UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
889/QÐ-UBND.HC
|
Thành phố Cao
Lãnh, ngày 24 tháng 7 năm 2009
|
QUYẾT ÐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO VỀ NHÀ Ở
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng
12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Bộ: Xây dựng,
Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12
tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 363/QĐ-UBND.HC ngày 03
tháng 4 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hộ nghèo
về nhà ở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp;
Xét Công văn số 570/SXD/QLN ngày 16 tháng 7
năm 2009 của Sở Xây dựng về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Hỗ
trợ hộ nghèo về nhà ở,
QUYẾT ĐỊNH:
Ðiều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, với nội dung như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC
HIỆN:
1. Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân tỉnh
Đồng Tháp.
2. Cơ quan trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và kiểm
tra thực hiện Kế hoạch: Ban Chỉ đạo hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh Đồng Tháp.
3. Cơ quan thực hiện Kế hoạch: Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện).
4. Đối tượng được hỗ trợ: các hộ nghèo khu vực
nông thôn.
5. Thời gian thực hiện: từ năm 2009 đến 2013.
II. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC HỖ
TRỢ:
1. Mục tiêu:
Hỗ trợ cho 11.118 hộ nghèo ở khu vực nông thôn
trên địa bàn Tỉnh có nhà ở ổn định, an toàn; phấn đấu đến cuối năm 2012 thực hiện
hoàn thành chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nguyên tắc hỗ trợ:
- Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây
dựng nhà ở theo đúng đối tượng được quy định, đảm bảo diện tích và chất lượng
nhà ở theo đúng quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của
Thủ tướng Chính phủ.
- Đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất
thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.
- Thực hiện phương châm: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng
giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở.
3. Qui mô các chỉ tiêu xây dựng nhà ở:
Sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước
hỗ trợ, kết hợp với nguồn lực do cộng đồng giúp đỡ và hộ gia đình tham gia đóng
góp, để xây dựng được nhà ở đảm bảo các yêu cầu tối thiểu sau đây:
- Nhà trệt, có diện tích sử dụng
32 m2;
- Tuổi thọ căn nhà trên 10 năm.
- Kết cấu và vật liệu chủ yếu:
khung nhà bê tông cốt thép, mái lợp tôn, xà gồ thép, vách xây gạch hoặc gỗ hoặc
tôn.
III. TỔNG MỨC ĐẦU TƯ, CƠ CẤU
VÀ PHÂN KHAI NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:
1. Tổng kinh phí và cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
Tổng số vốn dự kiến thực hiện 230,2068 tỷ
đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách trung ương: 74,4909 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách địa phương: 6,7719 tỷ đồng.
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 88,944 tỷ đồng.
- Vốn huy động tại địa phương: 50,000 tỷ đồng.
- Vốn huy động của cộng đồng, dòng họ và hộ gia
đình: 10,000 tỷ đồng.
2. Phân khai nguồn vốn:
Vốn được phân khai theo nguyên tắc:
2.1. Ngân sách Trung ương: hỗ trợ theo 02 mức
như sau:
- Mức 07 triệu đồng/hộ cho 8 xã thuộc vùng đặc
biệt khó khăn tại huyện Tân Hồng và Hồng Ngự (theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày
05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ).
- Mức 06 triệu đồng/hộ cho các khu vực còn lại.
2.2. Ngân sách địa phương: bố trí vốn đối ứng hỗ
trợ bằng 20% so với vốn ngân sách Trung ương (trong đó Ngân sách Trung ương hỗ
trợ bổ sung 10%).
- Các hộ ở 8 xã vùng đặc biệt khó khăn là 1,4
triệu đồng/hộ.
- Các hộ ở vùng còn lại là 1,2 triệu đồng/hộ.
2.3. Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội: hộ
dân thuộc đối tượng sẽ được vay với mức tối đa 8 triệu đồng/hộ, lãi suất vay là
3%/năm, thời hạn vay là 10 năm, thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là
5 năm, mức trả nợ tối thiểu mỗi năm là 20% tổng số vốn đã vay.
