UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
707/QĐ-UBND.HC
|
Đồng Tháp,
ngày 20 tháng 6 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH XÉT BỐ TRÍ DI DÂN VÙNG SẠT LỞ, DI DÂN
VÙNG BIÊN GIỚI VÀ DI DÂN VÀO CÁC CỤM, TUYẾN DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21
tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư
các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng
đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BNNPTNT ngày 25
tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện
Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên
giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng
2020;
Căn cứ Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT ngày 27
tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định Quy trình
bố trí, ổn định dân cư thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số
1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình xét bố trí
di dân vùng sạt lở, di dân vùng biên giới và di dân vào các cụm, tuyến dân cư
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế
Quyết định số 425/QĐ-UBND.HC ngày 15 tháng 5 năm 2014 và Quyết định số
655/QĐ-UBND.HC ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh; Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các Sở, ngành Tỉnh liên quan và
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT/TU; TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC/KTN.nbht.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Hùng
|
QUY TRÌNH
XÉT BỐ TRÍ DI DÂN VÙNG SẠT LỞ, DI DÂN VÙNG BIÊN GIỚI
VÀ DI DÂN VÀO CÁC CỤM, TUYẾN DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 707/QĐ-UBND.HC ngày 20 tháng 6 năm 2016 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Để triển khai thực hiện xét
hỗ trợ kinh phí cho các hộ di dân sạt lở, di dân biên giới và di dân vào cụm,
tuyến dân cư được thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo công bằng
và tránh sai sót. Uỷ ban nhân dân Tỉnh hướng dẫn thực hiện quy trình xét hỗ trợ
kinh phí di dân sạt lở, di dân biên giới và di dân vào cụm, tuyến dân cư, cụ thể
như sau:
I. PHẠM
VI ÁP DỤNG
Chương trình này áp dụng cho
việc thực hiện sắp xếp, bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà
nước tại các vùng thiên tai (sạt lở đất, ngập lũ), đặc biệt khó khăn, biên giới
giai đoạn 2016 -2020 và định hướng đến năm 2030. Phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh
Đồng Tháp.
II. ĐỐI
TƯỢNG XÉT HỖ TRỢ
Hộ gia đình, cá nhân được bố
trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ
theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:
a) Hộ di dân sạt lở: Là hộ
gia đình đang sinh sống ở khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở bờ sông, di dời
đến nơi an toàn cất nhà ở ổn định, được bố trí vào cụm, tuyến dân cư hoặc tự
tìm kiếm nơi ở tự lực di dời đến nơi ở mới ổn định lâu dài.
b) Hộ gia đình bị mất nhà ở
do sạt lở, ngoài vành đai sạt lở.
c) Hộ di dân biên giới: Là hộ
gia đình được bố trí theo Dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư các xã
biên giới Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm
2020.
d) Hộ di dân vào cụm, tuyến
dân cư: Là các hộ gia đình gồm: Hộ nghèo và gia đình chính sách có sổ hộ nghèo
đang sinh sống ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai đe doạ đến tính mạng,
tài sản được chính quyền địa phương xét bố trí vào cụm, tuyến dân cư.
III.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
1. Chính sách hỗ trợ
trực tiếp cho hộ gia đình thuộc các đối tượng ở mục II của Quy trình này được hỗ
trợ về di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực (trong thời gian đầu đến tại
nơi tái định cư, tối đa không quá 12 tháng), nước sinh hoạt (nơi không có điều
kiện xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung), mức hỗ trợ cụ thể như
sau:
- Mức hỗ trợ di dân vào cụm,
tuyến dân cư và di dân sạt lở là 10.000.000 đồng/hộ (mười triệu đồng).
- Mức hỗ trợ những hộ di
dân, bị mất nhà ở do sạt lở là 20.000.000 đồng/hộ (hai mươi triệu đồng).
- Mức hỗ trợ di dân các xã
biên giới: di chuyển đến các ấp giáp biên giới hỗ trợ 35.000.000 đồng/hộ (ba
mươi lăm triệu đồng), các ấp không giáp biên giới hỗ trợ 30.000.000 đồng/hộ (ba
mươi triệu đồng) .
2. Những hộ di dời
trước ngày ban hành Quyết định này nhưng chưa được giải quyết hỗ trợ kinh phí
di dân thì các đối tượng này được hỗ trợ theo Quyết định số 425/QĐ-UBND.HC ngày
15 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
3. Không giải quyết hỗ
trợ kinh phí di dân cho những hộ bị loại không đúng đối tượng đã thông qua hội
đồng xét duyệt.
