Quyết định 60/QĐ-UBND năm 2010 về kế hoạch hành động thực hiện Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2015 do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 60/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/01/2010
Ngày có hiệu lực 13/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Võ Hùng Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 13 tháng 01 năm 2010

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2010-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL, ngày 16/10/2008 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc Ban hành Kế hoạch hành động Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 90/TTr-SVHTTDL, ngày 06/11/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010-2015 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 60/QĐ-UBND, ngày 13/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)

Bạo lực gia đình hiện là vấn đề mang tính toàn cầu, đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bạo lực gia đình đã vượt qua ranh giới văn hóa, đẳng cấp xã hội, trình độ học vấn, thu nhập và tuổi tác đã trực tiếp tác động đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ, người già, trẻ em. Bạo lực gia đình đã và đang trở thành nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, đến sự bền vững của hạnh phúc gia đình, là hành vi vi phạm đến quyền con người mà pháp luật và đạo lý xã hội lên án.

Xác định gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm của mỗi người; để phát huy những mặt tích cực trong đời sống gia đình, hướng đến xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, việc ngăn ngừa và loại trừ các hành vi bạo lực gia đình là yêu cầu mà mỗi thành viên trong gia đình và toàn xã hội quan tâm.

Căn cứ pháp lý:

Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg, ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam 2005-2010; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg, ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 110/2009/NĐ-CP, ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL, ngày 16/10/2008 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch hành động Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008-2015.

Thực trạng về tình hình bạo lực gia đình:

Tình trạng bạo lực gia đình ở Tây Ninh trong thời gian qua luôn được các Ngành, các cấp quan tâm chú trọng, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; song, tình trạng bạo lực gia đình không chấm dứt mà ở từng địa phương, bạo lực gia đình vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mức độ tính chất của từng vụ, từng hành vi phức tạp, đa dạng; nạn nhân bạo lực không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà nạn nhân của bạo lực có người già, trẻ em, thậm chí là nam giới;

Tính đến nay 10/9/2009, qua kết quả khảo sát thu thập số liệu gia đình, bạo lực gia đình tại 95/95 xã, phường, thị trấn trong tỉnh hiện có 3.493 trường hợp gia đình có hành vi BLGĐ. Trong đó nạn nhân BLGĐ: Phụ nữ: 2.808/3.493 trường hợp, chiếm tỷ lệ 80,38%; người già: 317/3.493 trường hợp, chiếm tỷ lệ 7,07%; trẻ em: 316/3.493 trường hợp chiếm, tỷ lệ 9,04%; nam giới: 52/3.493 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,48%. Hình thức BLGĐ phổ biến là hành vi bạo lực về thân thể: 2.210/3.493 vụ, chiếm tỷ lệ 63,26%, bạo lực về tinh thần: 1.030/3.493 vụ, chiếm tỷ lệ 26,12%; bạo lực về kinh tế: 216/3.493 vụ, chiếm tỷ lệ 6,18%; bạo lực về tình dục: 52/3.493 vụ, chiếm tỷ lệ 1,48%.

Qua số liệu báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh hai năm 2008-2009 (Tòa án địa phương) đã thụ lý 4.369 vụ, đã giải quyết ly hôn 4.108 vụ; trong đó có 154 vụ do bị đánh đập, ngược đãi; vợ, chồng, ngoại tình: 128 vụ, mâu thuẫn kinh tế: 54 vụ; rượu chè, ma túy: 08 vụ. Đặc biệt, đã có 08 bản án xử lý hình sự về bạo lực gia đình (BLGĐ) trong đó có 04 vụ chồng giết vợ.

Nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong gia đình, có nhiều nguyên nhân khác nhau: Xuất phát từ nhận thức không đầy đủ về bình đẳng giới trong gia đình, quan niệm “Chồng chúa, vợ tôi”, quan niệm “Thương cho roi, cho vọt” dạy con theo cách thức giáo dục phong kiến, dẫn đến hành vi coi thường nhân phẩm và tính mạng của trẻ em, mặc khác do hoàn cảnh kinh tế gia đình túng quẩn, khó khăn là áp lực nặng nề về mặt tâm lý, tình cảm dễ nảy sinh mâu thuẫn và dẫn đến BLGĐ; bên cạnh đó do tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống gia đình, cuộc sống vợ chồng thiếu thủy chung, tình trạng bệnh lý tinh thần … . Dù nguyên nhân nào đi nữa, hậu quả của bạo lực gia đình là ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển xã hội nói chung và mỗi thành viên trong gia đình nói riêng, khi bạo lực gia đình xảy ra phần lớn phụ nữ vẫn là người gánh chịu thiệt thòi nhất, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em và đời sống tinh thần của người già trong gia đình.

Tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian qua chưa được giải quyết, xử lý kịp thời do những nguyên nhân sau: Về nhận thức, thái độ của một số người dân, cán bộ quản lý nhà nước chưa thật sự quan tâm đến vấn đề BLGĐ, xem bạo lực gia đình là chuyện riêng mỗi gia đình; đây là những nguyên nhân làm cho hành vi bạo lực gia đình tồn tại, bất chấp mọi quy định của pháp luật về quyền bình đẳng, quyền bất khả xâm phạm về thân thể con người.

Phần lớn cán bộ trực tiếp làm công tác gia đình ở cơ sở chưa ổn định, chưa được trang bị phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hòa giải, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị BLGĐ cũng như người thực hiện hành vi bạo lực. Cán bộ y tế ở cơ sở chưa được tập huấn kiến thức về tư vấn, về kỹ năng sàng lọc, phát hiện nạn nhân bị bạo lực. Việc kiểm tra, cập nhật thông tin chưa kịp thời, thống kê về tình trạng bạo lực gia đình chưa trở thành một nhiệm vụ của một cơ quan, của một ngành cụ thể.

Trước thực trạng BLGĐ cùng với những khó khăn trong các mặt hoạt động nêu trên, nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đòi hỏi cần phải có một kế hoạch hành động tích cực, cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về Phòng, chống bạo lực gia đình.

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh hoạt động triển khai, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và những văn bản liên quan nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trong tỉnh.

[...]