THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
131/2004/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 131/2004/QĐ-TTG NGÀY 16 THÁNG 7
NĂM 2004 PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THUỶ SẢN ĐẾN NĂM
2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001,
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003,
Căn cứ Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thuỷ sản,
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010 với
các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU:
- Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thuỷ
sinh vật, đặc biệt là các loài thuỷ sản quý, hiếm, có giá trị khoa học và kinh
tế; giữ gìn tính đa dạng, độc đáo của hệ sinh thái thuỷ sinh vật Việt Nam cho
hiện tại và tương lai.
- Phục hồi nguồn lợi thuỷ sản
vùng biển ven bờ, các sông, hồ chứa và các vùng đất ngập nước nhằm phát triển
thủy sản bền vững.
- Nâng cao nhận thức về tầm quan
trọng, giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời
xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi
thuỷ sản.
- Tăng cường năng lực quản lý
nhà nước về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của các cơ quan chức năng
và chính quyền các cấp.
II. NGUYÊN TẮC
CHỈ ĐẠO:
- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thủy sản phải kết hợp cân đối giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên,
môi trường, hài hoà lợi ích của các ngành, các địa phương, đồng thời phải có trọng
tâm, trọng điểm.
- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi
thuỷ sản đi đôi với tăng cường kiểm soát khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên
và kiểm soát môi trường nhằm đảm bảo sự cân bằng sinh thái tự nhiên của các thuỷ
vực.
- Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là
yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong
đó trách nhiệm của cộng đồng ngư dân là rất quan trọng. Do vậy, phải thực hiện
tốt chính sách xã hội hoá để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
III. NỘI DUNG
CHƯƠNG TRÌNH:
1. Phục hồi, tái tạo và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản
Kết hợp giữa điều chỉnh cường lực
khai thác với sản xuất giống nhân tạo thả bổ sung vào môi trường tự nhiên, cải
thiện môi trường sống của các loài thuỷ sản nhằm khôi phục khả năng tái tạo,
tăng mật độ quần thể của các giống loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt, lấy
lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật trong các thuỷ vực. Các đối tượng
ưu tiên phục hồi tái tạo trong giai đoạn này bao gồm:
- Nguồn lợi tôm biển, tập trung
vào các loài thuộc họ tôm he, đặc biệt là tôm sú và tôm hùm.
- Nguồn lợi nhuyễn thể (điệp,
sò, nghêu, trai ngọc...) vùng biển Nam Trung Bộ và Đông, Tây Nam Bộ.
- Nguồn lợi cá nổi nhỏ (cá
trích, nục, lầm, cơm...) vùng biển từ Thanh Hoá đến Kiên Giang và quanh một số
đảo ngoài khơi.
- Nguồn lợi cá nước ngọt, trước
hết ở các sông, hồ chứa lớn, vùng thường bị lũ lụt hàng năm thuộc các tỉnh đồng
bằng Nam Bộ và một số khu vực đất ngập nước thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
2. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng thuỷ
sinh vật
Tập trung vào các hoạt động ưu
tiên sau:
- Kiểm soát hoạt động khai thác
các loài thuỷ sản quý hiếm, có giá trị về khoa học và kinh tế cao đang có nguy
cơ bị tuyệt chủng.
- Đẩy mạnh công tác bảo tồn nội
vi thông qua thiết lập hệ thống khu bảo tồn biển, khu bảo tồn nội địa và công
tác bảo tồn ngoại vi.
- Khôi phục sinh cảnh, môi trường
sống của các loài thuỷ sinh vật, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung
các loài thuỷ sinh vật còn non hoặc các khu vực cư trú của các loài thuỷ sinh vật
quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế cao. Tái tạo, khôi phục hệ sinh thái rạn
san hô, thảm cỏ biển, đầm phá và các cửa sông, đồng thời thả rạn nhân tạo, tạo
sinh cảnh, nơi cư trú của các loài thủy sinh vật ở một số khu vực có điều kiện
hoặc ưu tiên cao.
- Giám sát đa dạng thuỷ sinh vật
bao gồm các hoạt động: giám sát môi trường, sự biến động của các hệ sinh thái,
chất lượng môi trường nước; giám sát các loài chỉ thị môi trường; xây dựng báo
cáo hàng năm về biến động ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản.
- Đánh giá tác động của việc sử
dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thuỷ sản, các chất xử lý môi
trường nước... đến sự sống của các loài thuỷ sinh vật trong môi trường tự
nhiên. Xây dựng các tiêu chuẩn về sử dụng an toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật,
chất xử lý môi trường nước, phân bón, các hoá chất trong công nghiệp... đối với
môi trường tự nhiên của các thủy vực.
