các khu sản xuất giống.
- Xây dựng thêm hệ thống kênh cấp III và các
bọng đầu kênh cấp III trong nội đồng để đảm bảo điều tiết nước trong các khu
vực nhỏ, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất.
Tiểu vùng II, III:
Hiện có một số kênh cấp II đã bị lạng lấp, cần
nạo vét để đủ khả năng phục vụ. Trong những năm tiếp theo (đến năm 2016) cần
tiếp tục nạo vét các kênh đang có chiều hướng bị xuống cấp.
- Đầu tư 08 trạm bơm tưới phục vụ sản xuất giống
(02 trạm tại Tiểu Cần, 03 trạm tại Châu Thành và 03 trạm tại Trà Cú).
- Xây dựng thêm hệ thống kênh cấp III và các
bọng đầu kênh cấp III trong nội đồng để đảm bảo điều tiết nước trong các khu
vực nhỏ, đảm bảo phục vụ tốt sản xuất.
Tổng số lượng kênh cần nạo vét là 1.328 kênh (4
kênh cấp I, 282 kênh cấp II và 1.042 kênh cấp III), với tổng chiều dài là 1.469
km, khối lượng nạo vét 3.961.581 m3; đầu tư 201 cống bọng và 20 trạm
bơm. Tổng kinh phí đầu tư thủy lợi cho vùng quy hoạch lúa chất lượng cao là
151.592 triệu đồng.
b) Giao thông:
- Giao thông thủy: Nạo vét hệ thống kênh
cấp I, II, nâng cấp các cầu trên kênh, đảm bảo độ cao cho phép ghe, thuyền vận
chuyển hàng hóa ra vào thuận lợi. Đặc biệt là tuyến dọc: Trà Ngoa - Trà Ếch - Ô
Chát - Kênh 3/2 theo hướng dọc tỉnh từ điểm giao với sông Măng Thít đến kênh
Quan Chánh Bố được quy hoạch thành tuyến cấp IV, chiều dài khoảng 60,47 km; Các
tuyến ngang: Tuyến kênh Mỹ Văn, kênh Basi, Trà Ngoa - Cần Chông - 3/2,… tiến
hành nạo vét để thông được tàu 250 tấn nhằm liên kết giữa cảng Trà Vinh và Đại
An; Các kênh nhánh quy hoạch thành tuyến cấp IV, V; Xây dựng lại các cầu có
tĩnh không thấp và loại bỏ các cống, các chướng ngại vật ảnh hưởng đến giao
thông thủy đảm bảo cho tàu 50 - 100 tấn có thể đi sâu vào trong nội tỉnh.
- Giao thông bộ: Nâng cấp 03 tuyến quốc
lộ, 05 tuyến tỉnh lộ, xây dựng các tuyến kết nối, đầu tư nâng cấp 41 tuyến
đường huyện, xây dựng mạng lưới đường giao thông nông thôn… xây dựng mạng lưới
giao thông hoàn chỉnh như quy hoạch giao thông đã được duyệt.
6. Giải pháp về chính sách:
- Chính sách về đầu tư: Tăng cường đầu tư
phát triển hệ thống thủy lợi, trạm, trại nghiên cứu khảo nghiệm giống. Ưu đãi
các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ chế biến, bảo quản
lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Tạo vốn tín dụng ưu đãi để nông dân vay, mua máy móc
phục vụ cơ giới hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư và
tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
- Chính sách khoa học và công nghệ: Dành
một tỉ lệ hợp lý kinh phí nghiên cứu khoa học hàng năm cho các đề tài nghiên
cứu, khảo nghiệm trong lĩnh vực phát triển lúa chất lượng cao xuất khẩu.
- Chính sách về đất đai: Dành những ưu
đãi về đất đai cho các nhà đầu tư phát triển các khu chế biến, bảo quản lúa
gạo. Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại để kêu gọi đầu tư phát triển nhà máy chế biến,
hệ thống kho bảo quản lúa gạo ở các khu, cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp
đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
- Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực: Dành
khoản kinh phí hợp lý từ ngân sách cho đào tạo cán bộ khuyến nông, tập huấn kỹ
thuật sản xuất lúa chất lượng cao cho các hộ dân trong vùng quy hoạch. Dành
nguồn kinh phí ngân sách cho Trung tâm khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư xây dựng
các mô hình trình diễn, đầu tư trang thiết bị phục vụ sự nghiệp khuyến nông,
tập huấn nông dân,…
- Chính sách về trợ giá lúa giống: Triển
khai thực hiện chính sách hỗ trợ giá lúa giống phù hợp.
V. Vốn đầu tư:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 658 tỷ đồng,
trong đó thời kỳ 2010 - 2015 khoảng 381,2 tỷ đồng (chiếm 58%), thời kỳ 2016 -
2020 khoảng 276,8 tỷ đồng (chiếm 42%). Trong đó:
+ Vốn ngân sách: 500,5 tỷ đồng, chiếm 76% tổng
vốn đầu tư. Vốn ngân sách được dùng để đầu tư hệ thống thủy lợi (kênh cấp I,
II, trạm bơm, cống bọng và 50% kênh cấp III), trợ giá lúa giống và khuyến nông
(hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn đào tạo nông dân và trang thiết
bị cho công tác khuyến nông).