IV. QUY
TRÌNH XÉT HỖ TRỢ
1. Hồ sơ
Thực hiện theo quy trình di
dân đã ban hành tại Thông tư số 19/2015/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 4 năm 2014 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định Quy trình bố trí, ổn định dân
cư thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21
tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quy trình thẩm định và
xét duyệt
a) Bước 1
Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn có dân di dời đến lập danh sách những hộ dân di dời vào cụm, tuyến dân
cư đã ở ổn định (hoặc tự di dời đến nơi an toàn nếu là đối tượng di dân sạt lở)
và họp hội đồng xét duyệt, thành phần hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân xã làm Chủ tịch hội đồng; Các thành viên gồm đại diện các Ban,
ngành, đoàn thể, ban nhân dân ấp có dân di dời đến… (sau đây gọi chung là hội đồng
xét duyệt cấp xã).
b) Bước 2
Đoàn thẩm định gồm: Đại diện
Chi cục Phát triển nông thôn , đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn cấp huyện (Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) sẽ thẩm tra lại kết quả xét
duyệt của hội đồng xét duyệt cấp xã.
c) Bước 3
Họp hội đồng xét duyệt của
huyện, thị xã, thành phố gồm: Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Chi cục
Phát triển nông thôn ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện
(Phòng Kinh tế thị xã, thành phố);
Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
làm Chủ tịch hội đồng (sau đây gọi chung là Hội đồng xét duyệt cấp huyện).
Nội dung họp xét duyệt: Sau
khi nghe báo cáo về kết quả họp Hội đồng xét duyệt cấp xã và kết quả thẩm tra của
đoàn thẩm định. Hội đồng xét duyệt cấp huyện quyết định hộ dân đủ điều kiện hỗ
trợ và hộ dân không đủ điều kiện hỗ trợ.
Sau khi có kết luận của Hội
đồng xét duyệt cấp huyện, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn niêm yết công
khai danh sách hộ dân đủ điều kiện hỗ trợ và hộ không đủ điều kiện hỗ trợ để
nhân dân giám sát. Sau 07 ngày niêm yết công khai nếu không có thắc mắc, khiếu
nại thì tiến hành cấp phát kinh phí cho các hộ dân đủ điều kiện.
3. Quy trình giải quyết
khiếu nại của người dân
Uỷ ban nhân dân xã, phường,
thị trấn chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu.
Uỷ ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn giải quyết các khiếu nại
khi Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã giải quyết nhưng hộ dân chưa thống
nhất hoặc những trường hợp khiếu nại có phát sinh tình tiết mới có thể làm thay
đổi quyết định của Hội đồng xét duyệt cấp huyện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn giải quyết các khiếu nại khi Chi cục Phát triển nông thôn kết hợp Uỷ
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố đã giải quyết nhưng hộ dân chưa thống nhất,
kết quả giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là quyết định cuối
cùng.
4. Quy trình cấp phát
kinh phí
Hội đồng cấp phát gồm: Đại
diện Sở Tài chính, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn, đại diện Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện (Phòng Kinh tế thị xã, thành phố), đại
diện Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Hình thức cấp phát trực tiếp đến từng
hộ dân.
V. NGUỒN
KINH PHÍ SỬ DỤNG
1. Kinh phí hỗ trợ di dời
Sử dụng nguồn kinh phí sự
nghiệp chuyển dân hàng năm được ngân sách Nhà nước bố trí.
2. Kinh phí quản lý
Chi phí quản lý thực hiện di
dân cấp cho các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác di dân là 300.000 đồng/hộ dân
được bố trí từ nguồn ngân sách Tỉnh.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Hàng năm lập kế hoạch bảo
vệ với Trung ương để bố trí nguồn vốn cho Chương trình sắp xếp, bố trí dân cư của
Tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Phát triển
nông thôn thực hiện các nhiệm vụ như sau:
+ Phối hợp với Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện (Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) thẩm
tra kết quả họp xét của Hội đồng xét duyệt cấp xã.
+ Tham gia Hội đồng xét duyệt
hỗ trợ kinh phí di dân cấp huyện.
+ Tiếp nhận nguồn vốn sự
nghiệp chuyển dân của tỉnh và tiến hành cấp phát kinh phí cho dân kịp thời.
+ Phối hợp với Uỷ ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố giải quyết khiếu nại sau khi Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn đã giải quyết nhưng hộ dân chưa thống nhất.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh
bố trí lồng ghép chính sách thuộc các chương trình, dự án khác trên địa bàn với
dự án thuộc chương trình sắp xếp, bố trí dân cư.
- Theo dõi tiến độ thực hiện
công tác di dân để kịp thời bổ sung nguồn vốn sự nghiệp chuyển dân hoặc điều chỉnh
nếu có nhu cầu.
3. Sở Tài chính
- Tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh
phân bổ kinh phí sự nghiệp chuyển dân và chi phí quản lý thực hiện di dân cho
công tác di dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hỗ trợ kinh phí di dân kịp
tiến độ.
- Tham gia hội đồng cấp phát
kinh phí cho dân .
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn thẩm định quyết toán vốn sự nghiệp chuyển dân theo quy định.
4. Uỷ ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố
- Chủ trì họp Hội đồng xét
duyệt của cấp huyện, phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn giải quyết thắc
mắc, khiếu nại sau khi Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã giải quyết nhưng
hộ dân chưa thống nhất. Chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp
huyện (Phòng Kinh tế thị xã, thành phố) và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
tổ chức thực hiện công tác di dân như sau:
+ Tham gia đầy đủ tất cả các
bước theo quy trình xét hỗ trợ di dân.
+ Có trách nhiệm thống kê đầy
đủ các đối tượng được hưởng hỗ trợ di dân và họp Hội đồng xét duyệt công bằng,
chính xác, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu nại của người dân./.