THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
81/2009/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA
DƯỢC ĐẾN NĂM 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến
năm 2010 (có tính đến năm 2020);
Căn cứ Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp
mũi nhọn giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến
khích phát triển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa
dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những
nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng ngành công nghiệp hóa
dược có cơ cấu sản phẩm tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các sản phẩm hóa dược chủ
yếu như: nhóm nguyên liệu thuốc kháng sinh; nhóm nguyên liệu thuốc chữa trị bệnh
tim, mạch, chống ung thư; nhóm nguyên liệu vitamin và thuốc bổ; nhóm nguyên liệu
thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; nhóm nguyên liệu thuốc chữa HIV/AIDS và điều
trị cai nghiện; nhóm tá dược và phụ gia, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường
trong nước, thay thế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu thuốc;
- Từng bước xây dựng ngành công
nghiệp hóa dược theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều
sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, trong khu vực và thế giới.
Kết hợp việc nghiên cứu tạo ra những công nghệ có chất lượng cao ở trong nước với
việc nhập khẩu và làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản
xuất nguyên liệu hóa dược phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp dược;
- Khai thác, chế biến, sử dụng hợp
lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát
triển ngành hóa dược trên cơ sở chú trọng việc bảo tồn và phát triển các nguồn
gen dược liệu quý, hiếm. Phấn đấu bảo đảm cung cấp phần lớn hóa dược vô cơ và
tá dược thông thường; một phần tá dược cao cấp, hóa dược hữu cơ chiết suất từ
thực vật và dược liệu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm đủ thuốc thiết yếu
từ nguồn gốc nguyên liệu hóa dược vô cơ;
- Phát huy tiềm năng, thế mạnh về
dược liệu, kết hợp với tinh hoa của y dược học cổ truyền để tạo ra các sản phẩm
hóa dược quý có hiệu quả điều trị cao, phù hợp với mô hình bệnh tật của nước
ta;
- Đầu tư công nghệ hiện đại, đổi
mới trang thiết bị và nghiệp vụ quản lý để xây dựng ngành công nghiệp hóa dược
từng bước đáp ứng được nguồn nguyên liệu bào chế thuốc. Xây dựng cơ sở sản xuất
kháng sinh và hóa dược thiết yếu khác, sản xuất các nguyên liệu làm thuốc có thế
mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu thuốc từ dược liệu;
- Đầu tư có trọng điểm phát triển
các cơ sở sản xuất hóa chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất
nguyên liệu hóa dược để phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất
khẩu, thuốc từ dược liệu và thuốc gốc (generic) để thay thế thuốc nhập khẩu.
Chú trọng đầu tư phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu. Kết hợp chặt chẽ
nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành dược, ngành hóa chất với nguồn
lực của các ngành khác, gắn kết hiệu quả quá trình nghiên cứu khoa học với việc
sản xuất hóa dược, dược phẩm của các doanh nghiệp hóa dược;
- Có chính sách phù hợp để khuyến
khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức sản xuất ngoài quốc doanh
tham gia phát triển trồng và chế biến các loại dược liệu có nguồn gốc từ nông,
lâm, ngư nghiệp theo quy hoạch phát triển chung của Nhà nước. Chú trọng phát
triển của loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất và chế biến các sản
phẩm hóa dược;
- Nhà nước chú động đầu tư sản
xuất các loại hoạt chất, tá dược cần công nghệ cao và nhu cầu lớn, thiết yếu
cho an toàn sức khoẻ cộng đồng, như các loại vắc xin, kháng sinh thế hệ mới; đồng
thời khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực quan
trọng này.
2. Mục tiêu cụ thể
- Sản xuất trong nước bảo đảm
đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc vào năm
2015; 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025;
- Xây dựng vùng sản xuất nguyên
liệu: có quy hoạch xây dựng vùng sản xuất và sử dụng có hiệu quả những loại tài
nguyên như khoáng sản, các loại nguyên liệu có nguồn gốc từ các loại động, thực
vật nhiệt đới, sinh vật biển bảo đảm phát triển bền vững. Tập trung đầu tư phát
triển sản xuất các sản phẩm có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu mà ta có lợi
thế về tài nguyên, như các sản phẩm tách chiết từ dược liệu và bán tổng hợp từ
hợp chất thiên nhiên,…
- Khai thác và chế biến nguyên
liệu: khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên
thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành hóa dược trên cơ sở chú trọng
việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen dược liệu quý, hiếm. Phấn đấu bảo đảm
cung cấp phần lớn hóa dược vô cơ và tá dược thông thường; một phần tá dược cao
cấp, hóa dược hữu cơ chiết suất từ thực vật và dược liệu dùng trong nước và xuất
khẩu; bảo đảm đủ thuốc thiết yếu từ nguồn gốc nguyên liệu hóa dược vô cơ.
