Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 814/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình Khuyến nông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 814/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/05/2021
Ngày có hiệu lực 19/05/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 814/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN NÔNG TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh Cao Bằng ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông địa phương từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

Căn cứ Biên bản số 1101/BB-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2021 của Hội đồng thẩm định Chương trình Khuyến nông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Khuyến nông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025 (có chương trình chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đúng theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; các tổ chức, cá nhân và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Hoàng Xuân Ánh

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN NÔNG TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(ban hành kèm theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh Cao Bằng)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc có địa hình phức tạp, song có những điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương hàng hóa như hệ thống giao thông được cải thiện và nâng cấp, tiếp giáp với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng là tiền đề để phát triển các ngành kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp đã phát huy tốt những lợi thế và đang phát triển theo chiều hướng tích cực.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã rất quan tâm tới công tác khuyến nông. Trong những năm qua công tác khuyến nông được tăng cường với nhiều nội dung và hình thức hoạt động khác nhau góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của nông dân và các tổ chức sản xuất; nhiều hộ nông dân đã áp dụng thành công các kiến thức đã học để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giảm nghèo, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường. Hoạt động khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp và PTNT, của hệ thống khuyến nông, sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm vừa qua đã đạt được những kết quả nổi bật như cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch tích cực, giảm dần tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỉ trọng ngành chăn nuôi (trồng trọt chiếm 56%, chăn nuôi 32,3%, dịch vụ nông nghiệp 2,8%, lâm nghiệp 8,6%, thủy sản 0,3%). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 283,9 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 40 triệu đồng/ha (năm 2020). Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như cây Thuốc lá, Hồi, miến Dong, Chanh leo, Quýt, hạt Dẻ, Thạch đen... tiếp tục được mở rộng quy mô, diện tích, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân; kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển; một số sản phẩm được xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ như thịt Bò, Lợn đen...; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 55,68%. Thu hút được 43 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.259 tỷ đồng, trong đó Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa có tổng vốn đầu tư trên 2.500 tỷ đồng. Huy động được nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn vốn gần 7.800 tỷ đồng; toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh, các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đã triển khai, phối hợp với cơ sở thực hiện được 46 chương trình, dự án, mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản với 747ha diện tích sản xuất, hỗ trợ trên 8.000 con giống vật nuôi, thủy sản. Trong đó, điển hình là Dự án sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh Miền núi biên giới phía Bắc thực hiện năm 2015 tại Huyện Hà Quảng, đã hỗ trợ 01 hộ với 01 hệ thống máy ấp, nở công suất 11.500 quả, đến nay hộ gia đình vẫn duy trì hoạt động, ngoài ra phát triển thêm 01 hệ thống máy ấp nở công suất 11.500 quả, 02 hệ thống máy ấp nở công suất 500 quả, cung ứng số lượng con giống gia cầm đảm bảo tiêu chuẩn giống tại chỗ cho huyện Hà Quảng và các huyện lân cận; Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh - cây mỡ và keo lai mô” thực hiện từ năm 2016 - 2019, diện tích 92ha tại 3 huyện Thạch An, Hòa An và thành phố Cao Bằng, hiện nay các hộ gia đình vẫn đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật được chuyển giao trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, từng bước mở rộng diện tích và phát triển rừng theo hướng bền vững. Nhằm phát huy thế mạnh của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hướng tới sản xuất hàng hóa, từ năm 2016, mô hình "Ứng dụng giống lúa thuần chất lượng dòng Japonica vào sản xuất gắn với định hướng thị trường” đã được triển khai tại xã Dân Chủ, huyện Hòa An với quy mô 10ha, hiện nay diện tích gieo trồng tăng lên 50ha, tập trung tại các huyện Hòa An, Quảng Uyên và thành phố Cao Bằng, năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha, chất lượng gạo thơm, ngon được thị trường ưa chuộng. Dự án “ Xây dựng mô hình phát triển giống Lê mới và giống Lê địa phương vùng miền núi phía bắc” giai đoạn 2016 - 2018 được triển khai tại huyện Nguyên bình, với diện tích 10ha, đến nay diện tích trồng giống Lê mới và giống Lê địa phương đạt trên 115ha.

Tổ chức được 44 lớp tập huấn đào tạo (đối tượng là cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân) trong đó có các lớp tập huấn theo phương pháp lớp học hiện trường, với tổng số 2.353 lượt người được hưởng lợi. Xuất bản Bản Thông tin khuyến nông Cao Bằng với gần 2.800 cuốn; viết trên 50 tin, bài về hoạt động khuyến nông, giống nông lâm nghiệp và ngành nông nghiệp gửi các báo, trang điện tử chuyên ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong sản xuất nông nghiệp còn bộc lộ những hạn chế nhất định như nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, trình độ sản xuất của nông dân không đồng đều, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, các sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng sản phẩm chưa cao và khả năng cạnh tranh còn thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế đó là do công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đào tạo tập huấn khuyến nông chưa được sâu rộng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; năng lực cán bộ phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế; nguồn ngân sách bố trí cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, nên việc xây dựng và nhân rộng mô hình từ nguồn ngân sách địa phương chủ yếu mới triển khai được ở quy mô nhỏ, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật đơn giản, với những đối tượng cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn, đối tượng hưởng lợi chưa được nhiều.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh ba nội dung đột phá, ba chương trình trọng tâm, trong đó có nội dung “Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước”. Đồng thời Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng chỉ ra các nhiệm vụ chủ yếu là triển khai có hiệu quả Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao, đến năm 2025 có trên 10.000 con bò sữa, với trên 72.000 tấn sữa/năm; phấn đấu tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp đạt trên 55% vào năm 2025; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung hướng tới xuất khẩu hàng hóa với các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao như các vùng trồng cây ăn quả, vùng rau sạch, vùng cây dược liệu... phát triển các loại cây đặc sản, đặc hữu có lợi thế như cây Thạch đen, Dong giềng, Gừng, Giảo cổ lam, Hà thủ ô, Bảy lá một hoa, các loại Sâm... cây ăn quả Lê, Dẻ, Cam, Quýt, Mận máu, Chanh leo. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới đối với các xã biên giới đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

[...]