Quyết định 792/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 792/QĐ-TTg
Ngày ban hành 23/06/2008
Ngày có hiệu lực 16/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 792/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHI NHÁNH CỦA TRUNG TÂM GIAI ĐOẠN 2008 – 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015” (ban hành kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHI NHÁNH CỦA TRUNG TÂM GIAI ĐOẠN 2008 – 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Bảo đảm trợ giúp pháp lý là chính sách xã hội, không vì mục đích lợi nhuận thể hiện trách nhiệm và bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân để trợ giúp pháp lý thật sự có chất lượng, hiệu quả, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh;

2. Đưa trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở, đặc biệt là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa trợ giúp pháp lý bằng việc mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên, khuyến khích, thu hút và huy động tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý;

3. Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, khả thi, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững; có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở dự báo được nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của nhân dân.

1. Mục tiêu tổng quát

a) Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền được trợ giúp pháp lý của người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật; khắc phục các bất cập, hạn chế hiện có trong tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) và Chi nhánh của Trung tâm (sau đây gọi là Chi nhánh), huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý, tăng cường điều kiện về nguồn lực và cơ sở vật chất để đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân;

b) Kiện toàn Trung tâm và hình thành mạng lưới Chi nhánh, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để hoạt động trợ giúp pháp lý thật sự gần dân, thân dân, sát cơ sở, giải quyết vụ việc ngay tại địa bàn, gắn với truyền thông, giải đáp pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp và không đúng pháp luật;

c) Xác định hợp lý về cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng viên chức của Trung tâm và Chi nhánh bảo đảm tính chuyên môn hóa, tách bạch các hoạt động mang tính hành chính quản lý với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cũng như định hướng phát triển mạng lưới cộng tác viên trên cơ sở dự báo đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý để thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cho phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ nghiệp vụ, bảo đảm tính chuyên sâu, chuẩn hóa đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo hướng chuyên môn hóa, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn từ 2008 đến 2010:

Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, chú trọng thành lập Chi nhánh ở vùng xa trung tâm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa bàn được coi là điểm nóng về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo đảm đáp ứng từ 95% đến 98% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.

- Trong năm 2008, hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm. Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc và các Phòng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với đặc điểm, nhu cầu địa phương, bảo đảm tính chuyên môn hóa. Đến năm 2010 mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Trung tâm có ít nhất 01 Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có ít luật sư, tư vấn viên pháp luật, cần bố trí hợp lý số lượng Trợ giúp viên pháp lý và viên chức có trình độ Cử nhân luật làm việc tại Trung tâm và Chi nhánh một cách hợp lý để khắc phục tình trạng không có luật sư, thiếu luật sư hoặc không có người đủ điều kiện tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý; có kế hoạch tìm kiếm nguồn cán bộ, viên chức cho Trung tâm và Chi nhánh làm cơ sở để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý, chú trọng cán bộ là nữ, người dân tộc thiểu số. Định mức số lượng cán bộ, viên chức cụ thể của Trung tâm và Chi nhánh do liên Bộ: Tư pháp, Nội vụ quy định cụ thể, nhưng phải bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ở địa phương;

- Trong năm 2008, tiến hành rà soát lại mạng lưới Tổ, Điểm trợ giúp pháp lý hiện có và tiến hành thành lập Chi nhánh theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý tại các huyện xa trung tâm (từ trên 25 km đối với địa bàn đồng bằng đông dân cư và trên 35 km đối với địa bàn vùng trung du và miền núi), những địa phương được coi là điểm nóng về giải quyết khiếu nại, tố cáo và mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh, ít nhất 01 Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Phấn đấu đến năm 2010, tổng số Chi nhánh của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm khoảng 1/3 tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện (căn cứ dự báo địa điểm có Tòa án khu vực);

- Trong năm 2008, tiến hành rà soát, củng cố mạng lưới Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, thành lập mới và duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ tại tất cả các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn và miền núi để Câu lạc bộ thật sự là hình thức trợ giúp pháp lý cộng đồng, có thể thu hút, huy động mọi khả năng và nguồn lực của địa phương tham gia trợ giúp pháp lý nhằm hỗ trợ, cung cấp kiến thức pháp luật, giải tỏa kịp thời các vướng mắc pháp luật của nhân dân ngay tại địa bàn dân cư;

- Củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý để có thể thu hút những người là cán bộ, công chức trong ngành Tư pháp đã nghỉ hưu; cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, các giảng viên luật, luật sư, luật gia tham gia trợ giúp pháp lý, chú trọng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Đến năm 2010, mỗi Trung tâm có từ 150 cộng tác viên trở lên, bảo đảm mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý có từ 10 cộng tác viên chuyên sâu trở lên, trong đó 70% số cộng tác viên có trình độ từ đại học trở lên;

- Hoàn thành việc đánh giá thực trạng mạng lưới tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, khuyến khích và thu hút các tổ chức này đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý bằng cơ chế hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý và tài liệu pháp luật, phấn đấu đến năm 2010 có thể thu hút từ 30% - 40% tổng số tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật (khoảng 1.500 đến 2.000 người) đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý;

[...]