2.4. Vốn huy động tại địa phương từ quỹ “Ngày vì
người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh phát động dự kiến là 50 tỷ đồng,
được phân bổ đều cho các hộ.
2.5. Vốn huy động từ họ hàng, dòng tộc và bản
thân hộ nghèo đóng góp: dự kiến 10 tỷ, tùy theo điều kiện cụ thể của việc huy động
thêm từ sự giúp đỡ này, nếu mức đóng góp cao thì căn nhà sẽ có chất lượng tốt
hơn, tiện ích hơn.
3. Phân bổ chỉ tiêu:
a. Phân bổ chung:
Vốn được phân bổ cho từng huyện, thị xã, thành
phố căn cứ theo tổng số hộ các địa phương đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên thực
hiện và hạng mức phân bổ của Chính phủ cụ thể như sau:
- Huyện Tân Hồng: 1.217 hộ.
- Huyện Hồng Ngự: 1.077 hộ.
- Huyện Tam Nông: 1.419 hộ.
- Huyện Thanh Bình: 1.656 hộ.
- Huyện Tháp Mười: 913 hộ.
- Huyện Cao Lãnh: 1.110 hộ.
- Huyện Lấp Vò: 1.273 hộ.
- Huyện Lai Vung: 854 hộ.
- Huyện Châu Thành: 1.064 hộ.
- Thị xã Sa Đéc: 106 hộ.
- Thành phố Cao Lãnh: 429 hộ.
b. Phân bổ theo kế hoạch năm:
Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực
nông thôn được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2009 đến năm 2013, trong đó việc tổ
chức xây dựng nhà ở thực hiện trong 4 năm đầu, từ năm 2009 đến 2012, năm 2013 tổ
chức tổng kết.
- Năm 2009 thực hiện 2.000 căn (2.000 hộ).
- Năm 2010 thực hiện 3.800 căn (3.800 hộ).
- Năm 2011 thực hiện 3.800 căn (3.800 hộ).
- Năm 2012 thực hiện 1.518 căn (1.518 hộ).
(Xem phụ lục phân bổ cụ thể từng địa phương đính
kèm)
IV. Cơ chế chính sách và
trình tự thực hiện:
1. Các cơ chế chính sách:
Thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg
ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở
và Thông tư số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN, ngày 19/5/2009 của liên
Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế họach và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định số
167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện:
2.1. Xác định danh sách hộ nghèo được hỗ
trợ xây dựng nhà ở:
- Trên cơ sở danh sách được hỗ trợ nhà ở theo
Quyết định số 363/QĐ-UBND.HC ngày 03/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
phê duyệt đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và tổng số hộ, tổng số vốn được phân bổ
cụ thể cho từng địa phương, UBND cấp huyện tổ chức bình xét, xác định chính xác
danh sách các hộ được hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên từng năm từ 2009 đến 2012.
- Việc bình xét, xác định danh sách các hộ nghèo
thuộc đối tượng của Chương trình, do Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện, căn cứ
theo khoản 2, Phần II, Thông tư số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN,
ngày 19/5/2009, tổng hợp danh sách, gửi UBND cấp huyện phê duyệt.
- Việc rà soát, bình xét và phê duyệt danh sách
các hộ thuộc diện được hưởng chính sách của cấp huyện phải hoàn tất và gởi về
cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo nhà ở cho hộ nghèo của Tỉnh (Sở Xây dựng), chậm
nhất đến hết tháng 9 năm 2009.
2.2. Tổ chức xây dựng nhà ở:
- Hộ gia đình trong danh sách hộ nghèo được
hỗ trợ nhà ở phải có đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở (theo mẫu quy định), trong
đó có đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây dựng nhà ở (tự làm hoặc nhờ tổ
chức, đoàn thể giúp xây dựng); UBND cấp xã căn cứ vào danh sách được duyệt, phổ
biến mẫu đơn đăng ký và hướng dẫn cho các hộ thực hiện.
