ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 68/2024/QĐ-UBND
|
Ninh
Thuận, ngày 12 tháng 8 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LẬP HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA
TÚY ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ XEM XÉT ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN
MA TÚY BẮT BUỘC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm
hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma
túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;
Căn cứ Pháp lệnh số
03/2022/UBTVQH15 ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại
Tòa án nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh số
01/2022/UBTVQH15 ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về
trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc người cai nghiện ma
túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện
ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;
Căn cứ Nghị định
59/2024/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày
31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động – Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 2384/TTr-LĐTBXH ngày 19/7/2024
và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 2182/BC-STP ngày 16/7/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện
ma túy đối với người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở cai nghiện
ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 04 Chương, 16 Điều.
Điều 2. Điều
khoản thi hành
Quyết định ngày có hiệu lực kể
từ ngày 22 tháng 8 năm 2024 và thay thế Quyết định số 52/2017/QĐ-UBND ngày 06
tháng 7 năm 2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận Ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ
và tổ chức cai nghiện ma túy đối với người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý
đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra VB QPPL, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Đoàn thể CTXH tỉnh;
- Trung tâm CNTT và TT;
- VPUB: LĐ, HCQT, KTTH;
- Lưu: VT, VXNV. NVT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Long Biên
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LẬP HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY ĐỐI VỚI NGƯỜI
BỊ XEM XÉT ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 68/2024/QĐ-UBND ngày 12/8/2024 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Thuận )
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc,
hình thức, thời gian, thẩm quyền, quy trình phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai
nghiện ma túy đối với người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Cai nghiện ma túy bắt buộc đối
với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;
2. Cai nghiện ma túy bắt buộc đối
với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành
chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
cá nhân tham gia lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
và tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Việc tổ chức lập hồ sơ áp dụng
biện pháp cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy phải thực hiện nhanh chóng,
kịp thời đảm bảo đúng quy trình, thẩm quyền và thành phần hồ sơ áp dụng biện
pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.
2. Có sự phân công, phân định
trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, thẩm quyền của từng cơ quan, đơn vị,
địa phương.
Điều 4.
Hình thức phối hợp
Các cơ quan liên quan căn cứ chức
năng, thẩm quyền quy định chủ động phối hợp thực hiện trong việc lập, xem xét hồ
sơ, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Công
an tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh,
Tòa án nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ và
xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chương II
TRÌNH TỰ, THÀNH PHẦN HỒ
SƠ
Điều 5. Hồ
sơ, trình tự, thủ tục
1. Đối với người sử dụng trái
phép chất ma túy có nơi cư trú ổn định:
a) Đối với người có hành vi sử
dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn nơi cư trú:
Khi phát hiện, cơ quan công an
cấp xã nơi phát hiện người có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng
trái phép chất ma túy của người đó, sau đó lập hồ sơ ban đầu, báo cáo và phối hợp
công an cấp huyện hoặc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1
Điều 41 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết
một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai
nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
b) Đối với người có hành vi sử
dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn khác với nơi cư trú (trong phạm vi tỉnh
Ninh Thuận):
Khi phát hiện, cơ quan công an
cấp xã nơi phát hiện người có hành vi vi phạm, lập biên bản về hành vi sử dụng
trái phép chất ma túy của người đó, sau đó bàn giao cho cơ quan công an cấp xã
nơi đối tượng cư trú hoặc bàn giao cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy
định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
2. Đối với người sử dụng trái
phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định:
Khi phát hiện, cơ quan công an
nơi xảy ra hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng trái phép chất ma
túy của người đó, sau đó tiến hành thủ tục đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều
41 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác
định tình trạng nghiện ma túy:
Cơ quan công an cấp xã nơi người
có hành vi vi phạm hoặc cơ quan công an nơi xảy ra hành vi vi phạm (đối với
trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định) có
trách nhiệm chủ động phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện theo các quy
định tại các Điều: 5,6,7 Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính
phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ
sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy.
Điều 6.
