Quyết định 65/2015/QĐ-UBND Quy định tiêu chí ưu tiên bán gỗ tròn cho doanh nghiệp chế biến, tinh chế gỗ tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 65/2015/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/11/2015
Ngày có hiệu lực 28/11/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/2015/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 18 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ƯU TIÊN BÁN GỖ TRÒN CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN, TINH CHẾ GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 409/TTr-SNN ngày 06 tháng 10 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí ưu tiên bán gỗ tròn cho các doanh nghiệp chế biến, tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 10/2008/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Bản quy định về một số chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ tròn khai thác từ rừng trồng cho các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng;
- Như điều 3;
- Sở Tư Pháp, Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Trung tâm công báo tỉnh;
- LĐVP, Các CV: TH, TC, KH;
- Lưu: VT, LN;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHÍ ƯU TIÊN BÁN GỖ TRÒN CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN, TINH CHẾ GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày
18 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Việc áp dụng tiêu chí ưu tiên bán gỗ tròn cho các doanh nghiệp chế biến, tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm mục tiêu:

- Tạo nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, bình đẳng, minh bạch, chất lượng cho các doanh nghiệp đã đầu tư chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến gỗ tinh chế, đa dạng, có thương hiệu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm sau chế biến.

2. Các doanh nghiệp chế biến gỗ được ưu tiên chỉ định mua gỗ tròn theo Quy định này phải đưa toàn bộ số gỗ được mua vào chế biến tại xưởng, nhà máy của mình đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Đối tượng

- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đầy đủ các hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan (văn bản của cấp thẩm quyền cho phép hoạt động sản xuất chế biến gỗ, giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận bảo vệ môi trường; không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp,...) đã đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất chế biến, tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đáp ứng các tiêu chí theo Quy định này đều được ưu tiên chỉ định mua gỗ tròn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

- Đối với các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp có đầu tư nhà xưởng sản xuất chế biến, tinh chế gỗ thì được để lại khối lượng gỗ đủ sản xuất, chế biến theo công suất thực tế hiện có. Trường hợp công ty có phương án quản lý rừng bền vững đã được chứng nhận thì được quyền quyết định nguồn gỗ tròn khai thác từ rừng của mình.

[...]