Quyết định 716/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020

Số hiệu 716/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/03/2013
Ngày có hiệu lực 06/03/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Minh Cả
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 716/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 06 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ngày 15/6/2004;

Căn cứ Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia hành động Vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 35/TTr-LĐTBXH ngày 25/02/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của Chương trình

a) Mục tiêu tổng quát

Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em; bảo đảm cho mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em và giảm thiểu sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ và trẻ em giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống bảo vệ trẻ em và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 16,5% vào năm 2015 và xuống còn 10% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2015 và xuống còn 22% vào năm 2020. Duy trì 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi đến năm 2020.

- Hoàn thành chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2014; đến năm 2020 ít nhất có 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học là 99% và bậc trung học cơ sở là 95%, trong đó đặc biệt quan tâm trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật.

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 6% tổng số trẻ em vào năm 2015 và xuống dưới 5,5% vào năm 2020; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển lên 80% vào năm 2015 và lên 85% vào năm 2020; tỷ lệ trẻ em bị bạo lực giảm 20% vào năm 2015 và giảm 40% vào năm 2020; tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích giảm 550/100.000 trẻ vào năm 2015 và 450/100.000 trẻ vào năm 2020.

- Tăng số xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em lên 40% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp lên 25/100.000 trẻ vào năm 2015 và lên 30/100.000 trẻ vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em lên 60% vào năm 2015 và lên 70% vào năm 2020.

2. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình

a) Đối tượng: Trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số.

b) Phạm vi: Thực hiện trên toàn tỉnh.

c) Thời gian: Thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020. Năm 2015 tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình; năm 2020 tổ chức tổng kết Chương trình.

3. Các hoạt động chủ yếu của Chương trình

a) Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện quyền trẻ em

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội để mọi người dân thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đa dạng hóa nội dung và mở rộng các hình thức tuyên truyền thông qua các đợt cao điểm Tháng hành động vì trẻ em, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày vi chất dinh dưỡng trẻ em, Diễn đàn quyền trẻ em...

- Tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh và bổ ích phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Tăng cường giáo dục cho trẻ em về phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt coi trọng các trò chơi truyền thống mang tính giáo dục.

- Phát triển hoạt động Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh, kiện toàn và từng bước phát triển mạng lưới tuyên truyền giáo dục, tư vấn bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp.

[...]