UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 334/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
10 tháng 02 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC
GIA ĐÌNH TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số
02/2007/QH12, ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 4415/QĐ-BVHTTDL, ngày
16/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch
hành động phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
giai đoạn 2008 - 2015;
Xét Tờ trình số 17/TTr-SVHTTDL, ngày 04/02/2009
của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch
hành động phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2009 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phòng,
chống bạo lực gia đình của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2009 - 2015.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm
hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo đúng nội dung Kế hoạch nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá,
Thể thao và Du lịch, thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký./.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
PHÒNG,
CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 334/QĐ-UBND,ngày 10/02/2009 của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ THỰC TRẠNG
BẠO LỰC GIA ĐÌNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG:
Theo kết quả khảo sát năm 2006 của Uỷ ban các vấn đề
xã hội của Quốc hội tại 08 tỉnh, thành phố, hàng năm có 2,3% gia đình có các
hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% có hành vi bạo lực tinh thần và 30%
cặp vợ chồng có xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. Thực trạng các vụ
con, cháu ngược đãi ông bà, bố mẹ hoặc bố mẹ đối xử tàn tệ với con cái cũng là
vấn đề đáng quan tâm.
Cuộc điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 trên phạm
vi toàn quốc đã cho thấy rằng, chỉ tính riêng 3 hình thức bạo lực trong gia
đình là đánh, mắng chửi và ép quan hệ tình dục khi người vợ (chồng) không mong
muốn thì trong 12 tháng qua có 21,2% các gia đình xảy ra một trong ba hình thức
này.
Sự tồn tại của bạo lực gia đình trước hết xuất phát
từ mối quan hệ quyền lực không bình đẳng giữa người gây ra bạo lực và nạn nhân
của bạo lực. Quan niệm gia trưởng, "chồng chúa vợ tôi" là một trong
những nguyên nhân chính của các hành vi bạo lực gia đình. Cách thức giáo dục
con cái kiểu cũ, bắt con cái luôn phải tuân thủ ý kiến cha mẹ hay quan niệm
"thương cho roi cho vọt" cũng đã dẫn đến nhiều hành vi coi thường
nhân phẩm và tính mạng của trẻ em.
Bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra những hậu quả trực
tiếp về chi phí chăm sóc và phục hồi sức khoẻ nạn nhân. Ngoài ra cũng dẫn tới
nhiều chi phí gián tiếp khác về kinh tế - xã hội như tăng tình trạng bệnh tật
và tự tử, mất khả năng tham gia sản xuất.
Trong thời gian qua, các địa phương đã có nhiều biện
pháp tích cực phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên hoạt động can thiệp ở một
số địa phương chưa có hiệu quả cao. Chẳng hạn, hoạt động hoà giải chủ yếu chỉ
tiến hành đối với những trường hợp bạo lực về thể chất đã rõ ràng. Sự can thiệp
của cơ quan hành pháp còn bị động và chậm. Việc phối hợp hoạt động ở một số địa
phương còn chưa tốt, kế hoạch không cụ thể và không có sự phân công rõ ràng.
Về nhận thức, nhiều cán bộ còn coi bạo lực gia đình
là chuyện riêng của từng gia đình. Về kỹ năng, phần lớn chưa được trang bị
phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hoà giải, tư vấn và trợ
giúp nạn nhân cũng như người thực hiện hành vi bạo lực. Nhiều cán bộ y tế cơ sở
chưa được tập huấn kỹ năng sàng lọc, phát hiện nạn nhân bạo lực. Việc kiểm tra,
cập nhật thông tin còn yếu. Thống kê về bạo lực gia đình chưa trở thành một nhiệm
vụ của một cơ quan cụ thể, gây khó khăn cho việc xây dựng chương trình hành động
phòng chống bạo lực gia đình ở các cấp. Đặc biệt, hiện nay còn thiếu những dữ
liệu cơ bản làm cơ sở để đánh giá việc can thiệp chống bạo lực gia đình cũng
như giám sát các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).
Thực trạng BLGĐ nghiêm trọng cùng với những khó
khăn trong các mặt công tác nêu trên đòi hỏi phải có một kế hoạch hành động
tích cực và cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về PCBLGĐ nhằm ngăn ngừa và giảm
thiểu tình trạng BLGĐ hiện nay.
II. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm
vụ quản lý nhà nước về PCBLGĐ; xây dựng một cơ chế tổ chức, triển khai có hiệu
quả Luật PCBLGĐ nhằm góp phần giảm bạo lực gia đình.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành văn
hoá, thể thao và du lịch về PCBLGĐ:
- 80% đến 100% cán bộ ngành văn hoá, thể thao và du
lịch phụ trách công tác gia đình được tập huấn công tác quản lý nhà nước về
PCBLGĐ hàng năm.