3. Tổ chức quản lý khai thác nguồn
lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ
Tập trung vào các hoạt động sau:
- Điều chỉnh cơ cấu các nghề
khai thác thủy sản tự nhiên phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi
thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác mang tính huỷ diệt, đồng
thời không phát triển và giảm dần các nghề khai thác thiếu lựa chọn, khai thác
cả thuỷ sản còn non, phục hồi và phát triển các ngành nghề thay thế nghề khai
thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng biển ven bờ, tạo điều kiện ổn định đời sống
cho ngư dân, giảm sức ép khai thác đối với nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ.
- Xây dựng hệ thống dự báo ngư
trường, hướng dẫn khai thác thuỷ sản, trước hết tại các ngư trường trọng điểm,
nơi tập trung tàu thuyền hoạt động.
- Tăng cường năng lực cho tổ chức
bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nhằm kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ sản, đặc biệt
là ở các vùng biển trọng điểm (vịnh Bắc Bộ, vùng biển Đông và Tây Nam Bộ), các
khu vực cấm, hạn chế khai thác các bãi đẻ, vùng tập trung thuỷ sản còn non với
mật độ cao.
- Xây dựng các mô hình tổ chức
quản lý vùng biển ven bờ phù hợp với tập quán, truyền thống của ngư dân địa
phương. Đồng thời phát huy và nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt
động quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.
4. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
nguồn lợi thuỷ sản
Xây dựng hệ thống thông tin dữ
liệu thuỷ sinh vật để đáp ứng nhu cầu thông tin cho công tác quản lý, lựa chọn
phương án đầu tư..., bao gồm:
- Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc
gia về thuỷ sinh vật nhằm quản lý, lưu giữ dữ liệu: đa dạng thuỷ sinh vật, các
loài và phân bố, tập tính sinh lý của các giống loài thuỷ sản, các hệ sinh thái
tiêu biểu, môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật gắn với việc lập bản đồ
và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
- Xây dựng 1 hoặc 2 bảo
tàng lưu giữ, trưng bày các loài thuỷ sinh vật Việt Nam phục vụ cho công tác
nghiên cứu khoa học, học tập, tham quan và giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ
và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
- Xây dựng mạng thông tin, kết nối
Trung tâm dữ liệu quốc gia với các cơ quan nghiên cứu, quản lý và các địa
phương.
5. Giáo dục nâng cao nhận thức về
bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch hành động quốc gia truyền thông nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận
thức về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản, bao gồm các
hoạt động sau:
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng
cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã và ngư dân về pháp luật trong lĩnh vực
thuỷ sản, lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ
sản đối với chính cộng đồng ngư dân cũng như toàn xã hội.
- Xây dựng các chương trình truyền
thông về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các phương tiện thông tin
đại chúng.
- In ấn, phát hành tranh ảnh và
áp phích cổ động tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Xây dựng nội dung giáo dục về
bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản ở các bậc học thích hợp.
6. Các dự án ưu tiên thuộc
Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010
Trong giai đoạn từ nay đến năm
2010, tập trung xây dựng và triển khai các dự án ưu tiên, bao gồm:
- Phục hồi, tái tạo và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản; bảo tồn các loài thuỷ sản quý, hiếm có giá trị kinh tế và
khoa học cao đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng.
- Xây dựng mô hình chuyển đổi
nghề nghiệp khai thác nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ sang các ngành nghề
thích hợp khác ở một số vùng ven biển.
- Quy hoạch và tổ chức thực hiện
việc quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn thuỷ sản nội địa, các vùng cấm và hạn
chế khai thác thuỷ sản.
- Xây dựng các mô hình quản lý
nguồn lợi thuỷ sản với sự tham gia của cộng đồng.
- Xây dựng và quản lý hệ thống
thông tin dữ liệu về nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch
hành động quốc gia truyền thông về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ
sản.
IV. MỘT SỐ GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU:
1. Khuyến khích đầu tư vào các
hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản
- Tổ chức, cá nhân trong nước và
ngoài nước đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến
vào các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như: nghiên cứu, lai
tạo, sản xuất các loại giống thuỷ sản mới có giá trị kinh tế để phát triển nuôi
trồng thuỷ sản hoặc thả vào các vùng nước tự nhiên để tái tạo, phát triển nguồn
lợi thuỷ sản được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi theo Luật Khuyến khích đầu tư
trong nước (sửa đổi) và các quy định hiện hành.
- Tổ chức, cá nhân tham gia đầu
tư thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn thuỷ sản nội địa, ngoài
các ưu đãi quy định trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) được
tham gia khai thác các giá trị của khu bảo tồn theo quy định của pháp luật.