Trách nhiệm cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ ban đầu
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi
phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy lập hồ sơ ban đầu chịu trách nhiệm
hoàn tất các thủ tục theo Điều 45 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP để quản lý người
nghiện trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện
bắt buộc.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã nơi xảy ra vi phạm có quyết định phân công cho Công an hoặc các ngành, đoàn
thể cấp xã quản lý và phối hợp Trung tâm Y tế cấp huyện đưa đối tượng đến Bệnh
viện Chuyên khoa Da liễu – Tâm thần tỉnh xác định tình trạng nghiện ma túy, thực
hiện cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý, sau khi đã được Trung tâm Y tế cấp huyện
nơi xảy ra vi phạm, khám sàng lọc ban đầu có dương tính với chất ma túy.
Chương
III
NỘI DUNG PHỐI HỢP TRONG
VIỆC LẬP VÀ THẨM ĐỊNH HỒ SƠ, THỦ TỤC CAI NGHIỆN MA TÚY
Điều 7. Lập
hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc
1. Sau khi có kết quả xác định
tình trạng nghiện theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP và Thông tư số
18/TT- BYT ngày 16/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn chuẩn đoán
và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ quan công an
nơi lập hồ sơ ban đầu báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú hoặc
vi phạm,chịu trách nhiệm hoàn tất các thủ tục theo Điều 45 Nghị định số
116/2021/NĐ-CP để quản lý trong thời gian cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm
quyền hoàn thiện hồ sơ để Tòa án xem xét quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc
quy định tại Điều 40 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
2. Thời hạn quản lý được thực
hiện theo khoản 3 Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi,
bổ sung tại khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi
phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020.
3. Đồng thời, trong thời gian
này, cơ quan công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm hoặc cơ quan công
an cấp xã nơi đối tượng đang cư trú, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền hoàn thiện hồ
sơ và thực hiện thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ đề nghị theo quy định
tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Điều 8. Quyết
định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Toà án nhân dân thực hiện
các trình tự, thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15
ngày 13/12/2022 của Ủy ban Thường vụ quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét,quyết
định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại tòa án.
2.Trong thời gian chờ làm thủ tục
đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thì người nghiện bị áp dụng biện pháp
quản lý theo điều 45 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Trong thời gian này tòa án có
quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ, quyết định không áp dụng biện
pháp hành chính hoặc quyết định chuyển đổi đối tượng có dấu hiệu tội phạm theo
Điều 116 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội cấp huyện chủ trì, phối hợp với công an lập hồ sơ và các chủ thể
quản lý người nghiện ma túy trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở cai
nghiện ma túy bắt buộc theo Điều 45 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP hoặc bàn giao đối
tượng cho cơ quan điều tra theo quy định của tòa án.
3. Cơ quan có thẩm quyền lập hồ
sơ quyết định giao quản lý người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ đưa
vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Điều 46 Nghị định số
116/2021/NĐ-CP.
Điều 9. Thi
hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và
thi hành quyết định quản lý người nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục đưa
vào cơ sở cai nghiện ma túy
1. Thi hành quyết định áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc
a) Đưa người phải chấp hành quyết
định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12
tuổi đến dưới 18 tuổi (sau đây gọi chung là quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện
bắt buộc) thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
b) Thủ tục tiếp nhận người bị
đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện việc
tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy đã có quyết định của
toà án. Việc tiếp nhận và hồ sơ tiếp nhận thực hiện theo quy định tại Điều 55
Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
c) Truy tìm đối tượng bị áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người đã có quyết định áp dụng
biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi được đưa vào cơ sở,
thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ ra quyết định truy tìm đối tượng
theo Mẫu số 41 Phụ lục II Nghị định số
116/2021/NĐ-CP.
Người đang chấp hành tại cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết
định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện đóng trụ
sở có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối
tượng để đưa người đó trở lại cơ sở.
Trường hợp tìm được người bị áp
dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn nhưng không tự nguyện
chấp hành việc trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an cấp huyện
áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm tiếp tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc.
Thời gian bỏ trốn không được tính
vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt
buộc.
