Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 53/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010

Số hiệu 53/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/08/2006
Ngày có hiệu lực 24/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2006/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 14 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN Ở TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg, ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 615 /TTr-SYT ngày 21/7/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2006- 2010.
( Ban hành kèm theo quyết định số 53 /2006/QĐ-UBND ngày 14 /8/2006 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Thực hiện Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) giai đoạn 2001 - 2010”. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền các cấp, Chiến lược CSSKSS đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ CSSKSS ở các cấp được củng cố và tăng cường: tuyến tỉnh đã thành lập Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản; các khoa ngoại sản của bệnh viện đa khoa cấp huyện được củng cố, tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị; 100% các trạm y tế xã, phường đều có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi, có phòng khám phụ khoa, buồng đẻ, buồng làm thủ thuật KHHGĐ.

Công tác truyền thông giáo dục về CSSKSS được tăng cường, hàng năm tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông, phối hợp với cung cấp dịch vụ CSSKSS. Công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục về CSSKSS được làm thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú, do đó đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân.

Cuộc vận động thực hiện KHHGĐ đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương; các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng được đa dạng hoá và triển khai thuận lợi ở các cơ sở y tế. Các chỉ tiêu về dịch vụ KHHGĐ trong 5 năm qua đạt tỷ lệ cao và giữ ở mức ổn định, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt 78%; tổng tỷ suất sinh đạt 2,22 con/cặp vợ chồng.

Dịch vụ chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh đẻ được quan tâm, đã thực hiện quản lý thai sản tại 100% trạm y tế xã, phường, số lần khám thai trung bình trên 1 thai kỳ tăng từ 1,65 lên 2,85 lần; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vác xin phòng Uốn ván đủ liều (AT2+) tăng từ 96,5 lên 99,4%; tỷ suất chết mẹ giảm từ 98/100.000 trẻ đẻ ra sống xuống còn 82/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 28,5/%o còn 19,5%o; tỷ lệ mắc Uốn ván sơ sinh trên tổng số trẻ đẻ ra sống giảm từ 0,26%o xuống còn 0,08%o; tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 97%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 36% xuống còn 28,1%.

Công tác dự phòng lây nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản được các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện và có chuyển biến rõ rệt, mỗi năm có trên 200.000 lượt phụ nữ được khám bệnh phụ khoa và hàng chục nghìn lượt người được điều trị, tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa ở số phụ nữ được khám so với năm 2001 giảm từ 46,9% xuống 40%. Công tác phát hiện và điều trị bệnh Ung thư đường sinh sản có tiến bộ, nhất là Ung thư vú, Ung thư cổ tử cung ở phụ nữ cao tuổi.

Công tác CSSKSS vị thanh niên đã được các ngành, các cấp quan tâm và tham gia giáo dục giới tính, tình dục lành mạnh, an toàn. Hoạt động này được gắn với công tác thực hiện luật Hôn nhân và gia đình, phòng chống lạm dụng trẻ em và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chiến lược CSSKSS còn một số hạn chế và tồn tại: Công tác truyền thông giáo dục về CSSKSS ở một số cơ sở làm chưa thường xuyên, chất lượng còn thấp, nhận thức của nhân dân chưa đồng đều; dịch vụ CSSKSS chưa hiện đại, công tác CSSKSS cho vị thành niên còn yếu; tỷ lệ mắc các bệnh phụ khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do một số chính sách còn thiếu đồng bộ. Công tác chỉ đạo và quản lý còn có thiếu sót, sự phối hợp giữa một số ngành hiệu quả chưa cao. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên mới chỉ chú trọng giải quyết một số vấn đề trọng tâm, chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ các nội dung của CSSKSS.

Bên cạnh những tồn tại trên trong những năm tới công tác CSSKSS còn nhiều khó khăn thách thức: Sự khác biệt về địa lý, kinh tế tạo ra sự cách biệt về nhận thức và các chỉ số sức khoẻ giữa các vùng. Nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường tình dục và HIV/AIDS có xu hướng gia tăng. Hệ thống mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ làm dịch vụ CSSKSS chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ CSSKSS, UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng chương trình hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về CSSKSS giai đoạn 2006 – 2010 với các nội dung sau:

I- MỤC TIÊU CHUNG

Bảo đảm đến năm 2010 tình trạng SKSS được cải thiện rõ rệt, giảm được sự chênh lệch giữa các vùng và các đối tượng, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng về CSSKSS cho phù hợp với điều kiện của cộng đồng ở từng địa phương, đặc biệt chú ý đến các vùng và đối tượng có nhiều khó khăn.

[...]