Quyết định 66/2011/QĐ-UBND về Đề án phát triển giống thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 66/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2011
Ngày có hiệu lực 11/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Xuân Hoà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 66/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 01 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIỐNG THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 16 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 140/TTr-SNNPTNT ngày 20 tháng 10 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 1122/BC-STP ngày 06 tháng 10 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển giống thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (kèm theo Đề án).

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Đề án đã được phê duyệt, triển khai thực hiện các công việc theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN GIỐNG THỦY SẢN  ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 66 /2011/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Ninh Thuận là một tỉnh cực Nam Trung Bộ có chiều dài bờ biển 120km, với đặc điểm là một tỉnh ít mưa nhiều nắng, nhiệt độ và độ mặn luôn cao và ổn định quanh năm, môi trường ven biển được đánh giá là trong sạch và thích hợp cho sản xuất và phát triển các giống loài thủy sản, đó là những điều kiện tự nhiên thuận lợi tạo cho Ninh Thuận có những ưu thế về Nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất giống thủy sản.

Thực tế cho thấy trong những năm qua nghề sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận không ngừng được phát triển cả về quy mô số lượng và chất lượng. Nếu như năm 1986 toàn tỉnh chỉ mới có 32 trại sản xuất với sản lượng 200-300 triệu giống/năm, thì đến nay đã có hơn 400 cơ sở/1.400 trại sản xuất giống thủy sản, hàng năm sản xuất 10-15 tỷ con giống (chủ yếu tôm sú và tôm chân trắng) phục vụ nhu cầu nuôi đa dạng của người sản xuất. Tôm giống Ninh Thuận còn được biết đến là giống có chất lượng cao đã được thị trường khẳng định trong nhiều năm qua. Ngoài 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, thời gian qua Ninh Thuận còn phát triển thêm các đối tượng khác như: ốc Hương, Tu hài, cua biển và một số loài cá biển đáp ứng nhu cầu đa dạng nghề nuôi trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước.

Sự phát triển nghề sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận trong những năm qua đã đóng góp tích cực cho nghề nuôi tôm của Việt Nam cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế biển của Ninh Thuận.

Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XII khẳng định trong giai đoạn 2011-2015 tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn của cả nước, đáp ứng nhu cầu nuôi đa dạng cho nghề nuôi trong cả nước. Đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở các xã ven biển và vùng trung du.

Tuy nhiên bên cạnh đó nghề sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận thời gian qua vẫn còn bộc lộ những mặt tồn tại đáng quan tâm đó là: chất lượng môi trường nước nhiều vùng sản xuất có dấu hiệu ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào khai thác tự nhiên (tôm sú) hoặc nhập từ nước ngoài (tôm chân trắng), chất lượng con giống có xu thế ngày càng giảm; phát triển sản xuất theo hướng tự phát, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ manh mún, quy hoạch chưa theo kịp nhu cầu sản xuất; Việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về giống cho cơ sở sản xuất còn nhiều hạn chế; Chương trình đa dạng đối tượng nuôi đã thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao...

Từ thực tế trên, việc xây dựng đề án phát triển sản xuất giống thủy sản Ninh Thuận đến năm 2020 là rất cần thiết để đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích những yếu kém tồn tại, từ đó xây dựng định hướng phát triển thích hợp, nhằm phát triển sản xuất giống thủy sản đồng bộ, đa dạng, hiệu quả và bền vững.

[...]