Quyết định 669/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Số hiệu 669/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/10/2024
Ngày có hiệu lực 14/10/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Phước Hiền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 669/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 4716/TTr-STNMT ngày 01/10/2024 và ý kiến thống nhất của Thành viên UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cực Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- VPUB: CPVP, KTTH, KGVX, NC;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.693

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 669/QĐ-UBND ngày 14/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

I. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT

Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đã và đang tác động đến nhiều quốc gia, vùng, lãnh thổ và các lĩnh vực. Dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,5% GDP/năm.

Tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ của Việt Nam có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm 13 đơn vị hành chính, trong đó có: 01 thành phố (TP. Quảng Ngãi), 01 thị xã (TX. Đức Phổ) và 11 huyện (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Lý Sơn).

Trong những năm gần đây, BĐKH đã làm gia tăng các loại hình thiên tai. Địa bàn tỉnh thường xuyên chịu tác động của 22 loại hình thiên tai theo các mức độ khác nhau, gồm: (1) Tác động mạnh: Bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; (2) Tác động vừa: Sạt lở đất, lũ quét, lốc, sét, mưa đá, ngập lụt do triều cường, bão lớn, sóng thần, xâm nhập mặn, mưa lớn, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, gió mạnh trên biên, cháy rừng; (3) Tác động nhẹ: Nắng nóng, rét hại, sương muối, mưa đá, sương mù. Trong đó, các loại hình bão, áp thấp nhiệt đới và lũ, ngập lụt gây thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì từ năm 2009 đến nay, bão, áp thấp nhiệt đới và lũ lụt đã gây rất nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước (thiệt hại tài sản ước tính khoảng 14.526.600 triệu đồng).

Biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh đến nông nghiệp và an ninh lương thực, khủng hoảng và mất an ninh về nước, nguy cơ thiên tai do bão lũ và nước biển dâng, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, lâm nghiệp, ngư nghiệp, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tỉnh Quảng Ngãi cũng là một trong những tỉnh sẽ chịu nhiều tổn thất do BĐKH, mực nước biển dâng.

Trong thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được kết quả ban đầu quan trọng. Tuy nhiên trước xu thế BĐKH ngày càng gia tăng cả về tần suất và xu thế cực đoan, cần nâng cao hơn nữa các giải pháp thích ứng với BĐKH.

Kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đã cung cấp những thông tin về BĐKH và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam để các bộ, ngành và địa phương làm cơ sở đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng các biện pháp thích ứng với BĐKH.

Theo Quyết định số 896/QĐ TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Tại khoản 6 Phần V Quyết định số 896/QĐ-TTg giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo định kỳ 10 năm cấp tỉnh”. Việc cập nhật “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Quảng Ngãi” phù hợp với Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016; cập nhật năm 2020 cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm xác định được các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu đối với quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát, điều chỉnh, bổ sung yếu tố biến đổi khí hậu trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, của ngành, của vùng và các khu vực trong tỉnh, là công cụ pháp lý phục vụ công tác quản lý nhà nước.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh; là nền tảng để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

b) Các nhiệm vụ ứng phó BĐKH của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cần tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với BĐKH, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.

[...]