Quyết định 612/QĐ-UB năm 1977 ban hành Bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 612/QĐ-UB
Ngày ban hành 16/11/1977
Ngày có hiệu lực 16/11/1977
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Mai Chí Thọ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 612/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIỮA CẤP THÀNH PHỐ VÀ CẤP QUẬN, HUYỆN”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ Bản Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo nghị định số 24-CP, ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ;
- Căn cứ nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ nhất, đã đề ra phương hướng phân công, phân cấp quản lý ở thành phố ;
- Để ổn định dần từng bước việc phân công và phân cấp quản lý các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, song song với việc triển khai công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và cải tiến, xây dựng ổn định dần tổ chức và quản lý kinh tế của Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành, kèm theo quyết định này, “Bản quy định tạm thời về phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp Thành phố và cấp quận, huyện”.

Điều 2.- Các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải quán triệt và cụ thể hóa những điều quy định này trong Bản quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình trong việc phân cấp quản lý cụ thể cho các phòng chuyên môn thuộc ngành mình ở quận, huyện.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải quán triệt và cụ thể hóa những điều quy định này trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Ủy ban và trong công tác thực tiễn.

Ban Tổ chức chánh quyền giúp Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện Bản Quy định tạm thời này và kịp thời sơ kết, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung cho hoàn chỉnh.

Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Q. CHỦ TỊCH




Mai Chí Thọ

BAN QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ PHÂN CÔNG QUẢN LÝ GIỮA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ GIỮA CẤP THÀNH PHỐ VÀ CẤP QUẬN, HUYỆN
(Ban hành kèm theo quyết định số 612/QĐ-UB ngày 16-11-77 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

I.- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU CỦA VIỆC PHÂN CÔNG VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ

A.- Dựa trên cơ sở thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” và nguyên tắc “quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương, vùng lãnh thổ”, việc phân công quản lý giữa các sở, ban, ngành của Thành phố và phân cấp quản lý giữa cấp Thành phố và cấp quận, huyện phải được vận dụng theo các nguyên tắc cụ thể như sau :

1) Tăng cường sự lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đối với toàn bộ nền kinh tế và các mặt công tác chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố.

Đồng thời phân cấp quản lý rộng rãi cho cấp quận, huyện, phường, xã đi đôi với việc củng cố, tăng cường nhằm bảo đảm điều kiện cho quận, huyện, phường, xã phát huy tính chủ động sáng tạo, tích cực quản lý, khai thác, sử dụng tốt mọi khả năng tiềm tàng, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân tốt nhất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp của quận, huyện đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, đời sống của toàn thành phố.

2) Các sở, ban, ngành của thành phố là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Thành phố, có chức năng quản lý Nhà nước (quản lý hành chánh – kinh tế) đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi toàn thành phố, từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp đồng thời có trực tiếp quản lý các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh lớn, quan trọng.

Nội dung chính về quản lý hành chính – kinh tế của sở, ban, ngành thành phố gồm :

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hay lĩnh vực công tác trong phạm vi thành phố.

- Nghiên cứu cụ thể hóa các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Trung ương vận dụng vào thành phố, đồng thời xây dựng các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức của ngành mà Trung ương chưa ban hành để áp dụng trong thành phố.

- Thực hiện đường lối, chính sách kinh tế - kỹ thuật thống nhất trong ngành, chỉ đạo công tác nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật trong ngành.

- Quyết định các biện pháp thực hiện, điều hoà phối hợp công tác của các đơn vị trong ngành, của các quận, huyện để bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ công tác của ngành.

- Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và nghiệp vụ lành nghề cho ngành.

- Kiểm tra, thanh tra các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở về những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

3) Quản lý bao gồm cải tạo và xây dựng, vì vậy các ngành, các cấp phải có trách nhiệm cải tạo xã hội chủ nghĩa đồng thời với việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, phân công lại lao động một cách hợp lý đối với phạm vi và đối tượng thuộc quyền quản lý của mình.

4) Chính quyền quận, huyện là một cấp chính quyền Nhà nước vừa thực hiện chức năng quản ý hành chính Nhà nước, vừa thực hiện quản lý kinh tế (có mức độ khác nhau giữa huyện ngoại thành và quận nội thành) và tổ chức quản lý đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong địa bàn quận huyện.

[...]