Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 66/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2003-2010 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 66/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 29/05/2003
Ngày có hiệu lực 29/05/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phan Thiên
Lĩnh vực Thương mại,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/2003/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 29 tháng 05 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG THỜI KỲ 2003-2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

 - Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994;

 - Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;

 - Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng tại tờ trình số 669/TT-NN & PTNT ngày 22/5/2003, kèm theo báo cáo Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2003-2010;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt báo cáo “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2003-2010” với những nội dung chủ yếu như sau:

1.1/-Quan điểm phát triển ngành nghề nông thôn:

a-Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất nông lâm nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn khai thác nguyên liệu tại chỗ và nguồn lao động nông nhàn, phát huy thế mạnh về truyền thống sản xuất, lợi thế về du lịch; góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy kinh tế-xã hội nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững.

b-Phát triển ngành nghề nông thôn được đặt trong mối liên kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị và phát triển công nghiệp, giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Kết hợp hài hòa nhiều quy mô, chú trọng phát triển các cơ sở vừa và nhỏ với nhiều hình thức tổ chức và sở hữu; kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống; thiết bị với thủ công và cơ khí nhỏ.

c-Phát triển ngành nghề nông thôn phải tranh thủ và phát huy nội lực, huy động mọi nguồn vốn trong và ngoài nước, mọi nguồn lực sẵn có trong dân và khả năng đầu tư của các thành phần kinh tế.

d-Phát triển ngành nghề nông thôn gắn liền với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế -xã hội và kết cấu hạ tầng; kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di sản và bản sắc văn hóa của từng địa phương trong tỉnh.

1.2/- Mục tiêu phát triển:

a-Đạt tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất ngành nghề bình quân hàng năm 12-13%. Nâng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản phẩm ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

b-Tăng lao động tham gia sản xuất ngành nghề đến năm 2010 đạt khoảng 35.000 - 40.000 người, nâng tỷ lệ lao động ngành nghề trong tổng lao động xã hội từ 2,64% hiện nay lên trên 8% năm 2010; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động thuần nông xuống dưới 60 % năm 2010.

c-Thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề năm 2010 gấp từ 2 lần trở lên so với năm 2000.

d-Đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 15-20 triệu USD vào năm 2005 và 40-50 triệu USD vào năm 2010, đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm xuất khẩu trong tổng giá trị sản xuất ngành nghề lên 50%.

1.3/- Phương hướng phát triển:

a-Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn ở khu vực có truyền thống, như Thành phố Đà Lạt, Thị xã Bảo Lộc, các thị trấn, thị tứ, các xã thuộc 3 huyện phía Nam, ven các tuyến đường lớn và các khu du lịch; tiến tới mở rộng địa bàn ra các xã ở quanh các khu công nghiệp và cụm-điểm công nghiệp; về lâu dài sẽ phát triển đến các địa bàn có điều kiện.

b-Về ngành hàng, trước mắt tập trung củng cố, tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển các ngành hàng đã và đang hoạt động có lợi thế phát triển như: chế biến nông sản và dược liệu ( cà phê, chè, điều, lương thực, rau quả, Artisô...) mây tre đan, ươm tơ-dệt lụa, hàng lưu niệm du lịch, đan len và thêu ren, đồ gỗ dân dụng, dệt thổ cẩm, sản phẩm kim khí, vật liệu xây dựng, ngành nghề dịch vụ. Về lâu dài, tập trung phát triển thêm các ngành hàng mà Lâm Đồng có lợi thế về nguyên liệu và có triển vọng về thị trường như: gốm-sứ, đồ gỗ cao cấp và mỹ nghệ, chạm khắc, tranh thêu...

c-Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm ngành nghề, kết hợp hài hòa giữa thu hút lao động nông thôn với đổi mới công nghệ, hợp lý hóa tổ chức, chuyên môn hóa sản xuất, đào tạo nâng cao tay nghề để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nâng cao thu nhập cho người lao động.

d-Tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng các làng nghề làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề, nhất là các làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh về nguyên liệu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Tạo điều kiện khôi phục, vực dậy các cơ sở sản xuất cầm chừng, mở thêm các ngành nghề mới mà Lâm Đồng có thế mạnh về nguyên liệu và có triển vọng về thị trường. Cùng với phát triển làng nghề và ngành nghề, tổ chức phát triển tốt các vùng nguyên liệu, kết hợp với phát triển công nghiệp để sử dụng nguyên liệu (kể cả phế liệu). Tranh thủ ứng dụng các công nghệ mới vào phát triển ngành nghề, phát huy lợi thế tổng hợp của từng khu vực.

1.4/- Các chỉ tiêu chính về định hướng phát triển các nhóm ngành nghề nông thôn đến năm 2010:

Phấn đấu tăng giá trị sản phẩm ngành nghề từ 494 tỷ đồng năm 2001 lên 800- 810 tỷ đồng năm 2005 và 1.390-1.400 tỷ đồng năm 2010, trong đó:

a-Chế biến nông sản: Duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 9-12%/năm từ nay đến năm 2010; đạt giá trị sản phẩm khoảng 470-480 tỷ đồng năm 2005 và 800-900 tỷ đồng năm 2010, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản phẩm ngành nghề. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từng nhóm ngành hàng như sau: chế biến chè 11-13%/năm; chế biến cà phê 15-27%/năm; chế biến hạt điều 10-11%/năm; chế biến lương thực-thực phẩm và thức ăn gia súc 10-15%/năm; chế biến rau - quả và các loại nông sản khác 5-7%/năm.

b-Chế biến và đan lát tre, nứa, song mây: Có thế mạnh về nguyên liệu, truyền thống sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định; định hướng tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12-13%/ năm, giá trị sản phẩm đến năm 2005 trên 60 tỷ đồng và đến năm 2010 đạt trên 120 tỷ đồng; trong đó, tốc độ tăng trưởng của nhóm nghề đan lát song mây 13-15%/năm; nghề đan lát tre-nứa, làm đũa, tăm nhang 9-12%/năm.

c-Ươm tơ-dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan len, thêu ren, sản xuất các mặt hàng từ nguyên liệu là thổ cẩm và lụa: Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 8-11%/năm; giá trị sản phẩm đến năm 2005 khoảng 120 tỷ đồng và năm 2010 đạt trên 190 tỷ đồng; chú trọng công tác tiếp thị để mở rộng thị trường, tăng dần tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu.

[...]