Quyết định 729/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 729/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/06/2022
Ngày có hiệu lực 16/06/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Văn Thành
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 729/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ BIỂN VÀ ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, phát triển bền vững kinh tế biển nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển.

2. Bảo đảm hiệu quả công tác truyền thông, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, gắn với thực tiễn từng ngành, địa phương, vùng miền và từng thời điểm; đổi mới và đa dạng hóa nội dung, phương pháp truyền thông theo hướng đồng bộ và toàn diện, hiện đại, đa phương tiện, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và phù hợp từng nhóm đối tượng.

3. Huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về biển và đại dương: ngân sách nhà nước, xã hội hóa, hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực trong nước, của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Bố trí ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ truyền thông về biển và đại dương. Tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; sự tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân nhân, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong công tác truyền thông về biển và đại dương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố được niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, thế hệ trẻ, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước đối với Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển. Cán bộ các cấp phải hiểu sâu, nắm chắc chính sách, pháp luật về biển và hải đảo.

b) Thông tin, kiến thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản; đại bộ phận người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, qua đó, động viên Nhân dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương.

c) Nội dung và hình thức truyền thông được đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đa loại hình, đa ngôn ngữ (với các cơ quan báo chí đối ngoại); tạo sự tương tác hiệu quả giữa chủ thể và đối tượng được truyền thông, sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước và quốc tế; hình thành được ý thức trách nhiệm tham gia truyền thông về biển và đại dương của người dân, doanh nghiệp. Truyền được cảm hứng, niềm tự hào cho các tầng lớp Nhân dân về biển, đảo quê hương. Công tác truyền thông về biển và đại dương được triển khai hiệu quả, toàn diện, chặt chẽ, bài bản và có tính đột phá từ trung ương xuống đến từng xã, từng thôn, bản, ấp.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

a) Đến năm 2023, các bộ quản lý 06 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW (du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới); các Bộ: Thông tin và Truyền thông; Ngoại giao; Quốc phòng; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt các kế hoạch truyền thông về biển và đại dương với các chỉ tiêu cụ thể theo đặc thù truyền thông của cơ quan, địa phương đó.

b) Đến năm 2025, 100% các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin (báo, bản tin, tạp chí in, trang thông tin điện tử, kênh phát thanh, truyền hình) của cơ quan; 100% các bộ, ngành có liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chuyên mục về biển và đại dương trên trang thông tin điện tử của cơ quan.

c) Hằng năm, các địa phương có biển tổ chức các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

d) Hằng năm, 100% phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, lãnh đạo cơ quan báo chí, những người làm công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương tại các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản ở trung ương và địa phương, cán bộ thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại được tập huấn, cập nhật về hệ thống chính sách, pháp luật, kiến thức cơ bản về biển và đại dương.

đ) Đến năm 2025 xây dựng được 01 Thư viện cấp ngành về biển và đại dương; đến năm 2030, xây dựng được 01 Bảo tàng chuyên về biển và đại dương.

e) Đến năm 2030, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tư thục và quốc tế thực hiện hoạt động truyền thông về biển và đại dương thông qua việc lồng ghép nội dung liên quan vào một số môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo.

g) Hằng năm, phấn đấu hơn 80% các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội các cấp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước tham gia hoạt động truyền thông về biển và đại dương (trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy theo quy mô và tính chất hoạt động của các tổ chức, đơn vị).

[...]