Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 538/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 538/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/08/2024
Ngày có hiệu lực 26/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Y Ngọc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 538/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG CÁC LOẠI HÌNH, SẢN PHẨM DU LỊCH TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2023 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045; Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2016 phê duyệt “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14 tháng 7 năm 2023 về việc ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT- BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Chương trình số 35-CTr/TU ngày 18 tháng 5 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch[1].

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có giá trị cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Kon Tum trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm.

- Phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính đặc trưng các sản phẩm du lịch của tỉnh Kon Tum.

- Sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững. Bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

2. Mục tiêu phát triển

a) Đến năm 2025:

- Tập trung hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và có tính hệ thống; định vị rõ nét hình ảnh các dòng sản phẩm du lịch của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, và du lịch văn hóa - lịch sử.

- Tập trung đầu tư phát triển Khu Du lịch Măng Đen và Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tạo điểm nhấn quan trọng, làm nền tảng phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh.

b) Đến năm 2030:

- Tập trung xác định hệ thống các loại hình, sản phẩm du lịch chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua sự khác biệt và chất lượng dịch vụ; hoàn thiện và phát triển bền vững 5 sản phẩm du lịch chính trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đã hình thành từ giai đoạn 2011-2020, gồm: (1) Du lịch sinh thái; (2) Du lịch văn hóa - lịch sử; (3) Du lịch nghỉ dưỡng; (4) Du lịch cộng đồng (Trải nghiệm hòa vào cuộc sống người bản địa); (5) Du lịch chuyên đề (Thể thao; hội thảo, hội nghị, ẩm thực, teambuilding… và phát triển một số sản phẩm du lịch mới) với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp.

- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

3. Nhiệm vụ chủ yếu

a) Tổ chức lại không gian phát triển du lịch

- Khu vực 1: Thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối huyện Đăk Hà, Kon Rẫy và các huyện, thành phố của tỉnh.

Sản phẩm gồm: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, trải nghiệm, di tích lịch sử, tham quan lòng hồ, Du lịch Mice.

[...]