2. Thi hành quyết định quản lý
người nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy.
a) Cơ quan ban hành quyết định
quản lý có trách nhiệm đưa người nghiện ma túy đến cơ sở quản lý. Trường hợp
người nghiện ma túy đang trong tình trạng rối loạn tâm thần hoặc mắc bệnh phải
điều trị thì phải đưa đến cơ sở y tế để điều trị ổn định trước khi bàn giao cho
cơ sở quản lý. Việc giao người đưa người phải thành lập biên bản giao nhận theo
Mẫu số 37 Phụ lục II Nghị định 116/2021/NĐ- CP. Biên bản phải được gửi cho Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú hoặc nơi đối tượng có hành vi vi phạm,
cơ quan lập hồ sơ.
b) Hồ sơ, thủ tục bàn giao người
bị quản lý gồm: Quyết định quản lý theo quy định tại Điều 46 Nghị định số
116/2021/NĐ-CP, lý lịch tóm tắt của đối tượng, có xác nhận của cơ quan lập hồ
sơ.
c) Cơ quan Công an lập hồ sơ có
trách nhiệm tổng hợp quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ
sở cai nghiện bắt buộc gửi bộ phận tổng hợp Công an tỉnh, huyện, thành phố để bổ
sung vào cơ sở dữ liệu hồ sơ nghiệp vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành có liên quan
1. Sở Lao động- Thương binh và
Xã hội:
a) Thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành kế hoạch hàng năm, dài hạn về công tác cai nghiện ma túy; phối hợp với Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất,
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đầu tư, trang bị các điều kiện về
cơ sở vật chất cho cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thực hiện công tác cai nghiện bắt
buộc theo quy chế này.
b) Trực tiếp chỉ đạo công tác
cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh; chủ động phối hợp với các Sở, ban,
ngành, đoàn thể, địa phương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cai nghiện
ma túy trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tiếp nhận, quản lý, điều trị bệnh, cắt cơn
nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách;
phòng, chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy theo
đúng quy định của pháp luật và Quy chế này.
c) Chỉ đạo Phòng Lao động-
Thương binh và Xã hội cấp huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai
thực hiện công tác cai nghiện ma túy.
d) Định kỳ hàng tháng, quý, năm
tổng hợp báo cáo và đề xuất giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển
khai thực hiện Quy chế này với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh
và Xã hội theo quy định.
2. Sở Y tế:
a) Tổ chức tập huấn và cấp chứng
chỉ nghiệp vụ chuyên môn về xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị hỗ trợ
cắt cơn nghiện ma túy cho đội ngũ y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh theo quy định để
phục vụ cho công tác lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy.
b) Chỉ đạo bác sỹ, y sỹ Bệnh viện
Chuyên khoa Da liễu- Tâm thần tỉnh, Trạm Y tế cấp xã, Trung tâm Y tế cấp huyện
có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và chứng chỉ hoặc chứng
nhận về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp,
phối hợp với Công an và ngành Lao động- Thương binh và xã hội xác định tình trạng
nghiện ma túy của người sử dụng ma túy trái phép để lập hồ sơ và tổ chức cai
nghiện ma túy theo quy định và khám sức khỏe định kỳ cho người nghiện ma túy
đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy.
c) Chỉ đạo Trạm Y tế cấp xã hoặc
Trung tâm Y tế cấp huyện có thẩm quyền điều trị nghiện ma túy phối hợp với Công
an cấp xã nơi có người sử dụng ma túy bị lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy
trái phép, xác định tình trạng nghiện của người sử dụng ma túy.
d) Hướng dẫn phác đồ điều trị
nghiện ma túy dạng thuốc phiện, nghiện ma túy tổng hợp cho các Trạm Y tế cấp
xã, Trung tâm Y tế cấp huyện kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn
trong hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện cho người nghiện ma túy trong thời gian lập
hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc và trong quá trình
cai nghiện ma túy.
đ) Chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh
tiếp nhận, cứu chữa người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa
án quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc, học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy
tỉnh mắc các bệnh nặng do gia đình, Tổ công tác cai nghiện, cơ sở cai nghiện ma
túy tỉnh chuyển đến.
