BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
624/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12/NQ-CP NGÀY
19/02/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG
ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2021
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP
ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày
19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống
ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động
thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo
đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 -
2021.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng
các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg Thường trực Trương Hòa Bình (để b/c);
- Phó TTg Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Các Bộ: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Quốc phòng, Tài
chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Kế hoạch và Đầu
tư;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Báo Giao thông;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu VT, V.Tải (Phong 10b).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12/NQ-CP NGÀY 19/02/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG
CƯỜNG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ CHỐNG ÙN TẮC GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN
2019 - 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 624/QĐ-BGTVT ngày 10/4/2019 của Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải)
I. MỤC TIÊU
Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết
số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn
giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 (sau đây gọi tắt là
Kế hoạch) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành giao thông vận
tải đã được giao tại Nghị quyết, cụ thể:
1. Tổ chức thể chế hóa và thực hiện đầy
đủ các quan điển, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ đề ra trong
Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật
tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 (sau đây
gọi tắt là Nghị quyết số 12/NQ-CP).
2. Xác định các nhiệm vụ để các cơ
quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm
tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP.
II. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Để tiếp tục kéo giảm tai nạn giao
thông, phấn đấu giảm số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến
10%; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các
đô thị lớn và trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị
lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; thực hiện tốt
các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP, trong thời gian tới, bên cạnh
nhiêu vụ thường xuyên, Tổng cục và các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT càn cụ thể
hóa và tổ chức triển khai thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng
tâm mà Nghị quyết số 12/NQ-CP đã đề ra, bao gồm:
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và
chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn
tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông
trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự
án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên
truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô
thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho
mọi tầng lớp nhân dân.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản
lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến
nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực
của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
4. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất
lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn
với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình
hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông
đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
5. Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch
vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá để thu
hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải đường sắt, đường thủy
nội địa, hàng hải, hàng không; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, vùng tỉnh và liên tỉnh.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản
lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như
hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn
giao thông.
7. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn
chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các
khu vực trung tâm đô thị.
8. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng
bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp,
đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong các đô thị phù
hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
9. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của
các nước phát triển có thể áp dụng tại Việt Nam trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
III. NỘI DUNG PHÂN
CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào nhiệm
vụ phân công trong Kế hoạch để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ tại
cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm đạt được yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện
Nghị quyết số 12/NQ-CP, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật liên quan được giao cho Bộ GTVT tại Nghị quyết số 12/NQ-CP:
1.1. Xây dựng và trình sửa đổi Luật
giao thông đường bộ năm 2008
- Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo: Tổng
cục Đường bộ Việt Nam
- Cơ quan chủ trì trình: Vụ Pháp chế.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT.
- Hình thức ban hành: Luật của Quốc hội
ban hành.
1.2. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật
giao thông đường thủy nội địa
- Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo: Cục
Đường thủy nội địa Việt Nam (nghiên cứu đề xuất).
- Cơ quan chủ trì trình: Vụ Pháp chế.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT.
- Hình thức ban hành: Luật của Quốc hội
ban hành.
1.3. Nghiên cứu đề xây các quy định
pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao
thông
Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành
nghiên cứu đề xuất và thực hiện theo Chương trình ban hành văn bản quy phạm
pháp luật hàng năm của Bộ GTVT.
1.4. Ban hành quy định bắt buộc chủ đầu
tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối
giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị, tính toán nhu cầu giao
thông phát sinh của công trình, đảm bảo an toàn giao thông và không gây ùn tắc
giao thông
- Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo: Tổng cục ĐBVN nghiên cứu bổ sung vào Thông tư sửa đổi,
bổ sung một số Điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT về hướng dẫn một
số Điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trình Bộ trưởng tháng
6/2019).
- Cơ quan chủ trì
trình: Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT.
- Hình thức ban hành: Thông tư sửa đổi, bổ sung.
1.5. Khẩn trương xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt các Quy ngành quốc
gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải sau khi Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch
năm 2014 được ban hành và Quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt để làm cơ
sở điều chỉnh các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên
ngành cho phù hợp điều kiện thực tế.
- Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo: Tổng
cục Đường bộ Việt Nam và các Cục chuyên ngành.
- Cơ quan chủ trì trình: Vụ Kế hoạch đầu tư.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT.
- Hình thức ban hành: Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GTVT.
1.6. Vụ An toàn
giao thông chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục
Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành, các Sở GTVT triển khai thực hiện cập
nhật và tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia bảo đảm trật
tự an toàn
giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
2. Các Vụ thuộc Bộ,
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành, các Ban QLDA thuộc Bộ, các Sở
GTVT theo nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ
hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đã được phê duyệt; khẩn trương
đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại và chuyển
giao để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý, vận hành.
3. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông
chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục
chuyên ngành, các Sở GTVT:
3 1. Triển khai thực hiện tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
nghiên cứu báo cáo Chính phủ về việc tăng tỷ trọng vốn cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;
3.2 Tham mưu thực hiện nhiệm vụ đưa
ra lộ trình cụ thể để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt
vào năm 2025, giảm tối thiểu 30% lối đi tự mở vào năm 2021; khẩn trương sửa chữa, bảo đảm an toàn đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài,
Tân Sơn Nhất.