- Khoa học, công nghệ và môi trường:
ngành công nghiệp hóa dược cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo
ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đối với các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại thì chủ động nhập,
mua công nghệ cao, thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa cao từ nước ngoài.
Sau khi đã làm chủ được công nghệ, cần tích cực nghiên cứu để tự chế tạo, nội địa
hóa từng phần ở trong nước, tiến tới sản xuất toàn bộ dây chuyền thiết bị, phục
vụ đầu tư các dự án khác ở trong nước. Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường,
chú trọng sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, thải ra ít chất
thải và ít gây ô nhiễm; chủ động áp dụng các giải pháp xử lý triệt để chất thải,
đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào môi trường;
- Đầu tư phát triển: căn cứ vào
nhu cầu sử dụng các sản phẩm hóa dược, khả năng cung cấp, khai thác và chế biến
các nguồn nguyên liệu trong từng thời kỳ để chủ động đầu tư dự án xây dựng các
nhà máy sản xuất hóa dược, xây dựng được hệ thống các doanh nghiệp hóa dược thuộc
mọi thành phần kinh tế, tạo lập thị trường thuận lợi cho các sản phẩm hóa dược,
góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa dược.
II. QUY HOẠCH
PHÁT TRIỂN
1. Xây dựng
các vùng sản xuất nguyên liệu:
a. Nguyên liệu thực vật, động vật:
Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu
theo nguyên tắc tập trung vào những loài cây, con mà nước ta có thế mạnh như:
thanh hao hoa vàng, hoa hòe, dừa cạn, bình vôi, bạc hà, tỏi, gấc, nghệ, bồ bồ,
mướp đắng, nhân trần, đậu tương, hương nhu, ngũ sắc, gừng, ích mẫu, cúc gai,
cúc vạn thọ, lô hội, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, màng tang, ba kích, sen,
ngũ gia bì, vàng đắng, hoàng liên gai…;
Ưu tiên việc tạo dựng nguồn
nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng để cung cấp cho các nhà máy chiết
xuất. Tránh tình trạng thu mua dược liệu mọc hoang nhỏ lẻ và việc trồng trọt
phân tán vì điều này sẽ làm giảm chất lượng dược liệu và tăng giá thành sản xuất.
Củng cố và phát triển một số
vùng nguyên liệu cụ thể sau đây:
- Củng cố, duy trì và mở rộng
các cơ sở trồng dược liệu hiện có ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Cao Bằng,
Lạng Sơn, Hưng Yên, Đà Lạt;
- Phát triển đồng bộ khu vực trồng
thanh hao hoa vàng ở miền Bắc (Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn …) đủ
cho nhu cầu chiết xuất 10 đến 15 tấn artemisinin;
- Xây dựng vùng trồng thâm canh
hoa hòe tại Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương …
- Bảo tồn, tái tạo và trồng mới
cây vàng đắng, hoàng liên gai tại các tỉnh Tây bắc, phấn đấu đủ nguyên liệu chiết
xuất berberin phục vụ nhu cầu chữa dịch lỵ trong nước, tiến tới xuất khẩu;
- Củng cố và mở rộng vùng trồng
cây dừa cạn tại các tỉnh ven biển miền Trung.
- Bảo tồn, khai thác hợp lý và
trồng mới nguồn thông đỏ tại Đà Lạt (Lâm Đồng);
Căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ
nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm nuôi trồng của từng địa phương, phát triển
các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp tách chiết và bán tổng hợp hóa dược
từ hợp chất tự nhiên (Phụ lục I kèm theo Quyết định này).
b. Nguyên liệu hữu cơ, vô cơ và
khoáng hóa:
- Các nguyên liệu có nguồn gốc từ
nước biển: xây dựng cụm công nghiệp sau muối tại Ninh Thuận để sản xuất muối
công nghiệp và các hóa dược như NaCl, MgCO3, MgSO4,…
- Các loại hóa chất vô cơ tinh
khiết dùng cho ngành hóa dược và dược phẩm sẽ được sản xuất tại các doanh nghiệp
hóa chất và một số viện nghiên cứu hóa chất;
- Các sản phẩm hữu cơ cơ bản và
trung gian dùng cho công nghiệp hóa dược: lựa chọn phát triển một số sản phẩm
phù hợp với lộ trình phát triển của công nghiệp sản xuất hóa chất hữu cơ cơ bản
và công nghiệp hóa dầu.