3. Công an tỉnh:
a) Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp
xã lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy, đồng thời tổ chức đưa
người đã có quyết định của Toà án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc vào cơ
sở cai nghiện ma túy tỉnh .
b) Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ
cho lực lượng làm công tác bảo vệ, hướng dẫn sử dụng các loại trang thiết bị,
công cụ hỗ trợ cho cán bộ cơ sở cai nghiện nghiện ma túy tỉnh theo đề nghị của
các cơ quan chủ quản.
c) Hỗ trợ lực lượng bảo vệ an
ninh trật tự, phối hợp các ngành chức năng bảo đảm an toàn, xử lý các tình huống
xấu xảy ra trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định đưa vào cai nghiện
bắt buộc, quá trình tổ chức, thực hiện cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện
ma túy tỉnh.
d) Phối hợp các cơ quan chức
năng điều tra, xử lý người nghiện ma túy đang cai tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh,
người nghiện ma túy đang được quản lý tại xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm
pháp luật.
4. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của Cơ sở
Cai nghiện ma túy tỉnh.
5. Sở Tài chính:
Phối hợp tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong dự toán chi thường xuyên hàng
năm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện;
hướng dẫn theo quy định của pháp luật khi có văn bản đề nghị liên quan đến kinh
phí thực hiện.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh
phí đảm bảo thực hiện Quy chế này theo quy định.
7. Sở Tư pháp:
Phối hợp các cơ quan có liên
quan trong công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trong quá trình lập hồ sơ đề
nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện
ma túy bắt buộc.
Điều 11.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Xây dựng kế hoạch và bố trí
ngân sách phục vụ cai nghiện ma túy, công tác quản lý đối tượng; tiền ăn, tiền
thuốc chữa bệnh thông thường và các chi phí khác cho đối tượng đang quản lý
trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc
tại xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm
công tác cai nghiện ma túy.
2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp
xã thành lập Tổ công tác cai nghiện theo quy định của pháp luật. Bố trí ngân
sách phục vụ cai nghiện ma túy, công tác quản lý đối tượng trong thời gian lập
hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.
3. Kiểm tra công tác lập hồ sơ,
quản lý người nghiện trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp
đưa vào cai nghiện bắt buộc; công tác giao, nhận người nghiện thi hành quyết định
của Tòa án vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của các xã, phường, thị trấn trong huyện,
thành phố; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 12.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Quyết định thành lập Tổ công
tác cai nghiện theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí,
thực hiện công tác quản lý người nghiện ma túy rong thời gian lập hồ sơ đề nghị
Tòa án quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn Tổ công
tác cai nghiện ma túy thực hiện công tác quản lý người nghiện ma túy trong thời
gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án quyết định đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quy định.
3. Chỉ đạo Công an cấp xã chủ động
phát hiện người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn tiến hành lập hồ sơ đề
nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các ngành chuyên môn
hướng dẫn gia đình có người nghiện và đoàn thể xã hội ở địa phương tham gia quản
lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện
bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Điều 13. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh
Chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể
cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cùng cấp có liên quan đưa
công tác cai nghiện ma túy vào nội dung sinh hoạt của Mặt trận, đoàn thể mình.
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh” kết hợp với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, làm tốt công tác vận
động người nghiện ma túy và thân nhân gia đình người nghiện ma túy tự giác khai
báo tình trạng nghiện và tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện, tích cực phối
hợp triển khai thực hiện Quy chế này.
Điều 14. Đề
nghị Tòa án nhân dân tỉnh
1. Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp
huyện rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ trong việc xem xét, quyết định áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp Tổ tư vấn
thẩm định hồ sơ và các cơ quan liên quan trong việc xử lý các trường hợp còn vướng
mắc về hồ sơ, thủ tục xét xử đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp
huyện phối hợp với cơ quan cùng cấp có liên quan trong thẩm định hồ sơ xem xét,
quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh.
Điều 15. Đề
nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
1. Chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân
dân cấp huyện kiểm soát việc tuân theo pháp luật của Toà án nhân dân cùng cấp về
trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo
quy định.
2. Sau khi nhận được thông báo
thụ lý hồ sơ của Tòa án nhân dân cùng cấp, Viện Kiểm sát nhân dân tổ chức
nghiên cứu hồ sơ vụ việc đó để phối hợp giải quyết được nhanh chóng, kịp thời.
Điều 16. Chế
độ báo cáo và sửa đổi, bổ sung Quy chế
1 Định kỳ hàng tháng, quý, năm
các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo
tình hình và kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công
an tỉnh. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.