Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 730/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 730/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/04/2017
Ngày có hiệu lực 14/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Trần Hoàng Tựu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 730/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 14 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2017-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1464/QĐ-TTg, ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030";

Căn cứ Quyết định số 1534/QĐ-BLĐTBXH ngày 08/11/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030";

Xét Tờ trình số 21/TTr-SLĐTBXH, ngày 14/02/2017 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch nêu trên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tựu

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2017-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 730 /QĐ-UBND ngày 14/4/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) được phê duyệt tại Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.

Xác định được cụ thể công việc, tiến độ, trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tính liên tục, liên kết giữa các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; kịp thời phát hiện, can thiệp và hỗ trợ người có nguy cơ bị bạo lực, nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và tạo cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới;

- 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và được can thiệp;

- 100% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp;

- 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các bậc học được truyền thông tiếp cận thông tin về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; ít nhất 50% người dân tại cộng đồng được phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới.

[...]