Quyết định 703/QĐ-VPCP năm 2020 Quy chế mẫu về tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 703/QĐ-VPCP
Ngày ban hành 15/09/2020
Ngày có hiệu lực 15/09/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 703/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ MẪU VỀ TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, PHÁT HÀNH VÀ QUẢN LÝ VĂN BẢN TẠI VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư;

Căn cứ Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế mẫu về tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và Quy chế mẫu ban hành kèm theo Quyết định này để nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi Quy chế của cơ quan cho phù hợp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất triển khai các công việc được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 1467/QĐ-VPCP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành Quy chế mẫu về tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Hành chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm hướng dẫn Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện các văn bản cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- BTCN, các PCN;
- Vụ QHĐP, Cục KSTT;
- Lưu: VT, HC (02).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

QUY CHẾ MẪU

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ, PHÁT HÀNH VÀ QUẢN LÝ VĂN BẢN TẠI VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 703/QĐ-VPCP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này áp dụng đối với công tác tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản (bao gồm văn bản giấy và văn bản điện tử) tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Văn phòng Ủy ban nhân dân).

2. Quy chế này không áp dụng đối với1:

a) Việc gửi, nhận, xử lý văn bản giữa các đơn vị thuộc nội bộ của Văn phòng Ủy ban nhân dân;

b) Việc soạn thảo các đề án hoặc văn bản, tài liệu phục vụ công việc nội bộ của Văn phòng Ủy ban nhân dân.

Điều 2. Văn bản đến, văn bản đi, giá trị pháp lý của văn bản điện tử

1. Văn bản đến là tất cả văn bản, hồ sơ của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (sau đây gọi chung là lãnh đạo Ủy ban nhân dân), Văn phòng Ủy ban nhân dân và đơn vị, tổ chức, cá nhân trực thuộc theo đường bưu điện, fax, trực tiếp hoặc mạng tin học.

2. Văn bản đi là tất cả văn bản, hồ sơ của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đường bưu điện, fax, trực tiếp hoặc mạng tin học.

3. Văn bản điện tử của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân được ký số bởi người có thẩm quyền hoặc văn bản giấy được ký trực tiếp, thực hiện số hóa và ký số cơ quan theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.

[...]