Quyết định 51/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Quyết định 188/2005/QĐ-TTg về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 51/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/07/2006
Ngày có hiệu lực 31/07/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2006/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 21 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 188/2005/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giai đoạn 2006-2010”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 188/2005/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2006/QĐ-UB ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh )

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông tri số 23-TT/TU ngày 28 tháng 7 năm 2005 của Tỉnh uỷ Gia Lai về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xuất phát từ tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Chương trình hành động về ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong giai đoạn 2006-2010 như sau:

I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC

1. Những thành tựu:

1.1. Về nông – lâm nghiệp:

Đã có những ứng dụng trong công nghệ sinh học vào việc sưu tập, lai tạo, tuyển chọn và khảo nghiệm các giống cây trồng có chất lượng tốt để đưa vào sản xuất làm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường; đồng thời tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng, tạo ra nguồn nguyên liệu đủ đáp ứng được nhu cầu chế biến hiện tại như Lúa, Bắp lai, Mì, Điều ghép, Chè, Bông vải, Mía, Thuốc lá, Cao su…ngoài ra các cơ sở trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác nhân giống, phục tráng giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật, phương pháp lai tạo giống đối với các giống heo, bò, dê; bằng phương pháp chuyển đổi giới tính đối với cá rô phi; nhập giống mới… đã góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cải tạo vườn tạp.

Thực hiện nạc hoá đàn heo, lai hoá đàn bò, áp dụng tốt phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng có hiệu quả các loại vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm. Hiện nay phong trào chăn nuôi bò lai và nuôi heo hướng nạc thông qua các chương trình dự án đã phát triển rộng khắp trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Việc nuôi trồng thuỷ sản đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt, Ba ba,…đã hình thành và phát triển.

Ứng dụng chế phẩm hormon nâng cao khả năng sinh sản trên bò, sử dụng các loại phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học thay thế một số loại thuốc hoá học trong canh tác và phòng trừ dịch hại cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời có tác dụng tốt trong việc cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng và tăng chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án, chương trình về giống và chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dự án chuyển đổi cơ cấu giống Lúa nước, dự án phát triển giống Điều ghép; các chương trình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và quản lý dịch hại tổng hợp ICM, IBM trên lúa, rau màu…

1.2. Về Y tế:

Ngành Y tế sử dụng hiệu quả các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống bệnh trẻ em như: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, thuỷ đậu, rubella, quai bị, viêm gan siêu vi…;Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virut: viêm gan siêu vi B, HIV. Ứng dụng cấy ghép mô hình như da trong trường hợp bỏng nặng, tai nạn...

1.3. Về bảo vệ môi trường:

Các ngành, đơn vị bước đầu ứng dụng chế phẩm EM (Effective Microorganisms) trong xử lý nước, rác thải và mùi hôi trong chế biến và chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng mô hình Biogas dạng túi nilon tạo khí đốt và giải quyết ô nhiễm môi trường cho các cơ sở, hộ chăn nuôi trong tỉnh.

[...]