+ Vốn dân và tín dụng: 157,5 tỷ đồng, chủ yếu là
nguồn vốn tự có và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư máy móc phục vụ cơ giới hóa
sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch. Đầu tư xây dựng 50% hệ thống kênh mương
cấp III.
VI. Các dự án ưu tiên:
Xây dựng và đầu tư 08 dự án ưu tiên sau:
- Dự án Thuỷ lợi nội đồng Mỹ Văn - Rùm Sóc - Cái
Hóp, vốn đầu tư khoảng 327 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2010 - 2012.
- Dự án Xây dựng các trạm bơm tưới phục vụ các
khu sản xuất giống, số lượng đầu tư: 20 trạm bơm, vốn đầu tư khoảng 22 tỷ đồng.
- Dự án Nạo vét kênh cấp II gồm các khu vực:
cống Thâu Râu, cống Chà Và, cống Vàm Buôn, Đông kênh 3/2, cống Nhà Thờ. Số
lượng kênh nạo nét 282 kênh, tổng chiều dài 470 km, vốn đầu tư khoảng 55,8 tỷ
đồng.
- Dự án Nâng cấp các trạm, trại khảo nghiệm,
kiểm nghiệm giống lúa nguyên chủng và sản xuất giống lúa cấp xác nhận.
- Dự án Tổ chức xã hội hóa sản xuất và trợ giá
giống lúa cấp xác nhận, quy mô sản xuất giống: 1.920ha, vốn đầu tư ước tính
khoảng 352,3 tỷ đồng.
- Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa chất
lượng cao ở 41 xã vùng quy hoạch. Vốn đầu tư khoảng 2,73 tỷ đồng.
- Dự án Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống cấp
xác nhận và sản xuất lúa chất lượng cao cho nông dân, quy mô khoảng 1.500 lớp,
vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ đồng.
- Dự án Hỗ trợ đầu tư dụng cụ sạ hàng, máy gặt
đập liên hợp và lò sấy cho người dân sản xuất lúa chất lượng cao. Số lượng đầu
tư khoảng 15.000 dụng cụ sạ hàng, 600 máy gặt đập liên hợp và 600 lò sấy. Nguồn
vốn tín dụng ưu đãi ước khoảng 145,5 tỷ đồng.
VII. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
- Tổ chức công bố, phổ biến rộng rãi nội dung
Quy hoạch và triển khai chương trình phát triển lúa chất lượng cao của tỉnh đến
các Sở, ngành có liên quan, các huyện trong vùng quy hoạch biết để thực hiện.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ giá lúa giống phù hợp và các
chính sách có liên quan đến phát triển lúa chất lượng cao.
- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt các dự án ưu tiên trong quy hoạch.
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư
phát triển lúa chất lượng cao hàng năm.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư
sản xuất hàng năm cũng như các dự án ưu tiên được duyệt.
- Hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá
tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch và đánh giá kết quả triển khai các dự
án ưu tiên để có hướng bổ sung, điều chỉnh cho những năm tiếp theo.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: Các phòng
chuyên môn, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt, bão; Chi cục Phát triển nông
thôn; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông - Khuyến
ngư; Trung tâm Giống Nông nghiệp… thực hiện các hợp phần, dự án theo đúng chức
năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
phù hợp với Quy hoạch này.
3. Sở Giao thông Vận tải: Theo chức năng,
nhiệm vụ của mình phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng
và triển khai thực hiện các dự án về kết cấu hạ tầng giao thông.
4. Sở Công thương: Chỉ đạo, hướng dẫn các
cơ sở chế biến, đặc biệt là Công ty Lương thực Trà Vinh ký kết các hợp đồng thu
mua lúa của dân. Ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng trong vùng quy hoạch.
5. Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sở Tài chính: Bố
trí vốn thực hiện các dự án, các hợp phần đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Xúc
tiến thương mại, kêu gọi các đối tác nước ngoài đầu tư vào sản xuất và thu mua
lúa gạo của người dân.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Dành một tỉ
lệ hợp lý kinh phí nghiên cứu khoa học để thực hiện các đề tài nghiên cứu về
phát triển lúa gạo chất lượng cao. Hướng dẫn các địa phương xây dựng thương
hiệu, đăng ký nhãn hiệu lúa gạo chất lượng cao Trà Vinh.
7. Công ty Lương thực Trà Vinh: Tăng
cường đầu tư xây dựng mạng lưới nhà máy chế biến, kho bảo quản đủ để chế biến,
bảo quản lượng lúa hàng hóa được tạo ra trên địa bàn tỉnh. Liên kết với các Hợp
tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất lúa để đầu tư nhà máy chế biến và kho
bảo quản tại các vùng nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng thu mua lúa
gạo. Trong kế hoạch xây dựng và kinh doanh cần ưu tiên đầu tư mạng lưới thu
mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu gạo cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.
Xúc tiến việc ký hợp đồng trực tiếp với từng tổ hợp tác, hợp tác xã và các nông
hộ trong vùng chuyên canh lúa chất lượng cao để giúp nông dân tiêu thụ lúa
thuận lợi, ổn định.
8. Uỷ ban nhân dân các huyện: Càng
Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang chịu trách nhiệm tổ chức
triển khai quy hoạch trên phạm vi địa phương quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế
hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường,
Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên
quan căn cứ Quyết định thi hành./.