2. Khai thác
và chế biến nguyên liệu:
a. Khai thác và chế biến nguyên
liệu phục vụ sản xuất thuốc kháng sinh và các loại thuốc thiết yếu khác:
Từ nay đến năm 2015, tập trung sản
xuất kháng sinh nhóm b-lactam: như ampicilin, amoxicillin và cephalosporin,
nguyên liệu sản xuất kháng sinh cần nhập khẩu (6-APA, 7-ADCA). Đẩy mạnh sử dụng
các kết quả nghiên cứu của “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm
quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” để bán tổng hợp 6-APA,
7-ADCA từ penicillin G nhập khẩu. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2025, sử dụng sản
phẩm của Nhà máy sản xuất penicillin G để sản xuất các nguyên liệu trung gian
6-APA, 7-ADCA từ trong nước cung cấp cho các nhà máy sản xuất kháng sinh đã xây
dựng trong giai đoạn trước đó.
Đối với các nguyên liệu hữu cơ
cơ bản và trung gian, hóa chất tinh khiết phục vụ sản xuất các thuốc thiết yếu
khác thì một phần sẽ nhập khẩu những hóa chất chưa sản xuất được, phần còn lại
do ngành hóa chất, hóa dầu trong nước cung ứng.
b. Khai thác và chế biến nguyên
liệu phục vụ chiết tách, bán tổng hợp các hợp chất tự nhiên:
Triển khai chiến lược khai thác một
cách hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; sản lượng khai thác các dược liệu tự
nhiên sẽ tùy thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của từng loài và bảo đảm nguyên tắc
duy trì, tái tạo lại. Tổ chức tập huấn cho các tổ chức và cá nhân tham gia khai
thác dược liệu tự nhiên về chính sách, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản dược
liệu nhằm bảo đảm phẩm cấp dược liệu;
Trên cơ sở quy hoạch phát triển
vùng nguyên liệu, xây dựng các trạm thu mua, sơ chế tại các vùng nguyên liệu mà
hộ nông dân tham gia phát triển nguyên liệu để bảo đảm nguyên liệu đạt tiêu chuẩn;
Đối với những vùng nuôi trồng dược
liệu do các doanh nghiệp quản lý: khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học về
giống, kỹ thuật canh tác; khuyến khích và có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh
nghiệp tham gia chiết tách, sản xuất hóa dược, bảo đảm mở rộng và phát triển bền
vững vùng nguyên liệu vừa mở rộng trên cơ sở tham gia của nhiều thành phần kinh
tế vào sự nghiệp phát triển hóa dược;
Tận dụng phụ phẩm của công nghiệp
chế biến thủy, hải sản tại khu vực miền Trung và Tây Nam bộ để sản xuất
glucosamin, gelatin và một số axit béo phục vụ sản xuất hóa dược.
c. Khai thác và chế biến nguyên
liệu phục vụ sản xuất sorbitol và vitamin C: sử dụng nguồn nguyên liệu tinh bột
dùng cho sản xuất sorbitol của các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã và đang xây
dựng tại nước ta. Bảo đảm cung cấp đủ sorbitol với chất lượng cao và ổn định
cho sản xuất vitamin C.
d. Khai thác và chế biến nguyên
liệu phục vụ biến tính tinh bột và xellulo làm tá dược: nguyên liệu sản xuất
tinh bột biến tính được lấy từ các nhà máy chế biến tinh bột đã và đang xây dựng
ở nước ta; xellulo được cung cấp từ các nhà máy chế biến bột giấy, từ nhập khẩu
và được khai thác từ các vùng trồng bông nguyên liệu ở Nam Trung bộ;
đ. Khai thác và chế biến nguyên
liệu phục vụ sản xuất thuốc chống ung thư, thuốc chữa bệnh tim mạch, thuốc chữa
HIV/AIDS và thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện:
Từ nay đến năm 2015, cần tập
trung khai thác và phát triển các thuốc từ nguồn nguyên liệu tự nhiên. Đối với
các thuốc từ tổng hợp hóa học thì lựa chọn những thuốc có ảnh hưởng lớn đến an
ninh thuốc để phát triển. Quy hoạch việc khai thác và chế biến nguyên liệu phục
vụ sản xuất các thuốc thuộc nhóm này theo đúng định hướng nêu trên;
Đối với một số loại thuốc: chống
ung thư, chữa bệnh tim mạch, chữa HIV/AIDS và điều trị cai nghiện có nguồn gốc
thiên nhiên sẽ được tách chiết từ nguồn dược liệu trong nước và bán tổng hợp
như: taxol từ cây thông đỏ, vinblastin và các alcaloid khác từ dừa cạn,…
3. Khoa học
và công nghệ:
Công nghệ sử dụng trong các dự
án phát triển hóa dược phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Công nghệ, kỹ thuật và thiết bị
phải bảo đảm tiên tiến, hiện đại để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng
theo quy định;
- Công nghệ phải tiêu tốn ít
năng lượng, nguyên, vật liệu và tài nguyên nhằm sử dụng tiết kiệm và bền vững
các nguồn tài nguyên;
- Công nghệ phải sạch, thân thiện
với môi trường, đồng thời phải có các biện pháp hiệu quả để kiểm soát và xử lý
ô nhiễm do các loại chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn,…) của quá
trình sản xuất phát thải ra, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường
theo quy định.