- UBND cấp xã, Ban Giảm nghèo cấp xã, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể cấp xã tổ chức vận động cộng đồng tại địa phương giúp đỡ hỗ
trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở (giúp đỡ công lao động, vật liệu xây dựng...). UBND
cấp xã chỉ đạo tổ chức các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở tại địa
bàn, có thể phát triển các đội đến từng ấp để xây dựng nhà ở cho các hộ gia
đình có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự tổ chức xây dựng nhà ở (người
già, neo đơn, tàn tật...).
- Các hộ khi xây dựng nhà ở có thể tham
khảo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng hoặc do hộ gia đình tự chọn lựa mẫu nhà nhưng
phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng theo quy định nêu trên.
- Sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ và vốn
vay làm nhà, các hộ gia đình phải tự xây dựng hoặc phối hợp với đội công tác hỗ
trợ xây dựng nhà ở tại địa phương để tiến hành xây dựng, thời gian hoàn thành
không quá 03 tháng.
- Trong quá trình xây dựng, các hộ gia đình phải
phối hợp chặt với chính quyền địa phương, báo cáo kịp thời với chính quyền địa
phương ngày khởi công xây dựng, ngày hoàn thành (từng giai đoạn và hoàn thành
nhà ở) lập biên bản nghiệm thu xác nhận hoàn thành xây dựng từng giai đoạn (phần
móng, thân, mái, hoàn thiện) và biên bản xác nhận hoàn thành nhà ở đưa vào sử dụng,
những biên bản này, được thực hiện theo mẫu quy định, là cơ sở để thực hiện
công tác tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí xây dựng nhà cho mỗi hộ gia đình.
- Tổ chức xây dựng nhà ở thực hiện theo
điểm 3.2, khỏan 3, Phần II Thông tư số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN,
ngày 19/5/2009.
2.3. Giải ngân vốn xây dựng nhà ở:
a. Đối với vốn Ngân sách hỗ trợ và và vốn huy
động hỗ trợ của địa phương:
- Căn cứ vào Kế hoạch phân bổ vốn chi tiết theo
từng địa phương huyện thị được Hội đồng Nhân dân Tỉnh thông qua, Ủy ban Nhân
dân Tỉnh giao dự toán cho cấp huyện, trên cơ sở mức kinh phí được giao, UBND cấp
huyện quyết định phân bổ vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và thông báo cho từng xã
(chi tiết đến từng hộ).
- Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện, UBND cấp
xã thông báo công khai mức hỗ trợ đến từng ấp và từng hộ dân.
- Việc giải ngân được UBND cấp xã thực hiện trực
tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân theo nguyên tắc sau:
+ Nếu hộ dân có nhu cầu tạm ứng tiền để mua
nguyên vật liệu làm nhà, thì được tạm ứng lần đầu tối đa bằng 60% mức ngân sách
hỗ trợ cho từng hộ và không quá 5 triệu đối với các hộ dân ở 8 xã vùng đặc biệt
khó khăn và 4,3 triệu đối với các khu vực còn lại.
+ Hộ dân đã hoàn thành việc xây dựng phần móng
và thân nhà, có biên bản nghiệm thu xác nhận, mức tạm ứng tối đa bằng 90% mức ngân
sách hỗ trợ cho từng hộ và không quá 7,5 triệu đối với các hộ dân ở 8 xã vùng đặc
biệt khó khăn và 6,4 triệu đối với các khu vực còn lại.
+ Khi đã xây dựng xong, có biên bản xác nhận
hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng, UBND cấp xã thực hiện thanh toán,
quyết toán đối với các hộ dân.
- Công tác quản lý, cấp phát và thanh toán vốn hỗ
trợ làm nhà ở thực hiện theo quy định tại khoản 5, Phần II của Thông tư số
08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19/5/2009.
b. Đối với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính
sách Xã hội:
Hộ dân thuộc đối tượng chính sách hỗ trợ làm nhà
ở, khi có nhu cầu thì được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nhà ở,
mức vay tùy theo đề nghị của người vay nhưng tối đa không quá 08 triệu đồng/hộ,
thủ tục, phương thức giải ngân và thanh toán thực hiện theo hướng dẫn của Ngân
hàng Chính sách xã hội.
