Quyết định 75/2010/QĐ-UBND về chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 do tỉnh Đồng Nai ban hành
Số hiệu | 75/2010/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 10/12/2010 |
Ngày có hiệu lực | 20/12/2010 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Võ Văn Một |
Lĩnh vực | Thương mại,Tài chính nhà nước |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 75/2010/QĐ-UBND |
Biên Hòa, ngày 10 tháng 12 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính giao cho tỉnh Đồng Nai và nội dung chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội năm 2011 đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tại kỳ họp lần thứ 21 của HĐND khóa VII;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 2494/SKHĐT-TH ngày 02/12/2010 về việc chuẩn bị hội nghị giao kế hoạch kinh tế xã hội năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao thu nhập người lao động:
1. Chủ động hội nhập kinh tế Quốc tế; đồng thời phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước:
a) Thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế Quốc tế không trái với các quy định của WTO; mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế xã hội với các vùng, lãnh thổ nước ngoài.
b) Tiếp tục củng cố vai trò và phát huy hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, các ngành trong quản lý phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ và công chức từ cấp tỉnh xuống cơ sở có phẩm chất đạo đức, năng lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
c) Quan tâm công tác đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
2. Phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, phát triển ổn định lĩnh vực nông nghiệp:
a) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, một số quy hoạch ngành, quy hoạch cấp huyện đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu phát triển giai đoạn tới.
b) Bên cạnh việc thực hiện tiết kiệm điện theo chủ trương chung, cần chủ động đầu tư nguồn điện để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài. Giao Sở Công thương chủ trì phối hợp các Công ty Kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và các ngành liên quan đề xuất cụ thể để triển khai thực hiện trong năm 2011.
c) Tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của các doanh nhân để tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh; ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp cơ khí sản xuất phụ kiện, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
đ) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tập trung xây dựng các cảng biển, cảng ICD, khu Logistic, dịch vụ ngân hàng, du lịch, thương mại và dịch vụ khác.
3. Phát triển nông nghiệp, nông thôn:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung triển khai chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; triển khai đề án trồng rau sạch, rau an toàn; chương trình phát triển nông thôn mới.
b) Tăng cường cán bộ kỹ thuật và phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện rà soát, sửa chữa các công trình thủy lợi và thực hiện huy động xã hội hóa đầu tư kênh mương nội đồng nhằm nâng cao công suất tưới, tiêu cho cây trồng.
4. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường:
a) Tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên.
b) Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
c) Hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Thạnh Phú và Khu công nghiệp ông Kèo; thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung.
d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quản quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
5. Phát triển văn hóa xã hội và thực hiện đồng bộ các chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.