Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 89/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/01/2019
Ngày có hiệu lực 18/01/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI CĂN BẢN TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2019 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1216/TTr-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030 (gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học cần được coi trọng vì đây là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục đại học.

2. Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

3. Thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

4. Bảo đảm thiết thực, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước, cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án; tích hợp thống nhất với các chương trình, đề án liên quan đã và đang triển khai.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới;

b) Thu hút được ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam;

c) Phấn đấu 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên, được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và trong nước đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, cơ cấu hợp lý;

d) Đến 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của giảng viên về: Phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Giảng viên, cán bộ quản lý thuộc các cơ giáo dục đại học trên toàn quốc.

2. Nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong nước, đủ tiêu chuẩn giảng viên và cam kết đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

[...]