Quyết định 678/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 678/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/05/2011
Ngày có hiệu lực 10/05/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 678/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật đã được quy định tại Điều 52 Hiến pháp 1992 và góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bao gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp. Qua gần 14 năm hoạt động, hệ thống trợ giúp pháp lý đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trên 1,4 triệu người và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng triệu lượt người, góp phần tích cực vào quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm quyền con người, tăng cường dân trí pháp lý, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế trong điều kiện đổi mới của đất nước.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, nhận thức của các cơ quan, tổ chức và người dân về mục tiêu, vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật được nâng lên. Mọi vấn đề, vụ việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân phải được giải quyết trên cơ sở pháp luật và theo pháp luật. Trợ giúp pháp lý đang trở thành địa chỉ tin cậy để người dân tìm đến, tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi có vướng mắc hoặc muốn tìm hiểu về pháp luật; là chỗ dựa về mặt pháp lý cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan khi giải quyết vụ việc của công dân. Trợ giúp pháp lý đã và đang có tác động tích cực đến chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện hệ thống pháp luật, áp dụng pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong thời gian qua, trợ giúp pháp lý đã luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, đầu tư của Nhà nước, sự tham gia và ủng hộ của xã hội cũng như cộng đồng quốc tế.

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Trợ giúp pháp lý là loại hình dịch vụ pháp lý đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng dịch vụ của Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần thực hiện dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực tham gia thực hiện của người thực hiện trợ giúp pháp lý, tiến tới giai đoạn Nhà nước đóng vai trò thu hút, điều phối nguồn lực để mô hình tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý của xã hội ngày càng phát triển; Nhà nước tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý; kế thừa kết quả đã đạt được trong việc phát triển hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Nhà nước huy động, khuyến khích mọi nguồn lực hiện có, các tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng tham gia trợ giúp pháp lý, nhất là các luật sư, luật gia, các chuyên gia ở các lĩnh vực và các lực lượng xã hội khác; nghiên cứu chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

3. Phát triển trợ giúp pháp lý phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật và định hướng phát triển ngành Tư pháp; kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý; góp phần tăng cường tranh tụng tại tòa án, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

4. Trợ giúp pháp lý phải gắn với cơ sở, hướng về cơ sở, được tổ chức thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa; an sinh xã hội, chính sách dân vận và dân tộc để gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện dân chủ bảo đảm công bằng xã hội; đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giúp đỡ pháp luật của nhân dân.

5. Tăng cường đầu tư, đổi mới các hình thức, phương thức trợ giúp pháp lý theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác trợ giúp pháp lý và tăng cường chất lượng dịch vụ. Tiếp tục phát triển hướng tới chuẩn chung về chất lượng dịch vụ theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển trợ giúp pháp lý ổn định, bền vững, cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ, có chất lượng cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện của Nhà nước, huy động triệt để sự tham gia của các nguồn lực xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi có vướng mắc pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tăng hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

2. Mục tiêu cụ thể của các giai đoạn

a) Mục tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015:

Cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng phần lớn yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của Trợ giúp viên pháp lý, thu hút sự tham gia tích cực của luật sư, luật gia và các cộng tác viên khác trong các hoạt động trợ giúp pháp lý. Trong giai đoạn này cần thực hiện được các mục tiêu sau đây:

[...]