Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 203/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Số hiệu 203/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2024
Ngày có hiệu lực 12/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Huỳnh Minh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 12 tháng 06 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2024

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG THÁP NĂM 2023

Sau hơn 01 năm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ và gần 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh trong điều kiện bình thường mới (Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 31/3/2022), với quyết tâm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, Tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Năm 2023, du lịch Đồng Tháp đã phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực: đón và phục vụ trên 4 triệu lượt khách đạt 106,16% kế hoạch (tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu du lịch 1.925 tỷ đồng đạt 106,94% kế hoạch (tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu du lịch tăng gấp 1,8 lần so với năm 2019 - năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid - 19); tiếp tục giữ vững vị trí

Top 4 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về lượt khách đến; có thêm 04 điểm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp và có thêm 02 điểm được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận Điểm Du lịch đạt theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017 (tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 72 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động; trong đó, có 50 điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch).

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỒNG THÁP NĂM 2024

1. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 15/02/2022 về thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh và Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến 2030.

- Tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Đưa Du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, tái định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Phát triển thêm 01 Điểm du lịch cấp tỉnh được Uỷ ban nhân dân Tỉnh công nhận Điểm Du lịch đạt theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017.

- Phấn đấu năm 2024 du lịch Đồng Tháp thu hút 4.200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; trong đó, có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng.

2. Các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm

2.1. Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

- Tiếp tục tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, mang tính tổng hợp, tính liên ngành, tính liên vùng và tính xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.

- Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và nhân văn[1] tích cực tham gia đầu tư phát triển du lịch, có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch.

2.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch

- Tiếp tục triển khai Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức/cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch.

- Nghiên cứu phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, kết nối tour tuyến nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng.

- Triển khai các tiêu chuẩn quốc gia về du lịch và các dịch vụ có liên quan; Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới; Đề án phát triển du lịch; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

- Khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch bền vững.

2.3. Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

- Tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu di tích, điểm du lịch. Khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Mekong; phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân và khu vệ sinh công cộng trên các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch.

- Kêu gọi đầu tư xây dựng ba bến tàu khách du lịch tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự để khai thác loại hình du lịch đường sông.

- Kêu gọi đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm phù hợp tại các khu di tích, điểm du lịch trọng điểm. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ mới, thân thiện với môi trường, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới, nâng dần giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch Tỉnh.

- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

2.4. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng và kết nối tour tuyến du lịch

- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.

- Phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng - Nhà cổ) kết hợp Lễ hội; du lịch ẩm thực Sen - sự kiện Văn hoá - Thể thao kết hợp mua sắm; du lịch chính quyền, du lịch số; du lịch chăm sóc sức khỏe...

[...]