- 50% cán bộ làm công tác gia đình được tập huấn về
tư vấn PCBLGĐ có hiệu quả.
b) Thiết lập và vận hành cơ chế PCBLGĐ và trợ giúp
nạn nhân bạo lực gia đình có hiệu quả.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban,
ngành đoàn thể và vận hành có hiệu quả.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê về BLGĐ theo hướng
dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
- Đến năm 2015, tỉnh có một cơ sở tư vấn về PCBLGĐ
và một cơ sở hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình.
- Đến năm 2015, có 30% số xã thiết lập mạng lưới địa
chỉ tin cậy.
III. GIẢI PHÁP:
1. Giải pháp 1: Tổ chức triển khai các văn bản
quy phạm pháp luật về PCBLGĐ.
Tiếp tục tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật
về phòng chống bạo lực gia đình bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng, các buổi toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh
hoạt câu lạc bộ, hội thi, hội diễn…
2. Giải pháp 2: Tuyên truyền vận động nâng
cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về PCBLGĐ.
Tổ chức chiến lược truyền thông chuyển đổi hành vi
về PCBLGĐ để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của người dân, cán bộ lãnh đạo
các cấp về BLGĐ và pháp luật của Nhà nước về phòng chống và xử lý bạo lực gia
đình, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Chiến lược truyền thông gồm những nội dung sau:
a) Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phối hợp với
các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan đến
pháp luật, chính sách của Nhà nước về PCBLGĐ.
b) Tổ chức các chiến dịch truyền thông PCBLGĐ nhân
các sự kiện như: ngày Gia đình Việt Nam ngày 28/6, ngày Quốc tế về xoá bỏ bạo lực
chống lại phụ nữ ngày 25/11.
c) Xây dựng, phát hình, phát thanh các chương
trình, các chuyên mục về PCBLGĐ (toạ đàm, phim tài liệu, phóng sự,…).
d) Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ như:
Thông tin lưu động, tủ sách lưu động, in ấn cấp phát tài liệu, tổ chức các cuộc
thi về sản phẩm truyền thông xuất sắc, các tiểu phẩm về PCBLGĐ, triển lãm tranh
ảnh, tranh cổ động… nhằm chuyển tải thông điệp PCBLGĐ đến đông đảo người dân.
e) Đưa các nội dung PCBLGĐ vào các buổi sinh hoạt
câu lạc bộ gia đình trẻ, gia đình không sinh con thứ ba, câu lạc bộ gia đình
phát triển bền vững,…
3. Giải pháp 3: Nâng cao năng lực cho cán bộ
ngành văn hoá, thể thao và du lịch về PCBLGĐ.
a) Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở
Tư pháp biên soạn tài liệu tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng
giới.
b) Tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ phụ trách
công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở.
Nội dung tập huấn: Kiến thức cơ bản về bạo lực gia
đình và bình đẳng giới; quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về
phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng hoà giải, tư vấn về gia đình, phòng chống
BLGĐ; kỹ năng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình về pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức
khoẻ, tự vệ; kỹ năng quản lý, giám sát các hoạt động PCBLGĐ.
4. Giải pháp 4: Xây dựng cơ sở dữ liệu liên
quan đến nội dung PCBLGĐ:
a) Xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về BLGĐ:
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch,
ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về
BLGĐ qua các chỉ báo như sau: Gia đình có nguy cơ cao về bạo lực gia đình, số nạn
nhân được phát hiện và trợ giúp, số vụ bạo lực gia đình và người gây bạo lực được
xử lý đúng pháp luật, số người gây bạo lực được tư vấn giáo dục (có tiến bộ,
chưa có chuyển biến), số cán bộ được tập huấn về PCBLGĐ, ngân sách của địa
phương chi cho PCBLGĐ.
- Việc thống kê ở các cơ sở sẽ do cán bộ ngành văn
hoá, thể thao và du lịch thực hiện trên cơ sở phối hợp với cán bộ tư pháp và
công an địa phương. Thời gian tiến hành: Tháng 01/2010.
- Cung cấp trang thiết bị cần thiết cho cán bộ ở địa
phương phụ trách công tác thu thập, lưu trữ số liệu PCBLGĐ. Ít nhất mỗi huyện
có một máy vi tính lưu trữ thông tin. Kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương
triển khai thi hành PCBLGĐ. Thời gian tiến hành từ cuối năm 2010.
b) Hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin:
- Xây dựng bộ biểu mẫu báo cáo thường xuyên (theo mẫu
của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về thực trạng gia đình.
- Thời gian thực hiện: Cuối năm 2009.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ trong ngành văn hoá,
thể thao và du lịch về chương trình nhập dữ liệu PCBLGĐ, đảm bảo 80% đến 100%
cán bộ phụ trách công tác PCBLGĐ được tập huấn.
- Thời gian thực hiện: Đầu năm 2010.