a. Công nghệ sản xuất thuốc
kháng sinh và thuốc thiết yếu khác:
Từ nay đến năm 2015, chú trọng
nhập khẩu công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh. Tập trung vào công nghệ sản xuất
cephalosporin thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ 2. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm
2025, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu của “Chương trình nghiên cứu khoa học
công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” để
sản xuất một số thuốc kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3
và thế hệ thứ 4, song song với việc nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất một
số loại kháng sinh quan trọng khác;
Đối với các thuốc thiết yếu vô
cơ và hữu cơ không đòi hỏi công nghệ cao thì sử dụng năng lực sản xuất ở trong
nước;
Đối với các thuốc thiết yếu đòi
hỏi công nghệ cao và phức tạp thì tập trung vào chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ
và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài.
b. Công nghệ chiết tách và bán tổng
hợp các hợp chất từ tự nhiên:
Tập trung khai thác những nguyên
liệu hóa dược vốn là thế mạnh của Việt Nam. Ưu tiên sử dụng công nghệ tạo ra
trong nước để tách chiết và bán tổng hợp các hợp chất thiên nhiên. Chỉ nhập khẩu
một phần thiết bị công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được. Trong giai đoạn
từ nay đến năm 2015, tập trung rà soát, đánh giá và hoàn hiện các quy trình
công nghệ tách chiết các chất: artemisinin, berberin, rutin, rotudin, A-caroten,
vinblastin, … đồng thời sử dụng các công nghệ này trong việc xây dựng và vận
hành các nhà máy chiết tách và bán tổng hợp hóa dược từ hợp chất tự nhiên. Cần
tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu sau:
- Chiết xuất artemisinin và dẫn
xuất (artesunat và artemether), sản xuất artesunat;
- Chiết tách hoạt chất từ tự
nhiên làm thuốc chống ung thư từ cây dừa cạn và thông đỏ, chữa viêm gan B từ
cây chó đẻ răng cưa,…;
- Chiết tách và bán tổng hợp một
số kháng sinh có nguồn gốc tự nhiên làm thuốc giảm đau, chống viêm, điều trị thấp
khớp,…;
- Chiết tách một số axit béo đa
nối đôi từ sinh vật biển làm thuốc hỗ trợ phòng, chống ung thư, chống lão hóa
và tăng sức đề kháng của cơ thể;
- Hoàn thiện quy trình sản xuất
becberin, rutin và rutin dạng hòa tan;
- Sản xuất metol tinh thể từ bạc
hà phục vụ trong nước và xuất khẩu;
- Chiết tách và bán tổng hợp tạo
ra nhiều loại sản phẩm từ tinh dầu thông;
- Sản xuất chế phẩm từ dẫn xuất
của phytin cho việc điều trị tiểu đường;
- Sản xuất các loại hoóc môn cao
cấp đi từ dầu hồi,…
c. Công nghệ sản xuất sorbitol
và vitamin C:
Lựa chọn công nghệ thích hợp sản
xuất sorbitol (hydro hóa liên tục hay gián đoạn). Nhập khẩu công nghệ sản xuất
vitamin C từ nước ngoài (sử dụng công nghệ tiên tiến và phổ biến hiện nay trong
sản xuất vitamin C);
d. Công nghệ biến tính tinh bột
và xellulo làm tá dược:
Ưu tiên sử dụng công nghệ phát
triển trong nước kết hợp với nhập khẩu những thiết bị mà trong nước chưa tự sản
xuất được để sản xuất một số loại tá dược từ tinh bột và xellulo;
Nhập khẩu công nghệ từ nước
ngoài để sản xuất những tá dược cao cấp trong giai đoạn đầu nhằm học hỏi kinh
nghiệm và làm chủ công nghệ. Giai đoạn mở rộng quy mô sản xuất và phát triển
thêm chủng loại sản phẩm sẽ sử dụng công nghệ tạo ra từ trong nước.
