QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN
NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW
ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Nghị quyết số
67/2006/NQ-HĐND ngày 21/7/2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông
qua Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và
định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư và Giám đốc Sở Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ đến
năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung cơ bản sau:
1. Phạm vi quy hoạch: Trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Quan điểm phát triển:
- Phát triển du lịch Cần Thơ nhanh, tương xứng
với tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch thành phố và trở thành trung tâm du
lịch cũng như trung tâm phân bố khách du lịch của tiểu vùng du lịch Tây Nam Bộ
và là thành phố du lịch cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông MêKông;
- Phát triển du lịch phải gắn với việc bảo đảm
an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội;
- Phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế
xã hội ổn định và bền vững;
- Phát triển du lịch dựa trên sự phát huy nội
lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn
lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát
huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố;
- Phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Phát triển du lịch Cần Thơ phải đặt trong mối
quan hệ với sự phát triển du lịch các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu
Long, đặc biệt là mối quan hệ với thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo nên những sản
phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn khách du lịch.
3. Mục tiêu phát triển:
3.1. Mục tiêu chung: Phát triển du lịch
để tăng mức đóng góp vào thu nhập của địa phương cũng như thu nhập thực tế của
người dân trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và chuyển dịch cơ
cấu kinh tế, phấn đấu để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến
lược phát triển kinh tế của thành phố như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X,
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và định hướng chiến lược phát triển của
Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2006 - 2010:
+ Tổng số khách du lịch đến
thành phố năm 2010 đạt 2.020.000 người, trong đó, khách quốc tế đạt
220.000 người, chiếm 10,89% tổng số khách đến thành phố, khách nội địa là
800.000 người;
+ Tổng thu nhập du lịch năm 2010 là 1.048,1 tỷ
đồng.
+ Đầu tư phát triển du lịch tại
cụm nội đô gồm:
. Đầu tư hoàn thành cầu Cần Thơ, đưa sân bay Trà
Nóc vào khai thác các đường bay nội địa;
. Tăng cường kết nối du lịch với các tỉnh lân
cận và thành phố Hồ Chí Minh bằng đường thủy;
. Đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phục vụ
các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giao lưu kinh tế, viễn thông, các
công trình phục vụ hội nghị, hội thảo;
. Đầu tư xây dựng quảng trường, công viên và
tượng đài theo hướng công viên văn hóa gắn với các hoạt động vui chơi giải trí,…
. Tiến hành xây dựng một tổ hợp du lịch có sân
golf, 01 khách sạn 5 sao, hoàn thành cơ bản các khu du lịch cồn Cái Khế, cồn
Khương;
. Đầu tư tôn tạo làng cổ Bình Thủy;
. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ
du khách như: Khách sạn, nhà hàng; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, phù
hợp với nhu cầu của du khách đến từ các thị trường khác nhau;
. Đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề để
tạo sản phẩm du lịch và quà lưu niệm; đồng thời, khôi phục các hoạt động văn
hóa dân gian và văn hóa dân tộc,…
. Đầu tư xây dựng Trường nghiệp vụ du lịch Cần
Thơ.
+ Cụm du lịch Phong Điền: Đầu
tư chỉnh trang nâng cấp tuyến du lịch lộ vòng cung như: hệ thống làng du lịch, làng
hoa, làng du lịch Mỹ Khánh, hoạt động chợ nổi Phong Điền, khai thác tuyến đường
thủy Xà No - Vị Thanh.
+ Cụm du lịch Thốt Nốt: Đầu
tư nâng cấp tuyến đường thủy tới vườn cò Bằng Lăng, hệ thống công trình dịch vụ
tại Thốt Nốt, khai thác tuyến xe đạp thể thao, xây dựng và phát triển tổng thể du
lịch cù lao Tân Lộc, đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề để tạo sản phẩm
du lịch và quà lưu niệm, khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian và văn hóa
dân tộc,…
+ Cụm du lịch Ô Môn - Cờ
Đỏ: Đầu tư nâng cấp tuyến tỉnh lộ 922, phát triển hệ thống cơ sở vật chất tại
trung tâm Ô Môn, Thới Lai, thị trấn Cờ Đỏ,…
Giai đoạn 2011-2020:
+ Tổng số khách du lịch đến thành phố năm 2015
đạt 3.140.000 người, trong đó, khách quốc tế đạt 440.000 người, chiếm 14,01%
tổng số khách đến thành phố, khách nội địa là 1.500.000 người.
+ Tổng thu nhập du lịch năm 2015 là 2.490,4 tỷ
đồng.
