Quyết định 5168/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020

Số hiệu 5168/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2009
Ngày có hiệu lực 31/12/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5168/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 131/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng”;

Căn cứ Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;

Căn cứ Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 09 tháng 10 năm 2008 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, các sông và các vùng đất ngập nước như điều chỉnh cường lực khai thác và cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản bằng các quy định pháp quy với kế hoạch thả bổ sung con giống nhân tạo hàng năm, nhằm tăng cường khả năng tái tạo, phục hồi mật độ các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức.

2. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân ven biển về tầm quan trọng, khả năng tái tạo có điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đoàn thể quần chúng trong vận động nhân dân có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản:

- Tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tập huấn quy trình sản xuất giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm một số giống loài cá bản địa như cá rô đồng, cá sặc rằn, cá thát lát, cá trê, cá lóc… và một số giống loài thủy sản nước lợ, mặn như: cua, tôm sú, nghêu... thả giống phục hồi nguồn lợi thủy sản một số giống loài cá bản địa.

- Đề ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản

2. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật: Thiết lập khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng thủy sinh vật vùng ven biển, cửa sông nhằm khôi phục sinh cảnh, tạo môi trường tập trung thủy sản còn non, nơi cư trú an toàn để sinh trưởng và sinh sản của các loài thủy sinh vật có giá trị khoa học, kinh tế cao như nghêu, cua,… góp phần cung cấp nguồn giống tự nhiên cho khu vực.

3. Tổ chức quản lý, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ:

Xây dựng và thực hiện kế hoạch khảo sát hàng năm nguồn lợi nhuyễn thể ở cửa sông và ven biển, theo dõi đa dạng thủy sinh vật, các loài chỉ thị môi trường, hệ sinh thái, để chỉ định các vùng cấm khai thác có thời hạn nhằm bảo vệ tốt và tổ chức khai thác hợp lý.

Cơ cấu lại nghề nghiệp khai thác thủy sản bằng các quy định pháp luật và chính sách.

4. Thu thập dữ liệu và tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá:

Tham gia hệ thống thu thập, cung cấp dữ liệu về đa dạng thủy sinh vật và hệ thống dự báo ngư trường, mạng thông tin kết nối giữa Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ quan nghiên cứu, quản lý do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chủ trì.

[...]