đ. Công nghệ sản xuất thuốc chống
ung thư:
Nhập công nghệ và thiết bị toàn
bộ từ nước ngoài để sản xuất các thuốc chống ung thư có nguồn gốc từ con đường
tổng hợp hóa học;
Sử dụng một phần công nghệ
nghiên cứu được trong nước kết hợp với tiếp thu công nghệ từ các nước tiên tiến
để sản xuất các thuốc chống ung thư từ nguồn hợp chất tự nhiên và bán tổng hợp
từ hợp chất tự nhiên.
e. Công nghệ sản xuất thuốc chữa
bệnh tim mạch:
Ưu tiên phát triển và sử dụng
công nghệ sản xuất hóa dược từ hợp chất tự nhiên đã được tạo ra trong nước để sản
xuất thuốc phòng và điều trị bệnh tim mạch, đồng thời lựa chọn một vài loại thuốc
điều trị bệnh tim mạch thiết yếu để nhập công nghệ nhằm sản xuất đáp ứng yêu cầu
về thuốc thiết yếu;
Giai đoạn từ năm 2016: cân nhắc,
lựa chọn và ưu tiên sử dụng công nghệ nghiên cứu tạo ra ở trong nước.
g. Công nghệ sản xuất thuốc chữa
HIV/AIDS và thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện: ứng dụng những thành tựu khoa học,
công nghệ nghiên cứu được trong những năm qua để sản xuất thuốc chữa HIV/AIDS
và thuốc hỗ trợ điều trị cai nghiện mang đặc thù Việt Nam, đồng thời nhập khẩu
công nghệ tiên tiến để sản xuất một số thuốc điều trị HIV/AIDS như AZT, NVP,…
4. Đầu tư
phát triển:
a. Giai đoạn từ nay đến năm
2015:
- Nghiên cứu tạo ra những công
nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất ở trong nước; triển khai sản xuất
thử nghiệm sản phẩm ở quy mô pilot; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ
vào sản xuất, kết hợp sử dụng những công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài để sản
xuất nguyên liệu hóa dược;
- Phối hợp với ngành dược thực
hiện một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy nguyên liệu hóa dược để sản xuất thuốc
ở quy mô công nghiệp nhằm phát triển nhanh, mạnh ngành công nghiệp hóa dược, bảo
đảm đạt được các mục tiêu chủ yếu sau đây:
+ Sản xuất 300 tấn nguyên liệu
kháng sinh/năm, đáp ứng 40 - 45% nhu cầu nguyên liệu kháng sinh trong nước;
+ Sản xuất 200 tấn hoạt chất/năm
từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, đáp ứng 100% nhu cầu trong nước và tham gia
xuất khẩu;
+ Sản xuất 10.000 tấn sorbitol
nguyên liệu/năm để sản xuất vitamin C, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm, đáp ứng
80 - 90% nhu cầu trong nước;
+ Sản xuất 1.000 tấn tá dược/năm,
đáp ứng 20% nhu cầu trong nước.
- Sử dụng có hiệu quả năng lực đội
ngũ cán bộ khoa học, công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật về hóa dược hiện có ở
nước ta.
b. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm
2025:
- Phát triển ngành công nghiệp
hóa dược thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại; hình thành và phát
triển hệ thống các doanh nghiệp hóa dược, tạo lập thị trường thuận lợi, thông
thoáng để chủ động sản xuất các nguyên liệu hóa dược, đáp ứng cơ bản nguyên liệu
làm thuốc thiết yếu, tiến tới làm chủ việc sản xuất thuốc chữa bệnh ở trong nước,
góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa dược ở nước ta.
- Xây dựng và phát triển mạnh ngành
công nghiệp hóa dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn để sản xuất ra
các sản phẩm hóa dược có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, tăng
mức đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.
III. CÁC DỰ
ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP HÓA DƯỢC
Các dự án đầu tư chủ yếu của
ngành công nghiệp hóa dược trong Quy hoạch được nêu tại các Phụ lục II, III và
IV kèm theo Quyết định này.
IV. HỆ THỐNG
CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Các giải pháp và cơ chế,
chính sách tổng thể:
- Tăng cường và đa dạng hóa các
nguồn vốn đầu tư để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của Quy hoạch;
- Đẩy mạnh quá trình xây dựng
ngành công nghiệp hóa dược trên cơ sở hình thành và phát triển bền vững các
doanh nghiệp hóa dược thuộc mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách ưu
đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược;
đẩy nhanh việc chuyển giao và đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị; ứng
dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm hóa dược có chất lượng
cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tạo lập
thị trường thuận lợi cho các sản phẩm hóa dược;
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học,
chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu hóa dược, góp phần
phát triển ngành công nghiệp hóa dược; xây dựng tiềm lực mạnh cho khoa học,
công nghệ trong lĩnh vực hóa dược;
- Mở rộng và tăng cường hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực hóa dược;
- Hoàn thiện việc xây dựng hệ thống
cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ phát triển ngành công
nghiệp hóa dược.
