Quyết định 71/2004/QĐ-BCA(A11) về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 71/2004/QĐ-BCA(A11)
Ngày ban hành 29/01/2004
Ngày có hiệu lực 19/03/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ CÔNG AN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2004/QĐ-BCA(A11)

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN SỐ 71/2004/QĐ-BCA (A11) NGÀY 29 THÁNG 1 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, CUNG CẤP, SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 848/1997/QĐ-BNV (A11) ngày 23/10/1997 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quy định về biện pháp và trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an ninh quốc gia trong hoạt động Internet ở Việt Nam.

Điều 3. Các đơn vị chức năng của Bộ Công an, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet và sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Lê Hồng Anh

(Đã ký)

 

QUI ĐỊNH

VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN, AN NINH TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, CUNG CẤP, SỬ DỤNG INTERNET TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 29 tháng 1 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng đối với các đối tượng là doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ Internet (dịch vụ kết nối Internet-IXP, dịch vụ truy nhập Internet-ISP, dịch vụ ứng dụng Internet-OSP, dịch vụ thông tin Internet-ICP, dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng- ISP dùng riêng); đại lý Internet (đại lý cung cấp dịch vụ truy nhập, dịch vụ ứng dụng Internet) và người sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam.

Điều 2. Đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động Internet tại Việt Nam bao gồm: bảo vệ hệ thống thiết bị, thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu và trên mạng của các chủ thể tham gia Internet hoạt động ổn định; đảm bảo thông tin lưu truyền trên Internet được thông suốt, nguyên vẹn, nhanh chóng, kịp thời; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch vụ Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Điều 3. Bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động Internet là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Công an là cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc đảm bảo an ninh trong hoạt động Internet, có quyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát thông tin trên Internet theo qui định của pháp luật.

Điều 4. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động Internet tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những nội dung tin do mình đưa vào lưu trữ, truyền đi trên Internet; chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động Internet theo quy định của Quy định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5.Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Lợi dụng Internet để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá Việt Nam, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng như tiến hành các hoạt động tội phạm dưới bất cứ hình thức, phương tiện nào.

2. Lưu giữ trên máy tính kết nối Internet tin, tài liệu, số liệu thuộc bí mật nhà nước.

3. Sử dụng mật mã trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

4. Truy cập đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài bằng việc quay số điện thoại quốc tế trực tiếp; sử dụng hoặc hướng dẫn người khác sử dụng công cụ hỗ trợ để vào các trang Web do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm truy cập; gửi, lan truyền, phát tán vi rút tin học, chương trình phần mềm có tính năng lấy trộm thông tin, phá huỷ dữ liệu máy tính lên mạng Internet; làm rối loạn, cản trở hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet; xây dựng các trang Web, tổ chức diễn đàn trên Internet có nội dung hướng dẫn, lôi kéo, kích động người khác thực hiện các hành vi trên.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về an ninh thông tin để gây cản trở hoạt động hợp pháp của các chủ thể tham gia dịch vụ Internet; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Chương 2:

NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm:

[...]