Quyết định 55/QĐ-BTC năm 2013 phê duyệt đề án "Chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2013-2020 và định hướng đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 55/QĐ-BTC
Ngày ban hành 09/01/2013
Ngày có hiệu lực 09/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN HỌC VIỆN TÀI CHÍNH GIAI ĐOẠN 2013 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Học viện Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Học viện Tài chính giai đoạn 2013-2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. MỤC TIÊU

- Tiếp tục xây dựng Học viện Tài chính trở thành cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước và có uy tín trong khu vực về lĩnh vực tài chính, kế toán, kinh tế, ngân hàng, bảo hiểm; thực hiện tốt sứ mệnh “cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học về tài chính kế toán chất lượng cao cho xã hội”.

- Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý, năng động; đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; đồng thời đáp ứng yêu cầu đặt ra của chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2013-2020 và định hướng đến năm 2030.

- Ổn định quy mô và đổi mới cơ cấu đào tạo hợp lý; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và hiện đại hóa công nghệ thông tin; mở rộng hoạt động liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước.

- Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế đáp ứng nhu cầu của xã hội; tranh thủ các nguồn lực để tăng cường trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo của Học viện; đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống cán bộ, viên chức.

- Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý, ứng dụng thực tế và các hoạt động khác của Học viện.

2. NỘI DUNG

2.1. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức

- Giai đoạn 2013 - 2015: củng cố và kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng phân rõ chức năng, nhiệm vụ nhằm đạt hiệu quả trong hoạt động, đồng thời chuẩn bị điều kiện để thành lập một số doanh nghiệp thuộc Học viện.

- Giai đoạn 2016 - 2020: đổi mới tổ chức bộ máy của Học viện theo mô hình các ban, khoa, các viện đào tạo, viện nghiên cứu, các trung tâm dịch vụ và doanh nghiệp (phát triển một số Viện đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng là cầu nối giữa đào tạo với thực tiễn); xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và cán bộ khoa học đầu ngành; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức.

- Đến năm 2020: tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sỹ là 50%, tỷ lệ giảng viên có học hàm Giáo sư là 2%, Phó giáo sư là 8%; tỷ lệ giảng viên và nghiên cứu viên trên tổng số cán bộ, viên chức đạt trên 80%. Đến năm 2030 có 30% giảng viên có thể giảng bằng tiếng Anh.

- Giai đoạn 2021 - 2030: xây dựng tổ chức bộ máy của Học viện theo mô hình mỗi khoa là một trường đại học đào tạo chuyên ngành; mỗi đơn vị thuộc Học viện trở thành một đơn vị sự nghiệp thành viên vừa độc lập, vừa có tính liên kết chặt chẽ trong Học viện.

2.2. Quy mô, loại hình đào tạo

- Ổn định quy mô (25.000 sinh viên như hiện nay), đổi mới cơ cấu đào tạo, duy trì đào tạo 2 cấp học (đại học và sau đại học).

- Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo: chính quy tập trung, vừa làm vừa học, đại học bằng hai, liên thông đại học và liên kết đào tạo với nước ngoài theo hướng giảm dần tỷ lệ đào tạo hệ vừa làm vừa học và tăng tỷ lệ đào tạo sau đại học.

- Thực hiện định hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo những chuyên ngành Học viện có thế mạnh; tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội và liên kết đào tạo; mở rộng đào tạo các ngành, chuyên ngành mới phù hợp với nhu cầu xã hội; từng bước gắn kết hơn nữa giữa đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học với thực tiễn.

- Chương trình và quy trình đào tạo được điều chỉnh theo hướng lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo; đón đầu các nhu cầu về phát triển ngành, chuyên ngành mới trong tương lai để đào tạo.

2.3. Hoạt động đào tạo

- Đổi mới phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình đào tạo:

+ Rà soát nội dung, chương trình đào tạo nhằm kịp thời cập nhật kiến thức mới, điều chỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo; áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến;

+ Nghiên cứu tính liên quan giữa các ngành, chuyên ngành đào tạo để rút ngắn thời gian đào tạo đối với người học có nhu cầu được đào tạo nhiều ngành, chuyên ngành;

[...]