Quyết định 617/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện giai đoạn 2013 - 2020”; Bộ Chỉ số cải cách hành chính đối với Sở, ban, ngành và Bộ chỉ số cải cách hành chính đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng

Số hiệu 617/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/03/2014
Ngày có hiệu lực 17/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Dương Anh Điền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 617/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 17 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020”; BỘ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI SỞ, BAN, NGÀNH VÀ BỘ CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của Hội đồng nhân dân thành phố về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước thành phố giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 461/TTr-SNV ngày 20/02/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân quận, huyện giai đoạn 2013 - 2020”; Bộ Chỉ số cải cách hành chính đối với Sở, ban, ngành và Bộ chỉ số cải cách hành chính đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện (kèm theo Đề án).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Việc đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính của Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện được áp dụng đối với việc thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2013 trở đi.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Dương Anh Điền

 

ĐỀ ÁN

XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH; ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC QUẬN, HUYỆN GIAI ĐOẠN 2013 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, QUAN ĐIỂM, CĂN CỨ XÂY DỰNG, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU VÀ SẢN PHẨM THỰC HIỆN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Kết quả thực hiện công tác CCHC của các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện thời gian qua

Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ giai đoạn 2001 - 2010 và 02 năm đầu thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC của thành phố đã có bước chuyển biến tích cực, quan trọng, xuất hiện một số mô hình mới, những kết quả đạt được là cơ bản và rõ nét. CCHC đã có tác động tích cực, là nhân tố chủ yếu, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Nền hành chính của thành phố có bước chuyển biến quan trọng theo hướng nền hành chính phục vụ. Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với nhân dân có tiến bộ rõ, người dân ngày càng quan tâm, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đánh giá chỉ số CCHC năm 2012 của Bộ Nội vụ, thành phố Hải Phòng xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, công tác CCHC của các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện còn bộc lộ những hạn chế chủ yếu đó là:

- Việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác CCHC của một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kiên quyết; còn tư tưởng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, trông chờ vào cấp trên. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính một số nơi trong thực thi công vụ chưa cao, triển khai một số công việc, nhiệm vụ đã được xác định tại kế hoạch hàng năm của UBND thành phố tiến độ chậm, còn tồn đọng nhiệm vụ. Quyết tâm chính trị của một số người đứng đầu chưa cao nên không huy động được sức mạnh tổng hợp vào công cuộc CCHC; chưa thực sự gắn công tác CCHC với thực hiện nhiệm vụ hàng năm; chưa xác định công tác CCHC là một giải pháp quan trọng để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;

- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là khâu đột phá, song, còn nhiều lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm rà soát để đơn giản hóa, nhất là các TTHC trực tiếp liên quan đến đời sống công dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hình thức, chủ yếu như “văn thư cải tiến”; bộ phận “một cửa” không tiếp nhận 100% TTHC; vẫn còn tiếng kêu, phàn nàn về chất lượng giải quyết TTHC, về thái độ phục vụ, ứng xử của công chức tại bộ phận một cửa. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2000 và ISO 9001: 2008 tại một số cơ quan chưa thực sự có chất lượng; khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đồng bộ;

- Công tác kiểm tra của một số Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện về thực hiện CCHC, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa được quan tâm thực hiện; chưa nắm bắt kịp thời những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, để đưa ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác ở địa phương, đơn vị;

- Việc nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức được xác định là khâu then chốt, tập trung nguồn lực, các giải pháp để thực hiện, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số khâu, bộ phận còn hạn chế về kiến thức, năng lực, còn biểu hiện “vô cảm”, gây phiền hà, sách nhiễu để trục lợi; kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm;

- Một số Sở, ngành, UBND quận, huyện chưa coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong giai đoạn 2011 - 2020 theo nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố và Chương trình hành động của UBND thành phố về các lĩnh vực: Công tác quản lý, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác cải cách TTHC. Do vậy, kết quả CCHC chưa tạo chuyển biến thực sự nổi bật, rõ nét, chưa bền vững.

Xuất phát từ hạn chế nêu trên, cần thiết phải có cơ chế để đánh giá tính toàn diện, hiệu quả trong triển khai công tác CCHC, đánh giá ảnh hưởng của công tác CCHC đối với kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND quận huyện, từ đó làm chuyển biến về nhận thức việc xác định CCHC là một giải pháp căn bản và chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ của Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.

[...]