2.4. Lập hồ sơ hoàn công:
Sau khi nhà ở đã được xây dựng hoàn thành, UBND
cấp xã lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ được hỗ trợ nhà ở, hồ sơ này được sử dụng
trong công tác quyết toán vốn và được lưu trữ theo quy định, bao gồm:
- Trích danh sách có tên hộ nghèo được hỗ trợ.
- Đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở của hộ gia đình.
- Các biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn
thành theo giai đoạn (phần móng, phần thân, phần mái và hoàn thiện), mỗi giai
đoạn 01 bản.
- Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở
đưa vào sử dụng (01 bản).
- Các chứng từ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ.
- Các chứng từ vay vốn để làm nhà ở.
Điều 2 . Tổ chức thực hiện.
1. Các Sở ban ngành Tỉnh:
1.1. Sở Xây dựng:
- Chủ trì tổ chức hướng dẫn triển
khai Kế hoạch thực hiện cho UBND cấp huyện và nội dung Đề án được UBND tỉnh phê
duyệt.
- Phối hợp Sở Lao động Thương binh
và Xã hội và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thẩm định danh sách chính thức đối tượng
được hưởng chính sách trước khi UBND cấp huyện phê duyệt.
- Thiết kế mẫu nhà ở, phổ biến kịp thời đến các
địa phương để hộ dân tham khảo, lựa chọn xây dựng.
- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công
tác tổ chức thực hiện, chủ trì phối hợp các ngành liên quan kịp thời tháo gỡ
các vướng mắc theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất UBND tỉnh
xem xét giải quyết.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND Tỉnh và
Trung ương theo đúng qui định.
1.2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội :
- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Tỉnh trong việc kiểm tra, thẩm định danh sách hộ nghèo được hưởng
chính sách về nhà ở theo qui định của Trung ương.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc Tỉnh hướng dẫn các địa phương thống nhất về phương pháp rà soát, bình xét,
lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở đúng tiêu chí
qui định.
- Tham gia cùng với Sở Xây dựng và các Sở ban
ngành Tỉnh có liên quan, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn khi có yêu cầu.
1.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp
kế hoạch và phân bổ vốn có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch của Trung
ương và Tỉnh.
- Tham gia cùng với Sở Xây dựng và các Sở ban
ngành Tỉnh có liên quan, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn khi có yêu cầu.
1.4. Sở Tài chính:
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư, UBND cấp huyện và các Sở ban ngành Tỉnh liên quan, xây dựng dự toán
ngân sách, xác định rõ các nguồn vốn và phân kỳ thực hiện trình UBND Tỉnh để
báo cáo đăng ký kế hoạch vốn với các Bộ ngành Trung ương theo quy định.
- Lập phương án phân bổ dự toán
ngân sách chi tiết theo từng huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND Tỉnh, để
trình Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua trong dự toán ngân sách hàng năm theo kế
hoạch của Đề án.
- Hướng dẫn các địa phương lập dự
toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo quy định.
- Tham gia cùng với Sở Xây dựng và các Sở ban
ngành Tỉnh liên quan, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn khi có yêu cầu.
1.5. Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh
Đồng Tháp:
- Kịp thời hướng dẫn trình tự thủ
tục, hồ sơ cho vay vốn.
- Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp
huyện lập các thủ tục cho vay vốn làm nhà theo quy định, giải ngân nhanh theo
tiến độ vốn cho vay.