4. Trao đổi, chia sẻ
thông tin với Bộ Công an và các bộ, ngành địa phương nhằm tăng cường công tác phối
hợp trong hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; ban
hành quy định bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ
trong hoạt động vận tải và tổ chức giao thông.
4.1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục
Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát giao
thông, các Sở GTVT và các cơ quan có liên quan để thực hiện công tác trao đổi,
chia sẻ thông tin nhằm tăng cường công tác phối hợp trong
hoạt động đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông;
4.2. Tổng cục Đường
bộ Việt Nam và Vụ Vận tải nghiên cứu đề xuất bổ sung nội dung quy định vào Nghị
định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải
(thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) hoặc Luật giao thông
đường bộ (Luật sửa đổi Luật giao thông đường bộ năm 2008) để quy định bắt buộc
đối với tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải và
tổ chức giao thông;
4.3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ
trì, phối hợp với Vụ Vận tải, Vụ Khoa học - Công nghệ, Trung tâm Công nghệ
thông tin và các các quan, đơn vị có liên quan thực hiện: Tiếp tục xây dựng, thực
hiện Đề án “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” và nâng cấp Hệ
thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để phục vụ công tác
quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;
4.4. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ
trì, phối hợp với các Vụ liên quan, các cục chuyên ngành, các Sở GTVT để tham mưu Lãnh đạo Bộ GTVT triển khai thực hiện nhiệm vụ
“Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cải
tiến Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông được tích hợp các thông tin cần
thiết cho công tác quản lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đồng
thời đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp Giấy phép
lái xe, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông”.
5. Vụ An toàn giao
thông chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục
chuyên ngành, các Sở GTVT để lập và triển khai thực hiện các đề án, dự án bảo đảm
trật tự an toàn giao thông cho tất cả các lĩnh vực, tập trung vào nâng cao điều
kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện và người điều
khiển phương tiện; xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông
trên quốc lộ vào năm 2020.
6. Vụ Kế hoạch đầu tư
chủ trì:
6.1. Phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên
ngành, các Sở GTVT để lập Đề án đầu tư các công trình hạ tầng
kết nối và khu hậu cần của các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội
địa trọng điểm nhằm tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải
và thúc đẩy phát triển logistics;
6.2. Phối hợp với Vụ Đối tác công tư
và các địa phương để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao
thông.
7. Hoàn thiện Đề án ứng
dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung
đối với lĩnh vực đường bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2019.
- Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo: Tổng
cục Đường bộ Việt Nam
- Cơ quan chủ trì trình: Trung tâm
Công nghệ thông tin.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Các Vụ
thuộc Bộ (có liên quan), các Cục chuyên ngành, các Sở GTVT.
- Hình thức ban hành: Quyết định của
Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án.
8. Vụ Khoa học công
nghệ chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục
chuyên ngành, các Sở GTVT để triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu Lãnh đạo Bộ
GTVT ban hành và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành hệ thống các
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu giao thông vận tải, hệ
thống điều khiển giao thông và giao thông thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu phục
vụ quản lý, điều hành quốc gia cho tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải, đảm
bảo khả năng kết nối và chia sẻ cho lực lượng Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương, hoàn thành trong năm 2020.
9. Vụ Vận tải chủ
trì, phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên
ngành, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, các Sở GTVT để tham mưu Lãnh đạo Bộ
GTVT:
9.1. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền
hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách khuyến khích
sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá
nhân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường;
lồng ghép vào các quy định pháp luật, chiến lược, quy hoạch của ngành giao
thông vận tải;
9.2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các Đề án đã được phê duyệt
của hai thành phố về hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân
nhằm bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
10. Cục Y tế Giao
thông vận tải có trách nhiệm:
10.1. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế
và y tế địa phương thực hiện tốt Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên
mạng đường cao tốc đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 19/7/2013);
10.2. Phối hợp với Tổng cục Đường bộ
và Tổng công ty đường cao tốc làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn; kịp thời vận
chuyển nạn nhân để giảm ùn tắc giao thông khi có tai nạn xảy ra.
11. Sở GTVT các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì hoặc
phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành
để thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định này và các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh giao để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết
số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019.
12. Chế độ báo cáo
và đôn đốc triển khai thực hiện
12.1. Trước ngày 20 của tháng cuối hằng
quý các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành, các Sở
GTVT đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao gửi Bộ GTVT để
tổng hợp báo cáo các nhiệm vụ tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự an
toàn giao thông;
12.2. Định kỳ tháng 12 hằng năm Bộ
GTVT tổng hợp báo cáo gửi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về kết quả việc thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày
19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống
ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
12.3. Vụ An toàn giao thông là cơ
quan tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT đôn đốc công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ về
tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
12.4. Vụ Vận tải là cơ quan tham mưu
lãnh đạo Bộ GTVT đôn đốc công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ chống ùn tắc
giao thông; cơ quan chủ trì, đầu mối tổng hợp, báo cáo chỉ
đạo và báo cáo chung định kỳ hằng năm gửi cơ quan cấp trên.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị
khẩn trương triển khai thực hiện, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
của Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải
pháp được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông
giai đoạn 2019 - 2021./.