2. Các giải pháp và cơ chế,
chính sách cụ thể:
a. Các giải pháp về tài chính,
tín dụng:
- Khuyến khích và tạo mọi điều
kiện để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước và nước
ngoài đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược;
- Nhà nước cho vay vốn ưu đãi đối
với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc đặc biệt là nguyên liệu thuốc
thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; ban hành cơ chế,
chính sách khuyến khích sử dụng thuốc và nguyên liệu thuốc sản xuất ở trong nước
(thuốc bảo hiểm y tế, thuốc cho các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế,…);
- Có các cơ chế, chính sách ưu
đãi cụ thể và ổn định nhằm tạo môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước
ngoài;
- Vốn ngân sách nhà nước được đầu
tư tập trung cho những công trình trọng điểm, không đầu tư dàn trải, kể cả các
công trình sản xuất nguyên liệu hóa dược cho các thuốc thiết yếu.
b. Giải pháp về thuế:
- Giảm hoặc miễn thuế đối với những
loại nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc thiết yếu phục vụ chương trình mục
tiêu quốc gia về thuốc và sản xuất hàng xuất khẩu;
- Các dự án sản xuất nguyên liệu
hóa dược phục vụ xuất khẩu từ 50% sản lượng trở lên được vay vốn ưu đãi của các
ngân hàng theo quy định của pháp luật;
- Các dự án sản xuất nguyên liệu
thuốc, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh và thuốc thiết yếu
khác được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định
của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
c. Các giải pháp về thị trường:
Tạo lập thị trường thuận lợi,
thông thoáng cho các sản phẩm hóa dược sản xuất ở trong nước, đồng thời hoàn
thiện cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu nguyên liệu,
sản phẩm hóa dược kém chất lượng, không an toàn từ nước ngoài. Tăng cường chống
hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước
ngoài, các đoàn công tác của Chính phủ có trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp
tìm kiếm thị trường và bạn hàng xuất khẩu.
d. Các giải pháp về thu hút đầu
tư nước ngoài:
Tạo lập môi trường hấp dẫn và có
sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực và các nước Đông Bắc Á đối với các
nhà đầu tư nhằm đầu tư có hiệu quả vào các lĩnh vực công nghệ và xuất khẩu sản
phẩm hóa dược.
đ. Các giải pháp về nghiên cứu,
chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ:
Ứng dụng mạnh mẽ các kết quả
nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản
phẩm nguyên liệu hóa dược và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến từ “Chương
trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp
hóa dược đến năm 2020” vào sản xuất.
Tổ chức tốt mạng lưới nghiên cứu
phát triển ở cả 3 tầng:
- Nghiên cứu cơ bản dành cho các
trường đại học và viện nghiên cứu cơ bản;
- Nghiên cứu phát triển công nghệ
ở cấp tổng công ty, công ty và viện nghiên cứu ứng dụng;
- Nghiên cứu hoàn thiện và áp dụng
các công nghệ được chuyển giao thực hiện tại các doanh nghiệp.
e. Các giải pháp về tổ chức quản
lý: tăng cường năng lực và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các Bộ,
ngành đối với việc phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa. Đẩy mạnh công tác
đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực sản xuất và
cạnh tranh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế
và khuyến khích đầu tư vào chế biến nguyên liệu và sản xuất sản phẩm hóa dược.
Xây dựng cơ sở dữ liệu và website về danh mục các doanh nghiệp sản xuất hóa dược
và nguyên liệu phụ trợ cho ngành dược phẩm, danh mục các sản phẩm hóa dược cần
ưu tiên phát triển.
