Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 176/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 176/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/01/2010
Ngày có hiệu lực 29/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 176/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển nông nghiệp của ngành, của địa phương.

2. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có sự lựa chọn, đầu tư đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu tạo công nghệ cao với ứng dụng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng an toàn sinh học và khả năng cạnh tranh.

3. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu công nghệ cao của thế giới để làm chủ khoa học hiện đại, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, đồng thời hiện đại hóa các công nghệ truyền thống.

4. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải huy động sự tham gia của lực lượng nghiên cứu, đào tạo các ngành, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ; thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

5. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao trong nông nghiệp đủ về số lượng và có chất lượng cao cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nước ta.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2010 – 2015

a) Bước đầu nghiên cứu phát triển một số công nghệ cao mới trong nông nghiệp; tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao trong nông nghiệp của thế giới có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; góp phần đưa trình độ công nghệ nông nghiệp của nước ta ngang bằng trình độ tiên tiến của các nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và trung bình khá của các nước khu vực châu Á. Đến năm 2015, tạo được 4 – 5 giống cây trồng nông, lâm nghiệp chuyển gen có triển vọng, 2 – 3 giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền có triển vọng; công nhận và đưa vào sản xuất 1 – 2 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ yếu và 1 – 2 quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực;

b) Từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2015, mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được 3 – 5 doanh nghiệp, 2 – 3 vùng sản xuất nông nghiệp; cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp;

c) Từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 – 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Giai đoạn 2016 – 2020

a) Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, trọng tâm là tạo công nghệ cao mới trong nông nghiệp; góp phần đưa trình độ công nghệ nông nghiệp của nước ta ngang bằng trình độ khá trong khu vực châu Á. Đến năm 2020, tạo ra và đưa vào sản xuất 2 – 3 giống cây trồng chuyển gen, 2 – 3 giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học; công nhận và đưa vào sản xuất 2 – 3 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ yếu và 2 – 3 quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực;

b) Đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7 – 10 doanh nghiệp, 5 – 7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 – 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

c) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30 – 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp

Trong giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2020, nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:

a) Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao.

[...]