2. Giảm dần và chuyển đổi các
nghề khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng biển ven bờ
- Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ
nghề khai thác thuỷ sản tự nhiên vùng biển ven bờ ra các vùng biển xa bờ hoặc
các ngành nghề thay thế khác: cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi; tổ chức hướng
dẫn, đào tạo kỹ thuật; giao đất, mặt nước cho các hộ ngư dân; hỗ trợ về tài
chính trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh...
- Nghiên cứu để có chính sách
thuế tài nguyên phù hợp với loại nghề và loại ngư cụ, mùa vụ khai thác cần hạn
chế hoặc khuyến khích.
3. Tăng cường phân cấp quản lý,
huy động sự tham gia của nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống
của các loài thuỷ sản
- Phân vùng và phân cấp quản lý
cho các cấp chính quyền địa phương ven biển; tổ chức quản lý nguồn lợi và môi
trường sống của các loài thuỷ sinh vật gắn với phát triển nuôi trồng thủy sản
và các ngành nghề dịch vụ khác, trước hết đối với vùng biển ven bờ.
- Huy động các tổ chức: Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Phụ
nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi... tham gia các hoạt động
tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
4. ứng dụng công nghệ tiên tiến
vào các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản
- Nghiên cứu, du nhập và ứng dụng
các giải pháp công nghệ khai thác nguồn lợi thuỷ sản có chọn lựa, nuôi trồng
thuỷ sản với môi trường sạch, giảm thiểu hao hụt sau khai thác, thu hoạch; tăng
các mặt hàng thuỷ sản giá trị gia tăng, sử dụng các chế phẩm sinh học, giảm sử
dụng hóa chất...
- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến
trong sản xuất giống thuỷ sản nhân tạo đáp ứng yêu cầu tái tạo, phục hồi mật độ
quần thể của các giống loài thuỷ sản đã hoặc đang bị tập trung khai thác, các
loài thủy sản quý hiếm...
- Ứng dụng công nghệ vật liệu
mới trong việc thả chà, rạn nhân tạo; phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển...
5. Về tài chính
- Ngân sách trung ương tập trung
hỗ trợ cho các hoạt động: thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển có ý nghĩa
quốc gia, quốc tế; chuyển giao công nghệ tiến bộ để sản xuất giống thuỷ sản có chất
lượng cao; bảo tồn, bảo quản nguồn gen thuỷ sản hoang dã và thuỷ sản nuôi (giống
gốc ông bà và bố mẹ...); điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản; đào
tạo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình.
- Ngân sách địa phương tập trung
cho các hoạt động: thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn thuỷ sản
nội địa đã được phân cấp cho địa phương quản lý; tái tạo, phục hồi và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản; khắc phục các sự cố về môi trường, phục hồi các hệ sinh
thái; xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường
sống của các loài thuỷ sản có sự tham gia của cộng đồng; đảm bảo cho các hoạt động
kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện Chương trình.
- Các nguồn vốn huy động khác:
thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn thuỷ sản nội địa; chuyển
giao công nghệ sản xuất giống thuỷ sản; tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản và
các hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thuỷ sinh vật; điều tra, đánh
giá nguồn lợi thuỷ sản; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Chương trình và tăng cường
năng lực cho các cơ quan quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các
loài thuỷ sinh vật (theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Bộ Thủy sản có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương: hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình cụ thể của
từng địa phương; xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo
phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; tập huấn, đào tạo cộng tác viên truyền
thông bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của các loài thuỷ sản; tổ chức
triển khai các dự án ưu tiên của Chương trình; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm
hàng năm, kịp thời nhân rộng các mô hình tốt; củng cố và tăng cường năng lực hoạt
động của các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức liên quan đến bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính có trách nhiệm cân đối, phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn
tài trợ quốc tế, đảm bảo kinh phí hàng năm thực hiện Chương trình.
3. Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thuỷ sản
tổ chức quản lý khu bảo tồn quốc gia, các vùng đất ngập nước có liên quan; biên
soạn các nội dung đưa vào giảng dạy ở các trường học về bảo vệ và phát triển
nguồn lợi thuỷ sản; xây dựng các chương trình và nội dung tuyên truyền giáo dục
nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các
loài thuỷ sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức
năng của địa phương xây dựng, lập kế hoạch cụ thể ở địa phương mình, xây dựng
và tổ chức thực hiện các dự án cụ thể; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và
các nhà tài trợ thu hút nguồn vốn và sự hỗ trợ kỹ thuật nhằm đẩy mạnh hoạt động
của Chương trình.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.