g. Giải pháp, chính sách bảo vệ
môi trường và phát triển bền vững:
- Dành đủ nguồn lực cho đầu tư
các dự án bảo vệ môi trường, xử lý chất thải từ các nhà máy tới các khu công
nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tăng tích lũy, hình thành nguồn vốn hỗ trợ hoạt
động bảo vệ môi trường;
- Thực hiện đầy đủ công tác theo
dõi, quan trắc, đo đạc và quản lý các chỉ tiêu, quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của
doanh nghiệp;
- Hạn chế và giảm thiểu mức độ
gia tăng ô nhiễm trong sản xuất hóa dược. Các cơ sở sản xuất hóa dược mới đầu
tư xây dựng phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và được trang bị đầy đủ
thiết bị xử lý các loại chất thải, xử lý bảo đảm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật môi trường. Không cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất hóa dược chưa có hoặc
không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký đạt tiêu chuẩn môi
trường;
- Thực hiện kế hoạch cải tạo, tiến
tới loại bỏ dần việc sử dụng các công nghệ và thiết bị lạc hậu trong các cơ sở
sản xuất hóa dược đang hoạt động để hạn chế, tiến tới loại bỏ nguồn phát tán ô
nhiễm;
- Kiểm soát chặt chẽ an toàn hóa
chất, khí thải, nước thải và chất thải rắn đặc biệt là những hóa chất có mức độ
độc hại cao trong các cơ sở sản xuất sản phẩm và các phòng thí nghiệm hóa dược;
- Có kế hoạch di dời và đầu tư
chiều sâu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất
hóa dược nằm trong diện di dời ở các thành phố hoặc các khu vực đông dân cư.
h. Giải pháp phát triển và đào tạo
nguồn nhân lực:
- Đào tạo mới và đào tạo lại đội
ngũ cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ quản lý tại các trường đại học trong và
ngoài nước, đáp ứng đủ nguồn nhân lực có chất lượng cho nhu cầu phát triển
ngành công nghiệp hóa dược;
- Thu hút sự hỗ trợ của Chính phủ
các nước phát triển để đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa dược. Khuyến
khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực hóa dược;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,
kỹ thuật cho các cơ sở nghiên cứu, giáo dục để chủ động đào tạo đội ngũ cán bộ
chuyên ngành; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để đào tạo nguồn
nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp hóa dược;
- Đầu tư mới một số cơ sở đào tạo
công nhân kỹ thuật, lập thêm trường cao đẳng hóa chất ở những vùng gắn với nhà
máy sản xuất, xây dựng chương trình đào tạo và tiêu chí thực hành để đào tạo
công nhân tay nghề cao;
- Có chế độ, cơ chế, chính sách
ưu đãi với các cán bộ hóa dược tay nghề cao, đẩy mạnh việc thu hút nhân tài, chất
xám, trong đó có Việt kiều về làm việc trong nước;
- Đối với một số dự án hóa dược
quan trọng, nếu thấy cần thiết, được phép thuê chuyên gia kỹ thuật, quản lý giỏi
người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ Công Thương: chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện có hiệu
quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Quy hoạch, định kỳ hàng năm báo
cáo kết quả Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Y tế: phối hợp với
Bộ Công Thương tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Quy
hoạch; ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu của “Chương trình nghiên cứu
khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm
2020” phục vụ phát triển bền vững ngành công nghiệp dược ở Việt Nam.
3. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi
trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành khác liên quan căn
cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình có trách
nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Quy hoạch.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương: căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản
lý nhà nước của địa phương mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả
các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Quy hoạch.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng
7 năm 2009.
Điều 3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tổng công ty Hóa chất Việt Nam;
