Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 672/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025"

Số hiệu 672/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/05/2012
Ngày có hiệu lực 07/05/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Văn Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

Ủy ban nhân dân
tỈnh nam đỊnH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 672/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 7 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011-2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 158/TTr-SCT ngày 20 tháng 4 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm phát triển công nghiệp

- Công nghiệp là động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 và các năm tiếp theo nên cần tập trung phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.

- Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp chung của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát huy lợi thế so sánh về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng cao. Cơ cấu công nghiệp phải phát huy được lợi thế so sánh của từng phân ngành, từng địa bàn, từng bước hình thành một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh quy mô vùng.

- Công nghiệp của tỉnh phát triển phải đón nhận được xu hướng chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; áp dụng được những thành quả của tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và thế giới, hợp tác hiệu quả với khu vực và quốc tế.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư. Động lực cho phát triển công nghiệp là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài;

- Phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu chung: Xây dựng ngành công nghiệp Nam Định ngày càng lớn mạnh, hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu vào khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân.

- Mục tiêu cụ thể:

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 22-23%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 20-21%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 17-18%/năm.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành giai đoạn 2011-2015 đạt 19-20%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 17-18%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 14-15%/năm.

Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp, thủ công nghiệp đạt 400-420 triệu USD, năm 2020 đạt 650-700 triệu USD và năm 2025 đạt trên 1 tỷ USD.

Đến năm 2015, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39,5%, riêng công nghiệp chiếm 30,7% GDP nền kinh tế. Năm 2020 công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 45%, riêng công nghiệp chiếm 36,5% GDP nền kinh tế. Đến năm 2025, công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 48,5%, riêng công nghiệp chiếm 40,5% GDP nền kinh tế.

(Chi tiết về mục tiêu phát triển theo nhóm ngành xem Phụ lục 1)

3. Định hướng phát triển

Phát triển mạnh các ngành có lợi thế cạnh tranh, có truyền thống, huy động được mọi tiềm năng, nguồn lực, có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới như: dệt may; cơ khí đóng và sửa chữa tàu, cơ khí chế tạo, điện tử, cơ điện tử và công nghiệp phần mềm, nhiệt điện và dược phẩm; chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Từng bước xây dựng Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng về dệt may, đóng tàu, cơ khí chế tạo, dược phẩm, điện tử và công nghiệp phần mềm; tiếp tục phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thu ngân sách; gắn kết với phát triển nông nghiệp và phục vụ có hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp: công nghiệp chủ đạo, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng nguồn vốn tư nhân, tạo ra một mạng lưới các vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn, giải quyết việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo.

[...]