5. Giải pháp 5: Củng cố và xây dựng mạng lưới
trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình.
a) Xây dựng các mô hình PCBLGĐ tại cơ sở:
Chia làm 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 (năm 2009): Tiếp tục triển khai mô
hình PCBLGĐ tại xã Long Mỹ, huyện Mang Thít.
+ Giai đoạn 2 (năm 2010 - 2012): Mở rộng mô hình tại
huyện Long Hồ và thị xã Vĩnh Long; mỗi huyện, thị này chọn một xã triển khai mô
hình.
+ Giai đoạn 3 (năm 2013 - 2015): Mở rộng mô hình ra
50% số huyện, thị và 30% số xã trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng cơ sở tư vấn về PCBLGĐ và cơ sở hỗ trợ
nạn nhân bạo lực gia đình (chờ thông tư hướng dẫn).
c) Xây dựng mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng:
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo phát
triển mạng lưới hỗ trợ nạn nhân: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; xây dựng cam kết
giữa các thành viên trong mạng lưới PCBLGĐ với chính quyền địa phương về hỗ trợ
BLGĐ. Đến năm 2015, có 30% số xã trong toàn tỉnh có mạng lưới địa chỉ tin cậy.
Hình thành đường dây nóng, báo nhanh, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo
lực gia đình. Đến năm 2015, có 30% số xã có đường dây nóng.
6. Giải pháp 6: Xây dựng, lồng ghép nội dung
PCBLGĐ và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá.
- Tiếp tục triển khai xây dựng nội dung gia đình
văn hoá với các tiêu chí: Ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu hiếu thảo; vợ chồng
chung thuỷ, bình đẳng; gia đình hoà thuận, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn
nhau; nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; đoàn kết xóm giềng.
- Xây dựng ấp (khóm) văn hoá, xã (phường) văn hoá với
các tiêu chí không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội; giải quyết tốt
những mối bất hoà trong các gia đình.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thành lập Ban Chỉ đạo: Cấp tỉnh, huyện,
xã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009 - 2015 với
thành phần cơ cấu như sau:
Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân là trưởng ban; lãnh đạo
ngành văn hoá, thể thao và du lịch là phó ban trực; lãnh đạo công an làm phó
ban; các thành viên gồm đại diện các ngành và đoàn thể: Tư pháp, y tế, giáo dục
đào tạo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh.
2. Nhiệm vụ của các ngành:
- Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm
triển khai kế hoạch, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo hướng dẫn thực hiện
Kế hoạch này, xây dựng các mô hình theo hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và
Du lịch.
- Sở Tài chính căn cứ kế hoạch, bố trí đảm bảo ngân
sách để thực hiện các mục tiêu, hoạt động theo kế hoạch.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Long, Đài
Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công
tác tuyên truyền về phòng chống BLGĐ và bình đẳng giới. Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh xây dựng chuyên mục định kỳ về phòng chống bạo lực gia đình.
- Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Công an tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với ngành văn hoá, thể
thao và du lịch tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
3. Kinh phí hoạt động:
Hàng năm, Ban Chỉ đạo từng cấp do ngành văn hoá, thể
thao và du lịch chủ trì, lập kế hoạch kinh phí cho từng năm trình tài chính
cùng cấp phê duyệt.
4. Kiểm tra giám sát:
- Định kỳ 3 tháng 1 lần, Ban Chỉ đạo PCBLGĐ cấp xã
tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình trên địa bàn và báo cáo với
Phòng Văn hoá - Thông tin.
- Định kỳ 06 tháng 1 lần, Phòng Văn hoá - Thông tin
tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình và báo cáo về Sở Văn hoá, Thể
thao và Du lịch, sở báo cáo về Bộ.
- Định kỳ 01 năm 1 lần, Bộ tiến hành kiểm tra giám
sát hoạt động PCBLGĐ tại các địa bàn.
5. Lộ trình thực hiện:
a) Giai đoạn 1 (năm 2009 - 2010):
- Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Sở Tư pháp phối hợp tổ chức thi tìm hiểu Luật
PCBLGĐ.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tham gia công
tác PCBLGĐ:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ.
- Triển khai mô hình tại 03 xã điểm.
b) Giai đoạn 2 (năm 2011 - 2015): Tập trung vào các
hoạt động sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
- Nhân rộng mô hình ra 30% số xã trong toàn tỉnh.
- Thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, cơ sở tư vấn
PCBLGĐ và mạng lưới địa chỉ tin cậy.
- Duy trì việc thu thập dữ liệu về PCBLGĐ.
- Xây dựng mạng lưới PCBLGĐ.
Trên đây là Kế hoạch hành động PCBLGĐ của tỉnh Vĩnh
Long giai đoạn 2009 - 2015. Giao Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tổ chức triển
khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ
Văn hoá, Thể Thao và Du lịch theo quy định./.