- Tổng công ty Dược Việt Nam;
- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC VÙNG TRỒNG VÀ PHÁT TRIỂN NGUYÊN LIỆU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Vùng
dược liệu
|
Cây
trồng
|
1
|
Tumơrông (Kon Tum)
|
Nghệ, bụp giấm
|
2
|
Ninh Thuận, Phú Yên
|
Bụp giấm, lô hội, dừa cạn
|
3
|
Long Thành (Đồng Nai)
|
Trinh nữ hoàng cung, lô hội
|
4
|
Đà Lạt (Lâm Đồng)
|
Actisô, thông đỏ
|
5
|
Eukao (Đắk Lắk)
|
Nghệ, hương nhu trắng, hoa hòe
|
6
|
Đắk Nông (Đắk Nông)
|
Sả, hoa hòe
|
7
|
Ngọc Linh (Kon Tum)
|
Sâm Việt Nam, nghệ
|
8
|
Nam Trà My (Quảng Nam)
|
Sâm Việt Nam, nghệ
|
9
|
Thanh Trì (Hà Nội)
|
Đinh lăng
|
10
|
Chiêm Hóa (Tuyên Quang)
|
Sả, thanh hao hoa vàng
|
11
|
Tam Dương (Vĩnh Phúc)
|
Thanh hao hoa vàng, sả
|
12
|
Văn Giang, Châu Giang (Hưng
Yên)
|
Cúc hoa, húng quế, bạc hà, hoa
hoè
|
13
|
Gia Lộc (Hải Dương)
|
Gấc, hoa hoè, nghệ
|
14
|
Thái Bình
|
Hoa hòe, gấc
|
15
|
Lạng Sơn
|
Hồi, thanh hao hoa vàng
|
16
|
Mẫu Sơn (Lạng Sơn)
|
Thanh hao hoa vàng
|
17
|
Cao Bằng
|
Quế, hồi
|
18
|
Quản Bạ (Hà Giang)
|
Bạc hà, bình vôi
|
19
|
Sơn La
|
Vàng đắng, hoàng liên gai,
bình vôi
|
20
|
Sapa (Lào Cai)
|
Actisô, đinh lăng
|
21
|
Lai Châu
|
Vàng đắng, hoàng liên gai,
bình vôi
|
22
|
Bắc Giang
|
Gấc, nghệ, chó đẻ răng cưa
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HÓA DƯỢC GIAI ĐOẠN
2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Tên
dự án
|
Công
suất (tấn/năm)
|
Vốn
đầu tư (triệu USD)
|
Địa
điểm
|
Thời
điểm đầu tư
|
1
|
Nhà máy sản xuất hóa dược vô
cơ và tá dược thông thường
|
200
- 400
|
5
|
Việt
Trì, Phú Thọ
|
2009
- 2010
|
2
|
Nhà máy chiết xuất dược liệu
và bán tổng hợp
|
150
- 200
|
20
|
Miền
Bắc hoặc Miền Trung
|
2009
- 2011
|
3
|
Nhà máy sản xuất hóa dược
|
300
- 1.000
|
20
|
Hà
Nội
|
2009
- 2011
|
4
|
Nhà máy sản xuất tá dược cao cấp
|
150
- 200
|
10
|
Miền
Trung hoặc miền Nam
|
2010
- 2012
|
5
|
Nhà máy sản xuất kháng sinh
(giai đoạn I)
|
200
tấn cefalexin, 60 tấn cefadroxi, 30 tấn cefradin, 10 tấn cefradin natri
(tiêm)
|
20
|
Miền
Bắc
|
2010
- 2015
|
6
|
Nhà máy sản xuất sorbitol
|
10.000
|
25
|
Thành
phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội
|
2012
- 2015
|
|
Tổng vốn đầu tư (ước tính)
|
|
100
|
|
2009
- 2015
|
PHỤ LỤC III
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP
HÓA DƯỢC GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Tên
dự án
|
Nội
dung
|
Vốn
đầu tư (triệu USD)
|
Thời
điểm đầu tư
|
1
|
Dự án xây dựng các phòng thí
nghiệm chuyên ngành hóa dược
|
Xây dựng mới một số phòng thí
nghiệm hóa dược với máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ, đạt
trình độ khu vực, trong đó một số phòng thí nghiệm hóa dược thuộc lĩnh vực
then chốt đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới
|
12,5
|
2009
- 2012
|
2
|
Dự án điều tra tổng thể nguồn
nguyên liệu tự nhiên phục vụ cho việc phát triển sản xuất hóa dược
|
Điều tra tổng thể về phân bố,
trữ lượng, khả năng khai thác các nguồn nguyên liệu tự nhiên phục vụ cho phát
triển sản xuất hóa dược bao gồm: nguồn sinh vật rừng, sinh vật biển, nguồn
nông sản.
Trên cơ sở số liệu điều tra, lập
kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên cho phát triển hóa dược;
kế hoạch bảo tồn, nuôi trồng, phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên
|
0,5
|
2009
- 2010
|
|
Tổng vốn đầu tư (ước tính)
|
|
13,0
|
2009
- 2015
|
PHỤ LỤC IV
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT HÓA DƯỢC DỰ KIẾN ĐẦU TƯ
GIAI ĐOẠN 2016 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Tên
dự án
|
Công
suất (tấn/năm)
|
Vốn
đầu tư (triệu USD)
|
Địa
điểm
|
Thời
điểm đầu tư
|
1
|
Mở rộng nhà máy sản xuất
sorbitol
|
20.000
|
25
|
Thành
phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội
|
2016
|
2
|
Nhà máy sản xuất kháng sinh
(giai đoạn II): sản xuất penicillin G
|
1.000
|
80
|
Miền
Bắc
|
2016
- 2020
|
3
|
Nhà máy sản xuất vitamin C
|
1.000
|
20
|
Hà
Nội
|
2018
- 2020
|
4
|
Nhà máy sản xuất thuốc thiết yếu
khác
|
1.000
|
70
|
Thành
phố Hồ Chí Minh
|
2016
- 2022
|
|
Tổng vốn đầu tư (ước tính)
|
|
195
|
|
2016
- 2025
|