Quyết định 609/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 609/QĐ-TTg
Ngày ban hành 25/04/2011
Ngày có hiệu lực 25/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 609/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước và Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Căn cứ Quyết định số 982/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Bắc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;
Xét đề nghị của Tổng công ty Lương thực miền Bắc và thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Giải thích từ ngữ

1. Trong Điều lệ này, các từ ngữ, thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) “Tổ hợp công ty mẹ - công ty con” là nhóm các doanh nghiệp bao gồm công ty mẹ là Tổng công ty Lương thực miền Bắc, các công ty con, công ty liên kết.

b) “Tổng công ty” là Tổng công ty Lương thực miền Bắc - Công ty mẹ trong Tổ hợp công ty mẹ - công ty con.

c) “Đơn vị trực thuộc” là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty và nằm trong cơ cấu của Tổng công ty.

d) “Công ty con” là các công ty mà Tổng công ty đầu tư 100% vốn điều lệ hoặc giữ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

đ) “Công ty liên kết” là các công ty mà vốn góp của Tổng công ty không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

e) “Công ty tự nguyện liên kết” là các công ty không có cổ phần, vốn góp của Tổng công ty nhưng tự nguyện tham gia tổ hợp công ty mẹ - công ty con, chịu sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ với Tổng công ty theo hợp đồng liên kết hoặc theo thỏa thuận giữa Tổng công ty và doanh nghiệp đó.

g) “Công ty thành viên” là các đơn vị trực thuộc Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết, công ty tự nguyện liên kết của Tổng công ty.

h) “Người đại diện”: Là người của Tổng công ty được cử làm người đại diện phần vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty ở doanh nghiệp khác để trực tiếp thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn của Tổng công ty ở doanh nghiệp khác.

i) “Cổ phần chi phối, vốn góp chi phối của Tổng công ty” là cổ phần hoặc vốn góp của Tổng công ty chiếm trên 50% hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty có cổ phần hoặc vốn góp của Tổng công ty đủ để Tổng công ty có quyền chi phối đối với công ty đó.

k) “Đầu tư vốn ra ngoài Tổng công ty”: Là hoạt động dùng vốn bằng tiền, tài sản, hàng hóa, thương hiệu của Tổng công ty để đầu tư, góp vốn, liên doanh (theo các hình thức mà pháp luật không cấm) vào đơn vị khác hình thành hoặc không hình thành pháp nhân mới ngoài công ty mẹ.

l) “Đầu tư nội bộ Tổng công ty”: Là hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản trong nội bộ Tổng công ty.

[...]