Quyết định 775/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 775/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/06/2010
Ngày có hiệu lực 02/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 775/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG BỨC XẠ TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; phát huy các đặc tính ưu việt của kỹ thuật bức xạ để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao.

2. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp phải có sự lựa chọn, đầu tư đồng bộ tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu và và ứng dụng; huy động được sự tham gia phối hợp của các ngành, sự liên kết của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật bức xạ và công nghệ sinh học hiện đại để rút ngắn quá trình nghiên cứu tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển nông nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trước mắt cũng như lâu dài.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tạo và phát triển các giống cây trồng, vi sinh vật có giá trị kinh tế cao, các quy trình, các chế phẩm từ kỹ thuật bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nông nghiệp.

- Tạo ra và đưa vào sản xuất 3-4 giống đột biến cho mỗi loại cây trồng nông nghiệp hàng năm; 1-2 giống đột biến đối với cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm và cây lâm nghiệp, 3-4 chủng vi sinh vật mới cho mỗi loại, đưa tỷ lệ các giống đột biến chiếm ít nhất 40% tổng số giống cây trồng và vi sinh vật mới;

- Xây dựng và phát triển quy trình nhân nuôi côn trùng quy mô công nghiệp và kỹ thuật tiệt sinh (SIT) cho một số loài côn trùng chính gây hại, đến năm 2020 góp phần quản lý 50% các côn trùng gây hại chính trên cây trồng bằng kỹ thuật tiệt sinh côn trùng.

- Xây dựng và ứng dụng được quy trình xử lý chiếu xạ sau thu hoạch đối với một số loại rau, quả chủ lực, một số loại thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm thủy sản tươi sống hoặc đông lạnh; đến năm 2015 góp phần xử lý ít nhất 35% và đến năm 2020 xử lý ít nhất 70% hàng nông sản xuất khẩu bằng kỹ thuật chiếu xạ.

b) Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Đến năm 2020, xây dựng 2 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chọn tạo giống cây trồng; xây dựng được 10 phòng thí nghiệm ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ nghiên cứu; xây dựng 2-3 nhà máy sản xuất côn trùng tiệt sinh; xây dựng 9-12 cơ sở chiếu xạ nguồn gamma Co-60 quy mô công nghiệp hoàn chỉnh phục vụ chiếu xạ bảo quản, kiểm dịch và vệ sinh an toàn nông sản, thực phẩm.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp

a) Lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, vi sinh vật

Ứng dụng phương pháp đột biến phóng xạ kết hợp với các phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học để chọn tạo ra các giống cây trồng mới (cây lúa, ngô, đậu đỗ, cây có củ, cây rau, cây hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp) có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh hại chính và các điều kiện khó khăn, thích hợp với các vùng sinh thái; chọn tạo các giống vi sinh vật mới phục vụ cho sản xuất phân bón, chế phẩm xử lý môi trường và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

b) Lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ để gây bất dục côn trùng đực, xác định sự di chuyển của các loài côn trùng và nghiên cứu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

c) Lĩnh vực nông hóa, thổ nhưỡng

Sử dụng các chất đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu quản lý dinh dưỡng đất cho một số cây trồng (rau, chè, cà phê, hồ tiêu …), nghiên cứu sói mòn đất và sản xuất vật liệu sinh học cải tạo đất, phân bón.

d) Lĩnh vực chăn nuôi, thú y

[...]