Quyết định 668/2004/QĐ-UB ban hành Chiến lược phát triển thị trường - Hội nhập kinh tế Quốc tế tỉnh An Giang đến năm 2020

Số hiệu 668/2004/QĐ-UB
Ngày ban hành 20/04/2004
Ngày có hiệu lực 20/04/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Minh Nhị
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 668/2004/QĐ-UB

Long xuyên, ngày 20 tháng 4 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG - HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/ 2003;

- Xét yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, đảm bảo phát triển thị trường - hội nhập kinh tế quốc tế đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành Chiến lược phát triển thị trường - Hội nhập kinh tế Quốc tế tỉnh An Giang đến năm 2020 (đính kèm theo Quyết định này).

Điều 2: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chiến lược này, định kỳ hàng năm, năm năm sơ kết, tổng kết báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3: Sở Thương mại và Du lịch phối hợp cùng các Sở, Ban ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố căn cứ vào Chiến lược này triển khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch cụ thể hàng năm và từng giai đoạn 5 năm.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách thi hành Quyết đinh này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn Phòng Chính phủ
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủy sản, Công nghiệp, Giáo dục và ĐT, Lao động và TBXH, Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Du lịch
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh
- UBND các huyện, thị, thành phố
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh
- Phòng KT, TH, XDCB, VX
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG -HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo QĐ số: 668/2004/QĐ-UB ngày 20/4/2004 của UBND tỉnh AG)

PHẦN MỘT

BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CỦA TỈNH AN GIANG

I- BỐI CẢNH QUỐC TẾ :

Lịch sử thị trường đồng thời với lịch sử sản xuất hàng hóa. Trước đây các nước giàu có mở rộng thị trường ra bên ngoài lãnh thổ thường là bằng sức mạnh đế quốc-thực dân, sức mạnh hàng hóa và tiền vốn (tư bản). Tùy điều kiện cụ thể mà có biện pháp ưu tiên. Đến những thập niên cuối thế kỷ 20, hoạt động ngoại giao được xem là nổi trội, trong đó vấn đề liên minh kinh tế theo khu vực địa lý, trên cơ sở tương đồng về trình độ sản xuất và tình trạng luật pháp của những quốc gia có yêu cầu liên kết được hình thành như cộng đồng kinh tế Châu Âu (EC), khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) chẳng hạn…, rồi những tổ chức có tính toàn cầu ra đời như Hiệp hội thuế quan (GATT) mà nay là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Quá trình phát triển thương mại thế giới cơ bản là do nhu cầu của đời sống con người và những nhu cầu cho sản xuất không ngừng gia tăng, kéo theo sự gia tăng sản xuất, phát minh khoa học, tích lũy tư bản. Đồng thời với quá trình đó là sự khát khao tài nguyên cơ bản là dầu mỏ, khoáng sản… của những nước phát triển - thường là những nước đế quốc thực dân và nay là của những siêu cường. Nhưng do thời cuộc đổi thay, trình độ phát triển của thế giới cũng có những biến đổi, những cách thức tiến hành mở rộng thị trường về bản chất vẫn không thay đổi, nhưng có bổ sung thêm những phương pháp có tính chất chuyên nghiệp hơn trong cạnh tranh trên cơ sở pháp lý quốc tế, của khối kinh tế, của các nước và vùng lãnh thổ theo xu thế hội nhập.

Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, hội nhập kinh tế thế giới là một bước phát triển lịch sử, nhưng đồng thời cũng là thách thức nghiệt ngã của những nước chậm phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước đã sớm nhận diện được thời cuộc, tìm được con đường và bước đi khôn ngoan nên vẫn tăng trưởng và phát triển nhanh - rất nhanh, nhưng đồng thời vẫn củng cố được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống. Khi làm đúng qui luật, đúng định hướng thì hiệu quả kinh tế sẽ bội thu chính trị và ngược lại. Kinh nghiệm này trước hết là từ bản thân Việt Nam. Từ khi Đảng CSVN khởi xướng chủ trương đổi mới, thành quả từ 20 năm qua (từ Đại hội VI-1986) chúng ta đã mạnh hơn về mọi mặt, mạnh hơn bất cứ lúc nào (trên cơ sở độc lập tự chủ) và ngoại giao cũng mở rộng hơn bất cứ lúc nào. Uy tín Việt Nam càng hội nhập càng được nâng cao. Đó là bài học lớn nhất.

II- CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ LỘ TRÌNH AFTA :

Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, mở cửa kinh tế thì cũng là quá trình hội nhập thế giới, chuẩn bị tham gia WTO, cam kết và thực thi lộ trình AFTA.

Thành quả mang lại là rõ ràng và to lớn : Đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, hạt điều, cao su, cà phê; thứ nhứt về hạt tiêu và trong số nước đứng đầu về thủy sản, hàng may mặc v.v… Dầu thô, than đá, khí đốt … có trữ lượng lớn và khai thác thương mại - xuất khẩu ngày càng nhiều, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu. Hàng hóa của Việt Nam từ dầu khí đến tôm cá, sản phẩm cơ khí, điện tử đến cói lác… có mặt trên hầu khắp các thị trường trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Cùng với chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đa thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nhân mới, có tâm huyết với đất nước, có kinh nghiệm bước đầu và không ngừng cập nhật thông tin kiến thức hiện đại. Đó là thành quả và vốn liếng để chúng ta tự tin : Theo định hướng của Đảng, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thành công. Xu thế này không thể đảo ngược.

Lộ trình thực hiện AFTA và chuẩn bị gia nhập WTO là quá trình đầy khó khăn và đau đớn. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng : phải cắt giảm thuế quan và cắt giảm bảo hộ quốc doanh, cạnh tranh thị trường có gay gắt nhưng sản xuất vẫn phát triển, thị trường vẫn mở rộng và đặc biệt là huy động nội lực, nhất là các khoản thu NS từ nội địa, từ địa bàn vẫn tăng. Bảo đảm thu chi. Đó là nhờ Đảng ta chủ động hội nhập.

III- HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CỦA TỈNH AN GIANG :

1- Thời kỳ 1986-1990 : Đây là thời kỳ khó khăn, lúng túng do thiếu thực tiển và kinh nghiệm. Mặc dù trước đó, những năm 1981-1982 TU, UB chủ trương thực hiện theo 2 giá (giá chỉ đạo - bao cấp và giá thỏa thuận - mua cao, bán cao). Năm 1982-1986 thực hiện HĐKT 2 chiều (trên cơ sở 2 giá) qui định 1kg phân urê=4kg lúa, l lít xăng = 8kg lúa… và thừa lại thì mua bán giá thỏa thuận (tự do). Đây là một bước đột phá lớn cho cả nước. Nhờ đó mà năm 1987 thu mua gần 242 ngàn tần lúa (kế hoạch 161 ngàn tấn), mà trước đó, năm thu mua được cao nhất cũng chỉ 50 ngàn tấn lúa.

[...]