Quyết định 467/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Kế hoạch hành động Phòng, Chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009- 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 467/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/03/2009
Ngày có hiệu lực 04/03/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 467/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 04 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIAĐÌNH GIAI ĐOẠN 2009- 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/5/2008 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Văn bản số 11/TTr-VHTTDL ngày 11/02/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động Phòng, Chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009- 2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2009 – 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 467/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Đặt vấn đề

Bạo lực gia đình đã và đang xảy ra ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp nhân dân bất kể sự khác nhau về giai cấp, về chủng tộc, tuổi tác, tôn giáo hay dân tộc. Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã trở thành nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại sức khỏe tinh thần của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và là sự vi phạm thô bạo quyền con người. Trên thế giới hiện nay, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị đánh, bị cưỡng ép tình dục hoặc bị hành hạ và đa số thủ phạm đều là người trong gia đình.

Ở Việt Nam, BLGĐ không còn là một chủ đề mới, trái lại trong những năm gần đây, bạo lực trong gia đình có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và sự bền vững của nhiều gia đình Việt Nam và gây những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, bạo lực trong gia đình đang là vấn đề bức xúc được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm giải quyết. Hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đã được các cơ quan, tổ chức xã hội và các gia đình hưởng ứng, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình đã và đang tiến hành nghiên cứu và thực hiện các giải pháp tích cực nhằm góp phần ngăn ngừa tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực trong gia đình thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa.

Nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng và thể chế hóa quan điểm bình đẳng trong gia đình. Ngày 21/11/2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2008. Điều này cho thấy BLGĐ không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội.

Căn cứ pháp lý

Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ):

Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao “chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về PCBLGĐ”. Nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống bạo lực gia đình của ngành được quy định như sau:

1. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ;

2. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ”.

Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình

[...]