+ Đầu tư phát triển du lịch đến
năm 2020 gồm:
. Cụm du lịch nội đô: tiếp tục đầu tư nâng cấp
mở rộng không gian và nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng sản phẩm du lịch,
văn hóa ẩm thực;
. Mở các đường bay quốc tế từ sân bay Trà nóc;
. Kết nối du lịch Cần Thơ với các quốc gia thuộc
tiểu vùng sông Mê Kông bằng đường thủy;
. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các dự án, tổ hợp
du lịch tại cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái khế;
+ Đến năm 2020 tổng số khách du lịch đến thành
phố đạt 4.800.000 người, trong đó, khách quốc tế đạt 800.000 người, chiếm
16,67% tổng số khách đến thành phố, khách nội địa là 2.600.000 người.
+ Tổng thu nhập du lịch năm 2020 là 5.995 tỷ
đồng.
+ Đầu tư phát triển du lịch gồm:
. Cụm du lịch nội đô: Tiếp tục đầu
tư nâng cấp mở rộng không gian và nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng sản
phẩm du lịch, văn hóa ẩm thực; mở các đường bay quốc tế; kết nối du lịch Cần
Thơ với các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mê Kông bằng đường thủy; đầu tư xây
dựng hoàn chỉnh các dự án, tổ hợp du lịch tại cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái Khế.
. Cụm du lịch Phong Điền: Tiếp tục
nâng cấp mở rộng không gian và nâng cấp chất lượng dịch vụ và đa dạng sản phẩm
du lịch và văn hóa ẩm thực, phát triển mạnh hoạt động du lịch kết nối với tỉnh
Hậu Giang.
. Cụm du lịch
Thốt Nốt: Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng không gian, chất lượng dịch
vụ và đa dạng sản phẩm du lịch,… cải tạo bến phà và đội phà phục vụ cù lao Tân
Lộc, phát triển mạnh du lịch sinh thái và cộng đồng tại cù lao Tân Lộc.
. Cụm du lịch Ô Môn - Cờ
Đỏ: Phát triển mạnh chương trình du lịch nông trại dựa vào cộng đồng dân cư.
Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại Thới Lai - Ô Môn, dịch vụ ở Cờ
Đỏ, phát triển du lịch về hướng Vĩnh Thạnh.
4. Cơ chế chính sách và giải pháp:
4.1. Cơ chế chính sách:
- Chính sách thuế: Trên cơ sở các chính
sách về thuế của nhà nước, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng nghiên
cứu vận dụng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định pháp luật;
- Chính sách về huy động vốn: Đa dạng hóa
nguồn vốn đầu tư như doanh nghiệp trong và ngoài nước được đầu tư 100% vốn,
liên doanh liên kết; ngân sách hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, pháp luật hiện
hành;
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính:
Đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư
trong và ngoài nước; đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng một số cơ chế ưu
đãi đối với các nhà đầu tư vào Cần Thơ nói chung và ngành du lịch nói riêng
theo quy định pháp luật.
4.2. Các giải pháp chủ yếu:
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du
lịch:
+ Tham mưu, đề xuất việc thành lập các cơ quan
chuyên trách nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển du lịch. Đối
với các dự án phát triển các khu du lịch, công trình quan trọng cần thành lập
Ban quản lý dự án có năng lực, hoạt động có hiệu quả;
+ Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành
các văn bản pháp luật về du lịch (quy chế quản lý các khu du lịch trong thành
phố, quy chế quản lý quy hoạch, quy chế xây dựng các công trình du lịch...)
nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để quản lý và khuyến khích phát triển du lịch
trên địa bàn;
+ Đầu tư xây dựng và hoàn thành một số quy hoạch
chi tiết tại các khu du lịch trọng điểm để làm cơ sở cho việc đầu tư và kêu gọi
vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước;
+ Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn
nhân lực về quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ trong hoạt động sản xuất kinh
doanh du lịch có năng lực để đáp ứng với yêu cầu mới, nhất là tiến trình hội
nhập khu vực và quốc tế;
+ Tăng cường phối hợp liên kết, liên ngành và
liên vùng (đặc biệt với các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và
TP. Hồ Chí Minh) trong việc thực hiện Quy hoạch dưới sự chỉ đạo thống nhất của
UBND thành phố để quản lý phát triển du lịch như đầu tư phát triển sản phẩm,
xúc tiến quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn khai thác tài nguyên tự
nhiên, quản lý sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh.
