Quyết định 71/2016/QĐ-UBND Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 71/2016/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/10/2016
Ngày có hiệu lực 13/10/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2016/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 03 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2606/TTr-SKHĐT ngày 22 tháng 9 năm 2016.

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 10 năm 2016.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(kèm theo Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết:

Miền núi tỉnh Ninh Thuận gồm 27 xã thuộc 6 huyện, với dân số 167.085 người, diện tích tự nhiên 258.400 ha (chiếm 28% về dân số và 81% về diện tích so toàn tỉnh). Đây là khu vực có địa hình phần lớn là đồi núi, thấp dần từ Tây sang Đông với nhiều ngọn núi cao lan ra sát biển. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khô hạn, lượng mưa thấp nhất toàn quốc. Miền núi tỉnh Ninh Thuận là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái và có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai. Đây là nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng chung sống lâu đời, với các bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, là vùng căn cứ địa gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Ninh Thuận. Sự phát triển của vùng miền núi có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chương trình, chính sách phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống như: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015,... mang lại những hiệu quả thiết thực bước đầu. Bộ mặt kinh tế - xã hội vùng miền núi có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tốt đã hình thành và phát huy, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, về tổng thể đến nay kinh tế - xã hội của vùng miền núi vẫn chưa phát triển, là vùng có nhiều tiềm năng về đất đai và các tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được đầu tư khai thác hiệu quả, kinh tế vẫn chậm phát triển so với các khu vực khác trong tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân còn thấp và còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn trên 32,2%, riêng huyện Bác Ái, huyện nghèo được đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ là 58,7%).

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo đột phá cho phát triển nhanh và bền vững, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 là thực sự cần thiết.

II. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;

[...]