Quyết định 774/QĐ-BNN-TCLN phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 774/QĐ-BNN-TCLN
Ngày ban hành 18/04/2014
Ngày có hiệu lực 18/04/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 774/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ RỪNG TRỒNG SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ RỪNG TRỒNG SẢN XUẤT GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

MỞ ĐẦU

Diện tích rừng trồng mới tăng mạnh từ 1,92 triệu ha năm 2002 lên 3,4 triệu ha năm 2012, bình quân tăng 127.000 ha/năm (RPH 652.364 ha, RĐD 81.686 ha, RSX 2.548.561 ha và trồng trên diện tích đất ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp 155.589 ha). Tổng trữ lượng rừng trồng 73,5 triệu m³, trong đó trữ lượng rừng trồng sản xuất khoảng 56 triệu m³, bình quân tăng 6,2%/năm.

Theo thống kê năm 2012, diện tích rừng trồng lớn nhất ở vùng Đông Bắc với 1.232.031 ha (35,83%), vùng Bắc Trung Bộ với 712.015 ha (20,71%), Duyên hải Nam Trung Bộ với 545.538 ha (15,87% ), Tây Nguyên với 309.950 ha (9,01%); các vùng còn lại có diện tích rừng trồng trên dưới 200.000 ha, thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng với 47.187ha (1,37%). (Nguồn: Quyết định 1739/QĐ-BNN-TCLN, ngày 31 tháng 7 năm 2013).

Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng đã tăng trong thời gian qua nhưng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ,… giá trị kinh tế thấp; chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Mặt khác, năng suất và chất lượng rừng trồng còn thấp, trung bình chỉ đạt 10-13m³/ha/năm (còn khoảng 0,7 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt bình quân 7-9 m³/ha/năm), sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 15-17 triệu m³ trong đó có 3 - 3,4 triệu m³ gỗ lớn (20%) và 12 - 13,6 triệu m³ gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong nước.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Vì vậy, việc xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất là rất cần thiết.

Phần I

THỰC TRẠNG RỪNG TRỒNG SẢN XUẤT

I. TÌNH HÌNH TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU TẠI CÁC TỈNH

Mặc dù trong quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 của các tỉnh đã có quy hoạch trồng rừng gỗ lớn, song những năm qua, hầu hết các tỉnh chủ yếu tập trung cho phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ phục vụ chế biến bột giấy, băm dăm, gỗ bóc, cung cấp gỗ trụ mỏ, số mô hình rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn ở một số tỉnh còn rất ít, diện tích nhỏ.

Các đơn vị, chủ rừng chủ yếu áp dụng phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, nguyên liệu giấy, băm dăm với mật độ trồng bình quân 1.660 cây/ha; tùy từng điều kiện cụ thể có thể kéo dài thời gian nuôi dưỡng rừng (trên 10 năm đối với cây Keo; trên 14 năm đối với cây Mỡ,...) để khai thác được sản phẩm gỗ có kích thước đạt tiêu chuẩn gỗ lớn (đường kính f ³ 15 cm).

Diện tích rừng trồng đã chuyển đổi sang mục đích kinh doanh gỗ lớn tại 19 tỉnh trong 3 vùng Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam trung Bộ hiện có khoảng 40.000ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở Công ty có điều kiện đất đai, thị trường thuận lợi tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Phú Yên. Diện tích còn lại chủ yếu được trồng quy mô nhỏ do các dự án ODA tài trợ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam...

Ngoài diện tích rừng trồng đã được chuyển đổi sang mục đích kinh doanh gỗ lớn nêu trên, các tỉnh cũng có một số diện tích được trồng từ nguồn vốn của Chương trình 327, Chương trình 661 mà trước đây được quy hoạch là rừng phòng hộ, nay rà soát chuyển đổi sang rừng sản xuất cũng có thể cung cấp nguyên liệu gỗ lớn.

Như vậy, mặc dù chưa có đơn vị (Công ty lâm nghiệp) nào thực hiện phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ lớn từ đầu chu kỳ (với mật độ, loài cây trồng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp), song trên thực tế đã có sản phẩm gỗ lớn được hình thành từ việc tỉa thưa, nuôi dưỡng một số diện tích rừng nguyên liệu khi kéo dài chu kỳ kinh doanh từ 8-12 năm hoặc chuyển đổi sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng.

[...]