- Đầu tư và phát triển du lịch:
+ Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà
nước (cả trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm
làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn toàn thành phố, trước mắt
ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát
triển du lịch, các khu du lịch, các điểm du lịch mũi nhọn của thành phố;
+ Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch,
khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia
hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hóa
đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân
gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản
lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản
hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút
các nhà đầu tư. Tạo sự bình đẳng giữa đầu tư trong nước và nước ngoài, giữa tư
nhân với nhà nước, mở rộng các hình thức thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước
như các hình thức BOT, BTO, BT,…
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Ngoài sản
phẩm du lịch mũi nhọn, thành phố Cần Thơ cần đầu tư phát triển các sản phẩm du
lịch bổ trợ; các sản phẩm bổ sung này vừa có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh,
sức hấp dẫn của sản phẩm chủ đạo còn có tác dụng thu hút thêm các thị trường mới,
nhằm đa dạng hóa thị trường, đảm bảo tính bền vững, ổn định, tăng cường khả
năng chống đỡ với các diễn biến phức tạp của thị trường du lịch.
- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công
nghệ và hợp tác quốc tế:
+ Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công
nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, xây dựng các
chiến lược về thị trường - sản phẩm du lịch Cần Thơ, đa dạng hóa và nâng cao
chất lượng sản phẩm du lịch đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra trong quy hoạch, tiến
tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành du lịch và tạo khả năng hội nhập của
du lịch trong nước, khu vực và trên thế giới;
+ Khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ,
kết hợp với việc nâng cao ý thức của khách du lịch nhằm các mục tiêu tiết kiệm
năng lượng, nước sạch, hạn chế rác thải... góp phần bảo vệ môi trường như việc
xây dựng và khuyến khích áp dụng mô hình “khách sạn xanh” (khách sạn tiêu thụ
ít điện năng và nước sạch, sử dụng vật liệu tự nhiên, vật liệu địa phương, hạn
chế tối đa rác thải, tăng cường tái chế, tái sử dụng...);
+ Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ
thông tin phục vụ du lịch;
+ Hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện cho
các doanh nghiệp du lịch trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học để phục vụ cho
các hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao; nghiên cứu để nâng cao năng
lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường;
+ Tăng cường tính chủ động trong việc hội nhập
và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tăng nguồn khách, nguồn
vốn đầu tư và kinh nghiệm góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra
trong quy hoạch.
- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du
lịch:
+ Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về
ngành kinh tế du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân, tạo lập và nâng cao
hình ảnh du lịch Cần Thơ trong cả nước, khu vực và trên thế giới để qua đó thu
hút khách du lịch và nguồn vốn đầu tư vào du lịch;
+ Xây dựng hệ
thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Cần Thơ, về tiềm
năng - đất nước và con người Cần Thơ cho khách du lịch ở những đầu mối giao
thông quan trọng, đặc biệt là ở khu vực Ninh Kiều, Thốt Nốt, tiến tới kết hợp
mở văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước;
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện
đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối
ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, tranh
thủ sự hỗ trợ quốc tế để xúc tiến quảng bá du lịch Cần Thơ có hiệu quả.
- Đào tạo nguồn nhân lực: Là nhóm giải
pháp mang tính toàn diện, không chỉ là những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ,
về môi trường sinh thái đối với cán bộ quản lý và kinh doanh du lịch mà cần
phải được du khách và cộng đồng dân cư địa phương hưởng ứng, nâng cao trách
nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giáo dục thường xuyên thành ý thức đối
với mọi thành viên trong tổ chức, bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch cho
phát triển bền vững.
Trước mắt, khẩn trương đưa Trường trung học
nghiệp vụ du lịch Cần Thơ đi vào hoạt động, đây là một thuận lợi lớn cung cấp
nguồn nhân lực có trình độ chuyên ngành du lịch cho thành phố cũng như các địa
phương khác trong khu vực đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
- Bảo vệ tài nguyên - môi
trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch:
+ Mọi phương án khai thác tài nguyên phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội đều phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở những luận cứ
khoa học vững chắc có tính đến mối quan hệ với các ngành kinh tế có liên quan
và các tác động đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của khu vực.
+ Thực hiện
nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các qui định khác về bảo vệ môi trường của
nhà nước; quy định bắt buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với
mọi dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
+ Đối với các điểm có tiềm năng du lịch lớn song
môi trường luôn đe dọa bởi các sự cố ô nhiễm, cần thiết phải xây dựng các
phương án phòng chống sự cố và khắc phục hậu quả để có thể giảm tối đa những
tác động tiêu cực các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
+ Bằng các hình thức tuyên truyền qua các phương
tiện truyền thông đại chúng như đài báo, truyền hình, về lợi ích của việc bảo
vệ môi trường đối với đời sống sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng sẽ dần dần được
nâng cao trong nhận thức của người dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau
mười ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký.
Sở Du lịch là cơ quan quản lý quy hoạch, xây
dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch nhằm
hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển du lịch theo quy hoạch đã đề
ra.
Các Sở, Ban, ngành, UBND quận, huyện căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Du lịch trong quá
trình thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 với các quy hoạch ngành, các
lĩnh vực của địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố,
Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở, Thủ trưởng
cơ quan Ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.