Quyết định 590/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030

Số hiệu 590/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/03/2018
Ngày có hiệu lực 23/03/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Lữ Quang Ngời
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 590/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 23 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2018-2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 2684/QĐ-UBND, ngày 02/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 12/TTr-SNN&PTNT, ngày 27/02/2018 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030.

(Kèm theo Đề án số 01/ĐA-SNN&PTNT ngày 27/02/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Đề án nêu trên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lữ Quang Ngời

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ NÔNG NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/ĐA-SNN&PTNT

Vĩnh Long, ngày 27 tháng 02 năm 2018

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC TỈNH VĨNH LONG, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030

I. THỰC TRẠNG VỀ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

Theo Cục Sở hữu Công nghiệp, số lượng nhãn hiệu hàng hoá mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây, với gần 10.000 nhãn. Tổng số các nhãn hiệu của hàng hoá Việt Nam được bảo hộ trong nước hiện nay khoảng 20.000 trong tổng số gần 100.000 nhãn hiệu (kể cả các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài) đã được bảo hộ. Việt Nam đang có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng, trong đó đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản. Nhiều thương hiệu nông sản như: Quýt Hồng Lai Vung, Thanh Long Bình Thuận, gạo thơm Sóc Trăng, hành tím Vĩnh Châu, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, bưởi Năm Roi Vĩnh Long… đã được xây dựng và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Riêng tỉnh Vĩnh Long đã có 919 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (trong đó có 810 nhãn hiệu, 17 nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề, 100 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế và 7 giải pháp hữu ích trong các ngành nghề khác. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã có: 01 chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh, các nhãn hiệu tập thể cam Sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, bưởi Da Xanh Vũng Liêm, hành lá Tân Bình, chôm chôm Cù lao Long Hồ, nhãn Long Hồ…

1. Một số thành tựu trong xây dựng thương hiệu nông sản Vĩnh Long

Vĩnh Long có diện tích tự nhiên 152.018 ha (bằng 0,4% diện tích cả nước và chiếm 3,8% diện tích của ĐBSCL). Đất nông nghiệp 119.056 ha, chiếm 78,32% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất lúa 70.939 ha, đất màu 1.477 ha, đất cây lâu năm 45.640 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 949 ha, còn lại là đất trồng cỏ và đất nông nghiệp khác. Vĩnh Long có khí hậu ôn hoà, đất đai phì nhiêu, nước ngọt gần như quanh năm, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là cây lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và thuỷ sản. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích tăng từ 101,39 triệu đồng/ha (2010) lên 159,11 triệu đồng/ha (năm 2016).

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực như sản xuất lúa gạo, khoai lang, hành lá, cải xà lách xoong, bưởi Năm Roi, cam Sành, cá tra, chăn nuôi heo, gà, vịt… Phần lớn đã hình thành được vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao và chất lượng tốt, đảm bảo số lượng đủ lớn để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản qua việc hỗ trợ, đầu tư kinh phí tham gia các hoạt động, xây dựng mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truyền thông thương hiệu nông sản, xây dựng phim quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm nông nghiệp, hội thảo liên kết tiêu thụ, hoạt động thông tin thị trường nông sản, xây dựng chuỗi cung ứng... Đến nay, nhiều thương hiệu nông sản tỉnh Vĩnh Long không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước mà đã từng bước vươn ra thế giới, tạo uy tín và động lực cho các doanh nghiệp Vĩnh Long phát triển giao thương, đầu tư vào công nghệ để đẩy mạnh phân phối. Thời gian gần đây Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tiến hành phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp qua các hình thức:

- Tham gia chương trình khảo sát và bình chọn thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng ĐBSCL cho sản phẩm “Xà lách xoong Thuận An” và “Khoai lang Bình Tân”, “Bưởi Năm Roi Bình Minh”, “Bánh tráng cù lao Mây”, “Rau ăn lá Phước Hậu” vào vị trí top 100 các thương hiệu nổi tiếng vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015.

[...]