Quyết định 547/QĐ-UBND Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Số hiệu 547/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/03/2024
Ngày có hiệu lực 06/03/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Mai Hùng Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 547/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 06 tháng 3 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 16 tháng 9 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Tờ trình số 415/TTr-PCTT ngày 29 tháng 02 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với Sở, Ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo QG về PCTT;
- Cục Quản lý Đê điều và PCTT;
- TT.TU, HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP (Tn, Th), Thi, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, Kế hoạch Phòng, chống thiên tai đến năm 2025, Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Chủ động trong công tác phòng, chống; ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Yêu cầu

a) Công tác phòng, chống thiên tai phải được tiến hành chủ động và thường xuyên, ứng phó kịp thời đối với mọi loại hình thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

b) Nâng cao năng lực, thực hiện tốt công tác chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, huy động lực lượng, điều hành tại chỗ để ứng phó, xử lý với mọi tình huống thiên tai trong công tác phòng, chống thiên tai của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

c) Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

[...]