Quyết định 81/QĐ-UBND năm 2015 về Phương án Phòng chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 81/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/02/2015
Ngày có hiệu lực 09/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 09 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG LỤT BÃO, ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 911/QĐ-UBND, ngày 07/9/20101 của UBND tỉnh Kon Tum về ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 544/QĐ-UBND ngày 16/6/2011 của UBND tỉnh Kon Tum về việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh tại Văn bản số 02/PCLB ngày 20/01/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án Phòng chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 20/9/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về ban hành Phương án Khung phòng, chống lụt, bão và Giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2015.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng, các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo PCLBTW;
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQVN tỉnh (b/c);
- CT và PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Thành viên BCH PCLB và GNTT tỉnh;
- Sư đoàn 10;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Cổng thông tin điện tử;
- Lưu: VT. KTN6.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO, ỨNG PHÓ VỚI BÃO MẠNH, SIÊU BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 của UBND tỉnh Kon Tum)

Phần I

TÌNH HÌNH CHUNG

I. Đặc điểm vị trí địa lý

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, vị trí địa lý từ 13°55’ đến 15°27’ Vĩ Bắc, 107°20 đến 108°33’ Kinh Đông, diện tích tự nhiên 9.689,6 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp hai nước Lào và Campuchia. Phần lớn diện tích tỉnh Kon Tum nằm ở sườn phía Tây dãy Trường Sơn, địa hình có hướng dốc thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây.

Trên địa bàn tỉnh có 03 con sông chính (Krông Pô Kô, Đăk Bla và Sa Thầy) hướng chảy chủ yếu từ Bắc xuống Nam tập trung đổ về sông Sê San. Các nhánh sông dài, mùa mưa nước sông dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn. Kon Tum có nhiều hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện như Ia Ly, Plei Krông, Đăk Uy, Đăk Yên, Đăk Loh... phục vụ cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp; ngoài ra còn có nhiều nhánh sông, suối nhỏ.

Về giao thông có đường Hồ Chí Minh chạy qua nối với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam; Quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi; Quốc lộ 40B đi Quảng Nam; Quốc lộ 40 đi Attapư (Lào); Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Ngoài các trục đường chính trên còn có các Tỉnh lộ như 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678, đường Đăk Kôi – Đăk Psi...

II. Đặc điểm thời tiết, khí hậu.

Khí hậu Kon Tum mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên với hai mùa đặc trưng: Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; riêng các vùng phía Bắc, Đông Bắc tỉnh, mùa mưa thường bắt đầu và kết thúc muộn hơn; thời gian còn lại là mùa khô. Tổng lượng mưa hàng năm trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 1.800 mm, năm cao nhất 2.300 mm, năm thấp nhất 1.300 mm.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp. Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, thiên tai diễn biến bất thường, có xu hướng cực đoan hơn. Tình trạng lũ lụt, sạt lở đất xảy ra nhiều, bất ngờ và có sức tàn phá lớn ở các lưu vực sông, suối.

1. Bão, áp thấp nhiệt đới và lốc xoáy: Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh được che chắn bởi dãy núi Trường Sơn ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Tuy nhiên, hàng năm từ cuối tháng 7 đến tháng 11, bão và áp thấp nhiệt đới ở các tỉnh duyên hải Trung Bộ ảnh hưởng đến tỉnh Kon Tum gây mưa to hoặc rất to, lượng mưa ngày lớn nhất có thể lên trên 200mm đến gần 300mm và kèm theo lốc xoáy.

2. Lũ và ngập úng: Lũ là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra nhất ở tỉnh Kon Tum, ngập úng xảy ra cục bộ một số nơi vùng trũng nhưng không kéo dài, hầu như năm nào cũng xảy ra. Ở thành phố Kon Tum, vùng bãi bồi ven hai bờ sông Đăk Bla thường bị ngập với thời gian ngập từ 1/2 ngày đến 3 ngày. Những năm có lũ đặc biệt lớn như 1996, 2006, 2009 thời gian ngập kéo dài từ 4 ngày đến gần một tuần, hầu hết các khu vực canh tác của nhân dân bị thiệt hại hoàn toàn.

3. Lũ quét và sạt lở đất: Trong những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ của bề mặt lưu vực, nhất là sự thu hẹp nhanh chóng diện tích và mật độ cây rừng, kết hợp với việc đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện...và với sự tác động của biến đổi khí hậu cường độ mưa tăng mạnh (hiện tượng này đã xuất hiện nhiều lên so với những năm trước đây), Lũ quét và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, phá hủy tài sản và các công trình cơ sở hạ tầng, làm bào mòn, rửa trôi hàng triệu mét khối đất đai màu mỡ gây hiểm họa thực sự đối với nhân dân tỉnh Kon Tum, nhất là đối với các nhà dân nằm ven khu sản xuất gần các sông, suối, sườn dốc, sườn đồi.

[...]