Quyết định 709/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 709/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/03/2018
Ngày có hiệu lực 30/03/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 709/QĐ-UBND

An Giang, ngày 30 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO, SẢN XUẤT VÀ CUNG ỨNG GIỐNG CÂY NÔNG, LÂM NGHIỆP, GIỐNG VẬT NUÔI VÀ GIỐNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 64/TTr-SKHĐT ngày 22 tháng 3 năm 2018 về việc phê duyệt “Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm

1.1. Quy hoạch phát triển hệ thống nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang theo hướng hiện đại - hội nhập quốc tế. Hướng đến nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu chọn tạo và sản xuất kinh doanh để thực hiện công nghiệp hóa ngành giống. Chủ động đi tắt, đón đầu thông qua việc nhận chuyển giao các tiến bộ về giống, du nhập giống tốt, giống chất lượng cao trong và ngoài tỉnh.

1.2. Nghiên cứu chọn tạo giống mới đưa vào sản xuất phải đáp ứng nhu cầu thị trường, cạnh tranh về năng suất và chất lượng, yêu cầu về an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030.

1.3. Phát triển giống cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác tối đa nguồn gen nội địa; đồng thời, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu chọn tạo trong nước và nhập nội giống mới từ nước ngoài, mở rộng trao đổi nguồn gen với các nước trong khu vực và trên thế giới để chọn tạo giống mới đa dạng di truyền, thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.4. Trong giai đoạn trước mắt, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục giữ vai trò nòng cốt của trong nghiên cứu, chuyển giao và cung ứng giống cho nông dân. Các doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực trong sản xuất và cung ứng giống. Phát huy vai trò tích cực của các hợp tác xã, tổ liên kết, nông hộ trong sản xuất giống.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Đến năm 2025, hệ thống giống đáp ứng đủ giống xác nhận hoặc tương đương, giống chất lượng cao, giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất nông lâm thủy sản hàng hóa của tỉnh; tiến tới xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống cấp vùng, cấp Quốc gia, với thế mạnh vượt trội về sản xuất và cung ứng giống lúa, một số giống rau màu, giống thủy sản nước ngọt và giống heo. Trước mắt, tập trung phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống lúa, giống cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống phục vụ cây giống, con giống cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, đồng thời có tính đến việc cung ứng cây, con giống cho các địa phương trong và ngoài Vùng.

Trong mỗi loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều có ít nhất một doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt và ở đó có triển khai tương đối đồng bộ chuỗi hoạt động nghiên cứu - sản xuất - chuyển giao giống theo mô hình tháp giống đa cấp. Hoàn chỉnh hệ thống quản lý giống đồng bộ từ các cơ quan nghiên cứu chọn tạo, cơ sở sản xuất giống thương phẩm đến cơ quan quản lý giống của tỉnh.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Các giống cây trồng chính

- Đối với giống lúa: Đến năm 2020, hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa đáp ứng đủ 100% nhu cầu giống xác nhận phục vụ sản xuất trong tỉnh, đảm bảo giống lúa xác nhận có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Tăng tỷ lệ giống xác nhận qua kiểm định, kiểm nghiệm lên trên 30% năm 2020 và trên 75% năm 2030. Sản lượng lúa giống hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 200.000 tấn/năm giai đoạn 2018-2020 và 250.000 tấn/năm giai đoạn 2021-2030.

- Đối với các giống cây trồng khác: Đến năm 2020 mạng lưới các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng toàn tỉnh cần đảm bảo cung cấp 30% giống xác nhận hoặc tương đương và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt ít nhất 50%. Đến năm 2025, đảm bảo cung cấp trên 50% giống xác nhận hoặc tương đương và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 70%. Đến năm 2030, đảm bảo cung cấp trên 75% giống xác nhận hoặc tương đương và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây ăn trái được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%.

b) Các giống vật nuôi chính: Đảm bảo cung cấp đủ các loại giống gốc heo, bò, gia cầm cho nhu cầu nhân giống thương mại phục vụ sản xuất. Phấn đấu tới năm 2020 tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật đối với heo, gia cầm đạt 90%, đối với bò thịt đạt 70%; đến năm 2025, đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với đối với heo, gia cầm đạt trên 95%, bò thịt đạt 80%; đến năm 2030, tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với các vật nuôi chính kể trên.

c) Các giống thủy sản

- Đến năm 2020: Đảm bảo sản xuất trong tỉnh chủ động cung cấp trên 90% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó 80% giống các đối tượng nuôi chủ lực như: cá tra, tôm càng xanh, cá rô phi, cá điêu hồng, cá lóc, cá sặc rằn... là giống chất lượng cao, sạch bệnh.

- Đến năm 2025: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó trên 90% giống các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là giống chất lượng cao, sạch bệnh.

- Định hướng đến năm 2030: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng là giống chất lượng cao, sạch bệnh.

3. Định hướng phát triển Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

3.1. Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây trồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

[...]