1.6. Các Sở ban ngành Tỉnh
liên quan:
Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách
nhiệm phối hợp, hỗ trợ UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án hỗ
trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn Tỉnh.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và các tổ chức
đoàn thể:
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và các tổ
chức thành viên:
- Tiếp tục thực hiện các chương trình vận động
“Ngày vì người nghèo” “ Quỹ tấm lòng vàng”, huy động các nguồn lực
trong và ngoài Tỉnh, từ cộng đồng dân cư, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm,
các doanh nghiệp... nhằm bổ sung nguồn lực về tài chính để hỗ trợ tốt nhất nhà ở
cho hộ nghèo theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
- Xây dựng kế hoạch hướng dẫn cộng
đồng liên kết giúp đở hỗ trợ nhau trong xây dựng và hoàn thiện nhà ở.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương
binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương thống nhất về phương pháp điều tra,
bình xét lập danh sách các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở đảm
bảo công bằng, dân chủ và đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước.
- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương
binh và Xã hội trong việc kiểm tra, thẩm định danh sách hộ nghèo được hưởng
chính sách về nhà ở theo các tiêu chí, tiêu chuẩn qui định của Nhà nước.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố:
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc tổ chức thực
hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thuộc địa bàn.
- Kiện toàn Ban giảm nghèo cấp huyện
và Ban giảm nghèo cấp xã, đảm bảo các điều kiện để vận hành tốt trong việc tham
gia thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn.
- Tổng hợp và phê duyệt danh sách
hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn theo kế hoạch từng năm, công khai danh
sách, mức hỗ trợ các đối tượng được duyệt.
- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn
thực hiện công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn
vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
- Chỉ đạo các phòng ban liên quan
và UBND các xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng
giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực
hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; không để
xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo đều có nhà ở sau khi được hỗ
trợ theo quy định của Chính phủ.
- Hàng tháng, 6 tháng, một năm báo
cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở về Thường trực Ban chỉ
đạo Tỉnh để tổng hợp, báo cáo cấp trên.
- Vào ngày cuối hàng tháng báo cáo
kết quả thanh toán vốn về Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp trên.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Phối
hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện công tác bình xét, lập
danh sách các hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở đảm bảo đúng đối tượng và có thứ tự ưu
tiên thuộc địa bàn ; trực tiếp chỉ đạo, giám sát để các hộ gia đình sử dụng
tiền hỗ trợ, tiền cho vay làm nhà ở đúng mục đích, đảm bảo các căn nhà phải được
xây dựng hoàn chỉnh, đạt yêu cầu về chất lượng khi đưa vào sử dụng.
- Kiện toàn Ban Giảm nghèo cấp xã,
thành lập các Đội công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở để thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về
nhà ở.
- Theo dõi, tổ chức công tác lập
biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo từng giai đoạn và biên bản xác
nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng.
- Thực hiện công tác giải ngân
theo đúng quy định.
- Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ
được hỗ trợ về nhà ở.
- Tổng hợp, báo cáo cho UBND cấp
huyện và Ban Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo cấp huyện theo định kỳ
hàng tháng, 6 tháng và hàng năm về kết quả thực hiện đề án Hỗ trợ hộ nghèo về
nhà ở trên địa bàn (số lượng hộ nghèo được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng, số
tiền hỗ trợ đã cấp, số tiền cho vay, những khó khăn vướng mắc...).
5. Trách nhiệm của các đơn vị
liên quan nêu trên: trong quá trình triển khai thực hiện
Kế hoạch, khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo cho cơ
quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhà ở cho hộ nghèo Tỉnh (Sở Xây dựng) xem xét giải
quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền, Ban Chỉ đạo nhà ở cho hộ nghèo Tỉnh có
trách nhiệm đề xuất UBND Tỉnh xem xét giải quyết.
Ðiều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Ðiều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng,
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội; Giám đốc Ngân
hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- UBMTTQ Tỉnh (phối hợp tuyên truyền, vận động);
- Hội LHPN Tỉnh (phối hợp tuyên truyền, vận động);
- Tỉnh Đoàn (phối hợp tuyên truyền, vận động);
- Sở NN&PTNT, LĐVP;
- Lưu: VT, NC/XDCB (BTP).
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Vĩnh Tân
|