Quyết định 70/2005/QĐ-BGTVT về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 70/2005/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 16/12/2005
Ngày có hiệu lực 01/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA HÀNG HẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra hàng hải.

2. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Thanh tra hàng hải.

3. Hoạt động của Thanh tra hàng hải thực hiện theo quy định của Bộ Luật hàng hải và pháp luật về thanh tra. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Vị trí, chức năng của Thanh tra hàng hải

1. Thanh tra hàng hải thuộc hệ thống Thanh tra giao thông vận tải là cơ quan của Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hàng hải trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục Hàng hải Việt Nam.

Thanh tra hàng hải chịu sự lãnh đạo của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.

2. Thanh tra hàng hải có con dấu riêng, được sử dụng con dấu của Cục Hàng hải Việt Nam khi Chánh Thanh tra hàng hải thừa lệnh Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ký văn bản.

3. Thanh tra hàng hải có tên giao dịch quốc tế viết bằng tiếng Anh là Viet Nam Maritime Inspectorate, viết tắt là VMI.

Điều 3. Tổ chức và biên chế

1. Thanh tra hàng hải được đặt tại Cục Hàng hải Việt Nam (sau đây gọi là Thanh tra Cục) và Cảng vụ hàng hải (sau đây gọi là Thanh tra Cảng vụ).

a) Thanh tra Cục thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hàng hải. Thanh tra Cục có Chánh Thanh tra hàng hải, Phó Chánh Thanh tra hàng hải và Thanh tra viên.

b) Thanh tra Cảng vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hàng hải. Thanh tra Cảng vụ có Thanh tra viên. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ khối lượng công việc và tình hình thực tế của Cảng vụ hàng hải để quyết định biên chế Thanh tra viên của Thanh tra Cảng vụ.

2. Biên chế của Thanh tra Cục thuộc biên chế hành chính của Cục Hàng hải Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao hàng năm. Biên chế thực hiện công tác thanh tra của Thanh tra Cảng vụ thuộc biên chế của Cảng vụ hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định.

3. Chánh Thanh tra hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có sự thống nhất của Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải bằng văn bản. Phó Chánh Thanh tra hàng hải do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh Thanh tra hàng hải. Thanh tra viên là công chức, được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Cục

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

2. Thanh tra đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc thực hiện pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về:

a) Đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cảng biển, báo hiệu hàng hải và luồng hàng hải;

b) An toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển khi tàu biển hoạt động tại vùng nước cảng biển, thủy nội địa và lãnh hải Việt Nam;

c) Hoạt động vận tải biển và dịch vụ hàng hải;

d) Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải;

đ) Hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm ở biển;

[...]