Quyết định 57/2001/QĐ-BNN Quy định quản lý Biên chế - Quỹ tiền lương và báo cáo thống kê cán bộ công chức hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 57/2001/QĐ-BNN
Ngày ban hành 23/05/2001
Ngày có hiệu lực 07/06/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Đẳng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 57/2001/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ BIÊN CHẾ - QUỸ TIỀN LƯƠNG VÀ BÁO CÁO THỐNG KÊ CÁN BỘ CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên Bộ số 31/TT-LB ngày 6/2/1995 của liên Bộ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ-Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện chế độ Quản lý thống nhất về biên chế và tiền lương thuộc khu vực Ngân sách Nhà nước cấp;
Căn cứ Quyết định 28/2000/QĐ-TCCBCP ngày10/4/2000 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ V/V ban hành chế độ báo cáo thống kê cán bộ công chức và quỹ tiền lương Hành chính sự nghiệp áp dụng đối với các Bộ;
Xét tình hình thực tế và đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành Quy định về quản lý Biên chế - Quỹ tiền lương và báo cáo thống kê cán bộ công chức hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(Như bản kèm theo).

Điều 2.- Giao cho Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, tổ chức thực hiện những quy định trên từ ngày ban hành.

Giao Vụ Tổ chức cán bộ, phối hợp cùng Vụ Tài chính kế toán đôn đốc các cơ quan đơn vị HCSN thuộc Bộ thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Điều 3.- Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
 THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Văn Đẳng

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ - QUỸ TIỀN LƯƠNG VÀ BÁO CÁO THỐNG KÊ CÁN BỘ CÔNG CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP &PTNT
(Kèm theo Quyết định số: 57 /2001/QĐ-BNN-TCCB ngày 23 /5/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)


Chương 1:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BIÊN CHẾ QUỸ TIỀN LƯƠNG.

Điều 1. Yêu cầu về công tác kế hoạch BCQL.

- Kế hoạch biên chế - quỹ tiền lương hành chính sự nghiệp (BCQL) phải căn cứ vào chủ trương đường lối của Đảng Chính phủ về xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trong phạm vi cả nước và của Ngành; phải gắn với chương trình cải cách hành chính, xác định rõ chức năng nhiệm vụ, xây dựng chức danh tiêu chuẩn, phân công cho từng công chức, từng cơ sở cụ thể.

- Bảo đảm tính khoa học trong việc tính nhu cầu BCQL.

- Kế hoạch BCQL được xây dựng từ cơ sở, đầy đủ nội dung, bảng biểu, đúng thời gian và đủ tính pháp lý theo quy định.

Điều 2. Nội dung Bản kế hoạch BCQL hàng năm gồm 3 phần:

a/Tự đánh giá việc quản lý đội ngũ công chức hàng năm.

Căn cứ vào các nhiệm vụ chính và phương hướng tới của đơn vị để xem xét đánh giá đội ngũ công chức hiện tại về số lượng và chất lượng theo loại ABCD: những điểm mạnh, những điểm yếu, những điểm tồn tại. So sánh với năm trước, đội ngũ công chức năm nay có những thay đổi gì về số lượng, chất lượng, hiệu quả công tác.

b/ Công tác quản lý công chức:

Kiểm điểm lại việc thực hiện các quy chế: Thi tuyển; đánh giá nhận xét; điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm; thực hiện chính sách (nâng bậc, khen thưởng, kỷ luật, hưu trí, bảo hiểm xã hội...); quản lý bổ sung hồ sơ; thống kê báo cáo đội ngũ công chức theo Quyết định 28/2000/QĐ/TCCBCP ngày 10/4/2000 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ về Ban hành chế độ báo cáo thống kê cán bộ công chức và quỹ tiền lương hành chính sự nghiệp đối với các Bộ (trong văn bản gọi tắt là Quyết định 28; hành chính sự nghiệp gọi tắt là HCSN).

- Thực hiện: phân cấp quản lý, công tác tạo nguồn (cử đi đào tạo, bồi dưỡng...), phân công nhiệm vụ; quy chế dân chủ ở cơ quan.

-Những tồn tại cần khắc phục để phát huy nănglực của đội ngũ công chức.

c/Kế hoạch biên chế-quỹ tiền lương theo Thông tư Liên Bộ số 31.

[...]