Nghị quyết 105/2008/NQ-HĐND về phát triển du lịch đến năm 2015, tầm nhìn 2020 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 105/2008/NQ-HĐND
Ngày ban hành 29/04/2008
Ngày có hiệu lực 09/05/2008
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Văn Sỹ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 105/2008/NQ-HĐND

Tam Kỳ, ngày 29 tháng 4 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015, TẦM NHÌN 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Xét Tờ trình số 1158/TTr-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh về đề nghị thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và tầm nhìn 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đề án Phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015 và tầm nhìn 2020 do UBND tỉnh trình với các nội dung sau:

1. Mục tiêu

Phát triển nhanh và bền vững để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là mũi nhọn của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tăng tiềm lực kinh tế - quốc phòng - an ninh, tạo động lực góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và quốc gia.

* Các chỉ tiêu:

- Đến năm 2010: Đón 2,5 - 3 triệu lượt khách;

- Đến năm 2015: Đón 5,5 - 6 triệu lượt khách;

- Từ sau năm 2015 trở đi, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm từ 20% đến 30%.

2. Định hướng chung

Ưu tiên khai thác các lợi thế so sánh để phát triển du lịch, kết hợp các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, biển, rừng. Xây dựng đô thị du lịch Hội An gắn với khu di tích Mỹ Sơn, tạo động lực phát triển du lịch cho cả tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa định hướng không gian phát triển du lịch với định hướng thị trường các loại hình, sản phẩm du lịch và an ninh quốc phòng.

3. Một số giải pháp

- Sớm xây dựng quy hoạch vùng đông của tỉnh gắn kết với quy hoạch du lịch ven biển; khớp nối quy hoạch hệ thống đường giao thông với các trung tâm, khu, điểm du lịch trong tỉnh và cả nước.

- Đối với vùng ven biển, ưu tiên thu hút các dự án lớn, mật độ xây dựng không quá 30% diện tích. Đối với vùng núi, tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên và xã hội để quy hoạch xây dựng các khu du lịch có kiến trúc phù hợp với cảnh quan. Hạn chế phát triển dân cư ven đường du lịch. Chú ý phát triển có trọng điểm ở phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu vực ven biển (phía đông sông Cổ Cò, sông Trường Giang) và miền núi phía tây Quảng Nam, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tập trung chỉ đạo chương trình quy hoạch về bảo tồn phố cổ Hội An để trình Chính phủ phê duyệt, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ để trùng tu, bảo tồn, nâng cấp hạ tầng phố cổ Hội An.

- Lồng ghép các dự án, chương trình trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, phòng chống thiên tai và môi trường, chú trọng sắp xếp dân cư ven biển, gắn kết phát triển du lịch và bố trí hợp lý các làng chài, phát triển nông thôn, cảnh quan môi trường, khai thác quỹ đất. Xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, sản xuất các ngành phụ trợ cho phát triển du lịch theo hướng ổn định lâu dài.

- Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển, ưu tiên các dự án: bảo tồn di sản, trùng tu di tích, đầu tư kết cấu hạ tầng phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn. Xác định rõ quy hoạch để tập trung xây dựng và hoàn chỉnh một số tuyến đường, đặc biệt là cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển nhằm khai thác lợi thế du lịch, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận 10 triệu lượt khách vào năm 2020. Đầu tư xây dựng Cù Lao Chàm trở thành đảo du lịch tổng hợp cao cấp. Chủ động tìm đối tác đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai. Xây dựng Trung tâm thông tin du lịch và trạm dừng chân du khách gắn với các tuyến du lịch và Quốc lộ 1A. Xây dựng bảo tàng, công viên nhằm thu hút du khách tham quan. Lồng ghép ngân sách nhà nước với các dự án, chương trình đầu tư cho phát triển du lịch.

- Có chính sách khuyến khích các hoạt động du lịch cộng đồng. Xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực miền núi và các điểm du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề còn ở dạng tiềm năng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch trong và ngoài nước một cách tích cực và có hiệu quả.

- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; chủ động đào tạo và liên kết đào tạo nhân lực phục vụ ngành văn hóa và du lịch ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo lao động. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường.

- Tiếp tục duy trì và làm mới các sản phẩm du lịch có giá trị. Nghiên cứu đầu tư chiều sâu một số giá trị văn hóa phi vật thể, có tính đặc trưng của địa phương, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách.

- Gắn phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Xây dựng quy chế tham quan du lịch tại các di sản văn hóa, các di tích lịch sử và thắng cảnh. Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng lộ trình chuẩn hóa nghiệp vụ du lịch nhằm tăng sức cạnh tranh, giữ vững và nâng cao giá trị thương hiệu du lịch Quảng Nam.

- Thống nhất chủ trương cho phép Hiệp hội du lịch Quảng Nam xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hưởng lợi từ du lịch để cùng với ngân sách tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

[...]