Kế hoạch 99/KH-UBND phòng, chống thiên tai năm 2024 tỉnh Lào Cai

Số hiệu 99/KH-UBND
Ngày ban hành 06/02/2024
Ngày có hiệu lực 06/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Lào Cai, ngày 06 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2024 TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể, Phòng, chống thiên tai quốc gia; Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 24/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025,

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả; UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2024 tỉnh Lào Cai” làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, DÂN SINH, KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Đặc điểm tự nhiên: Tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 636.425 ha, với vị trí địa lý nằm ở vùng miền núi phía Tây Bắc, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt; 245 km theo đường QL 70; 265 km theo đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang; phía Tây giáp tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182,086 km đường Biên giới.

2. Địa hình: Tỉnh Lào Cai có địa hình rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Địa hình đặc trưng chủ yếu là núi cao, đồi dốc, khe sâu; những vùng đất có độ dốc trên 25° chiếm 80% diện tích đất của toàn tỉnh. Địa hình được chia thành 2 vùng; chịu tác động của khí hậu thời tiết, thiên tai khác nhau, gồm:

- Vùng đồi núi cao: Thị xã: Sa Pa; các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương và một số xã vùng cao của huyện Bát Xát, Văn bản thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai như: Dông lốc, lũ ống, lũ quét, mưa đá, mưa lớn, sạt lở đất, rét hại,...

- Vùng thấp gồm các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai và các xã vùng thấp của huyện Văn bản, Bát Xát thường bị ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, mưa lớn,...

3. Sông, suối: Lào Cai có hệ thống sông, suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh, trong đó có ba con sông lớn là sông Hồng, sông Chảy và sông Nậm Thi có độ dốc cao, hàm lượng phù sa lớn.

- Sông Hồng: Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát; chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước; đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam, trong đó chảy qua tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 120 km; mực nước cao nhất 7.915 cm, thấp nhất 7.562 cm; lưu lượng nước cao nhất 1.860 m3/s, thấp nhất 115 m3/s.

- Sông Chảy: Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên. Độ dài sông Chảy đi qua tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 124 km; mực nước cao nhất 7.901 cm, thấp nhất 7.529 cm; lưu lượng nước cao nhất 569 m3/s, thấp nhất 3 m3/s.

- Sông Nậm Thi: Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai. Độ dài sông Nậm Thi đi qua tỉnh Lào Cai khoảng 122 km, mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ, ngập lụt khu vực ven sông các huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.

- Suối: Ngoài ba con sông chính, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn có trên 107 dòng suối lớn, nhỏ như suối Ngòi Bo, suối Ngòi Nhù, Suối Minh Lương,... về mùa mưa có thể gây sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét… gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

4. Đặc điểm dân số, lao động, tỷ lệ hộ nghèo (Theo niên giám thống kê tỉnh năm 2022)

a) Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2022: 770.589 người (Nam 392.999 người, chiếm 51%; Nữ 377.590 người, chiếm 49%). Mật độ dân số bình quân 121,09 người/km2.

b) Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: Tổng số: 396.165 người (Nam 214.134 người, chiếm 54,05%; Nữ 182.031 người, chiếm 49,95%).

c) Tỷ lệ hộ nghèo 19,37%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 95,5%; thành thị 100%.

5. Đặc điểm cơ sở hạ tầng

a) Viễn thông: Số thuê bao điện thoại 668.365 (Di động 660.158; cố định 8.207), đạt: 100,8% so với năm 2021. Số thuê bao Internet 558.296 (Di động 486.968; cố định 101.328), đạt 102% so với năm 2021.

b) Giáo dục: 598 trường học, trong đó 197 trường mầm non, 182 trường tiểu học, 144 trường Trung học cơ sở, 27 trường trung học phổ thông, 43 trường phổ thông cơ sở, 9 trường trung cơ sở liên cấp học với 57.614 học sinh mầm non; 169.758 học sinh phổ thông và cao đẳng.

c) Y tế: Cơ sở y tế khám, chữa bệnh 365 cơ sở, trong đó 14 bệnh viện và 01 bệnh viện phục hồi chức năng và điều dưỡng, 18 phòng khám đa khoa khu vực, 152 trạm y tế cấp xã, 180 cơ sở y tế khác với 3.420 giường bệnh. Nhân lực ngành y 5.012 người, trong đó 4.175 người làm việc trong ngành y tế, 837 người làm việc trong ngành Dược, số Bác sỹ bình quân trên 1 vạn dân 13,03 người năm 2022 tăng lên 0,34 người so với năm 2021.

d) Hệ thống đường giao thông: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 11.867 km, trong đó đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai dài 72 km; 05 Quốc lộ qua địa phận tỉnh Lào Cai dài 546 km; 16 tuyến đường tỉnh dài 821 km; 770 km đường huyện; 9.000 km đường xã, đường giao thông nông thôn khác; 440 km đường đô thị; 14,5 km đường chuyên dùng; 203 đường tuần tra biên giới.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