Quyết định 84/QĐ-UBND năm 2012 công bố thủ tục hành chính mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành

Số hiệu 84/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/02/2012
Ngày có hiệu lực 20/02/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Mùa A Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 20 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố bổ sung 01 thủ tục hành chính mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên (có phụ lục và nội dung cụ thể kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh Điện Biên)

I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN

STT

Tên thủ tục hành chính

I. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ÁP DỤNG TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở giáo dục đào tạo khác

1

Xác nhận điều kiện mở mã ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN

1. Xác nhận các điều kiện mở mã ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Cơ sở đào tạo gửi 03 bộ hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi trường đặt trụ sở đề nghị kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện của cơ sở đào tạo. Đồng thời, gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tự thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VIII) hoặc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định một cơ sở đào tạo có uy tín thẩm định chương trình đào tạo.

Bước 2. Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo của ngành đăng ký đào tạo.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: 01 đại diện Ban giám đốc sở (Trưởng đoàn), 01 đại diện lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ và 1 chuyên viên (làm nhiệm vụ thư ký).

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối chiếu các nội dung kê khai trong hồ sơ với các điều kiện thực tế như: bảng lương của trường, sổ bảo hiểm của giảng viên, văn bằng, chứng chỉ của giảng viên, trang thiết bị, thư viện và lập biên bản kiểm tra.

Bước 3. Căn cứ vào biên bản kiểm tra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xác nhận thực trạng vào các bảng biểu báo cáo về năng lực của cơ sở đào tạo trong hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo

- Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo (Phụ lục I).

- Đề án đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng (Phụ lục II), bao gồm các nội dung: Sự cần thiết mở ngành đào tạo; năng lực của cơ sở đào tạo; chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo; lý lịch khoa học và các tài liệu, minh chứng kèm theo.

- Biên bản thông qua đề án đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng của Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở đào tạo.

- Biên bản kiểm tra và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo ngành đăng ký đào tạo của sở giáo dục và đào tạo địa phương (Phụ lục VI).

- Biên bản thẩm định chương trình đào tạo của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đối với cơ sở đào tạo được phép tự thẩm định chương trình đào tạo hoặc của một cơ sở đào tạo có uy tín do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ định đối với cơ sở đào tạo không được phép tự thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VII).

- Số lượng hồ sơ:

03 bộ

- Thời hạn giải quyết:

15 ngày kể, từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Biên bản xác nhận các điều kiện mở mã ngành trình độ đại học, cao đẳng.

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

- Tờ trình đăng ký mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo (Phụ lục I);

- Đề án đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng (Phụ lục II);

- Biên bản kiểm tra và xác nhận các điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị, thư viện (Phụ lục VI).

- Biên bản và phiếu thẩm định chương trình đào tạo (Phụ lục VII).

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

1. Các đại học, học viện, trường đại học được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ đại học khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.

- Có chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo và đề cương chi tiết các học phần/môn học trong chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

Tên ngành đào tạo có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trường hợp tên ngành đào tạo chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, các học viện, trường đại học phải trình bày luận cứ khoa học về ngành đào tạo mới đã được Hội đồng khoa học đào tạo thông qua; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới, kèm theo chương trình đào tạo tham khảo của ít nhất 2 trường đại học đã được kiểm định ở nước ngoài.

- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo trình độ đại học, cụ thể:

+ Có phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm với các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của ngành đào tạo;

+ Thư viện của trường có phòng tra cứu thông tin, có phần mềm và các trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu: sách, giáo trình, bài giảng của các học phần/môn học, các tài liệu liên quan, có tạp chí trong và ngoài nước được xuất bản trong 10 năm trở lại đây đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập các học phần/môn học trong chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành đào tạo;

+ Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên;

d) Website của trường được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai thu chi tài chính.

- Có đơn vị quản lý chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ quản lý hoạt động đào tạo trình độ đại học. Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường bảo đảm triển khai ngành đào tạo.

- Không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm tính đến ngày cơ sở đào tạo nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo.

- Ngành đăng ký đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, vùng và quốc gia.

2. Trường cao đẳng được xem xét để mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

- Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký;

- Có chương trình đào tạo của ngành đăng ký đào tạo và đề cương chi tiết các học phần/môn học trong chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

Tên ngành đào tạo có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Trường hợp tên ngành đào tạo chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, trường cao đẳng phải trình bày luận cứ khoa học về ngành đào tạo mới đã được Hội đồng khoa học đào tạo thông qua; thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo của một số nước trên thế giới, kèm theo chương trình đào tạo tham khảo của ít nhất 02 trường đại học hoặc trường cao đẳng đã được kiểm định ở nước ngoài;

- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo trình độ cao đẳng, cụ thể:

+ Có đủ giảng đường, phòng học, phòng chức năng, cơ sở thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập với các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của các học phần/môn học trong chương trình đào tạo;

+ Thư viện của trường có phòng tra cứu thông tin, có phần mềm và các trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu: sách, giáo trình, bài giảng của các học phần, các tài liệu liên quan; có tạp chí trong và ngoài nước được xuất bản trong 10 năm trở lại đây, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập các học phần/môn học trong chương trình đào tạo;

+ Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ, giảng viên và sinh viên; phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ của trường để phục vụ công tác quản lý, đào tạo;

+ Website của trường được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, công khai thu chi tài chính;

- Có đơn vị quản lý chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên

môn nghiệp vụ quản lý hoạt động đào tạo trình độ cao đẳng. Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đảm bảo triển khai ngành đào tạo;

- Không vi phạm các quy định hiện hành về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và các quy định liên quan khác của pháp luật trong thời hạn 3 năm tính đến ngày cơ sở đào tạo nộp hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo;

- Ngành đăng ký đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của vùng và địa phương.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

- Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng.

 

PHỤ LỤC I

TỜ TRÌNH ĐĂNG KÝ MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG
(Kèm theo Thông tư số: 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17 tháng 2 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

BỘ, NGÀNH
(Cơ quan chủ quản nếu có)
TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO:
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:

…...........…., ngày         tháng    năm

 

TỜ TRÌNH

ĐĂNG KÝ MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO

Tên ngành: ……………………… Mã số: ……………

[...]