Quyết định 50/2006/QĐ-UBND ban hành quy chế tạm thời về phối hợp thực hiện bảo vệ trật tự an toàn du lịch trên địa bàn trung tâm thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 50/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2006
Ngày có hiệu lực 05/04/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Hữu Tín
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/2006/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 04 năm 2006 


QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ PHỐI HỢP THỰC HIỆN BẢO VỆ TRẬT TỰ AN TOÀN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TRUNG TÂM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 250/2005/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về bổ sung chức năng tham gia công tác bảo vệ trật tự an toàn du lịch trên địa bàn thành phố đối với Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong thuộc Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Chỉ huy Trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố tại Công văn số 143/TNXP-TCHC ngày 14 tháng 3 năm 2006 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 160/TTr-SNV ngày 24 tháng 3 năm 2006;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này quy chế tạm thời về phối hợp thực hiện bảo vệ trật tự an toàn du lịch trên địa bàn trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chỉ huy Trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố và Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận :

- Như điều 3;
- TT/TU, TT/HĐND.TP, TT/UBND.TP;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- UBMTTQ Việt Nam TP, các Đoàn thể TP;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH. TP;
- Các Sở ngành thành phố;
- Ban TC/TU, Ban TTVH/TU, Ban ANNC/TU;
- VPHĐ-UB : PVP/VX, ĐT, KT;
- Tổ VX, ĐT, TM;
- Lưu (VX/Nh) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Hữu Tín


QUY CHẾ TẠM THỜI

 

VỀ PHỐI HỢP BẢO VỆ TRẬT TỰ AN TOÀN DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50 /2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Nội dung phối hợp :

Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp với Công an thành phố, Sở Du lịch, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các quận để thực hiện nhiệm vụ :

1. Bảo vệ an toàn các địa bàn du lịch trọng điểm ở trung tâm thành phố, tuần tra trên những tuyến đường được thống nhất giữa các Sở-ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận 1, quận 3 để phát hiện, ngăn chặn, bắt chuyển giao cho Công an địa phương các trường hợp phạm pháp quả tang như hành hung, cướp giật, móc túi khách du lịch để xử lý theo pháp luật.

2. Phối hợp với Công an địa phương, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Đội quản lý trật tự đô thị địa phương để ngăn chặn các trường hợp ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách và hành vi gây rối làm phiền khách du lịch và các vi phạm lấn chiếm lề, lòng đường nơi địa bàn hoạt động theo quy chế này.

3. Hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch trình báo các vụ việc xảy ra liên quan đến tài sản, tính mạng và giúp Công an địa phương bảo vệ hiện trường, điều tra và xử lý vụ việc. Cung cấp thông tin cho du khách khi cần thiết.

4. Đảm bảo quân số cơ động, sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ an toàn cho du khách.

5. Phối hợp với Sở Du lịch và Công an thành phố để đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho trật tự viên trong công tác bảo vệ an toàn cho du khách.

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân quận có liên quan :

Các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân các quận có liên quan có trách nhiệm đề xuất thành phố :

1. Quyết định về tổ chức nhân sự, kinh phí và chế độ chính sách đối với trật tự viên tham gia bảo vệ du lịch trên địa bàn trung tâm thành phố.

2.Khi có nhu cầu cần điều động trật tự viên đột xuất ngoài quy chế

phối hợp này, các Sở - ngành và quận có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố tổ chức thực hiện.

3. Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố cùng Sở Du lịch thành phố chủ trì với các Sở, Ban, Ngành thành phố có chức năng tổ chức họp giao ban tháng và sơ kết 6 tháng 1 lần để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp này và báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trật tự viên bảo vệ du lịch hoạt động an toàn, có hiệu quả.

5. Nhận xét, đánh giá, biểu dương khen thưởng hoặc xử lý kịp thời các sai phạm của cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ.  

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM VÀ MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP 

Điều 3. Lực Lượng Thanh niên xung phong thành phố có trách nhiệm :

1. Căn cứ Quyết định số 250/2005/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Du lịch và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố đề xuất cụ thể về tổ chức nhân sự, dự toán kinh phí và phương thức thanh toán, chế độ hợp đồng lao động, trang phục, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ… cho Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong và Trật tự viên du lịch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ủy nhiệm cho Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, Công an và các Ban - ngành, các quận thực hiện nhiệm vụ theo quy chế, đồng thời tổ chức thực hiện :

a) Tổ chức sắp xếp, bố trí và điều động các Đội trật tự du lịch và cán bộ nhân viên, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và thời gian làm việc tham gia công tác tuần tra, bảo vệ khách du lịch theo quy chế này;

b) Thực hiện công tác quản lý cán bộ và bộ máy tổ chức theo quy định về phân cấp quản lý tổ chức cán bộ của Lực Lượng Thanh niên xung phong thành phố.

c) Tổ chức giáo dục bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, chăm lo đời sống, thực hiện các chế độ, chính sách của

Nhà nước đối với người lao động.

d) Xây dựng quy chế tổ chức hoạt động, nội quy và kiểm tra việc tổ chức thực hiện của Ban Quản lý các Đội trật tự du lịch.

3. Phối hợp với Sở Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố để thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 4. Sở Du lịch thành phố có trách nhiệm :

1. Xác định các tuyến du lịch trọng điểm cần bố trí trật tự viên du lịch.

2. Phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn lập giáo án, bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên Ban Quản lý các Đội trật tự du lịch về kiến thức, nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

3.Phối hợp với Lực lượng Thanh niên xung phong theo dõi tình hình và kết quả hoạt động của Ban Quản lý các Đội trật tự du lịch để kịp thời

giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố

giải quyết.

Điều 5. Hiệp Hội Du lịch thành phố có trách nhiệm :

1. Tuyên truyền đến các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong và ngoài nước, đặc biệt là khách du lịch hiểu và biết nhiệm vụ của lực lượng trật tự viên bảo vệ khách du lịch góp phần từng bước cải thiện môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh.

2. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp du lịch và các khách sạn đóng góp, hỗ trợ thêm kinh phí cho Trật tự viên du lịch.

Điều 6. Công an thành phố có trách nhiệm :

1. Chỉ đạo Công an quận 1, quận 3 tiếp nhận và phối hợp giải quyết các trường hợp đeo bám khách, gây mất an ninh trật tự hoặc phạm pháp quả tang do trật tự viên phát hiện bắt giữ để xử lý theo pháp luật hoặc chuyển giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết (đối với các trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự).

2. Bồi dưỡng về nghiệp vụ bảo vệ cho trật tự viên du lịch.

Điều 7. Sở Lao động Thương binh-Xã hội thành phố có trách nhiệm :

1. Phối hợp cùng Công an, các Đội trật tự du lịch tiếp nhận, xử lý những trường hợp ăn xin, gái mãi dâm … do trật tự viên du lịch chuyển giao.

2. Chỉ đạo các Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp nhận giải quyết các trường hợp người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng (theo Quyết định số 104/2003/QĐ-UB ngày 27 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố) do các Đội trật tự du lịch hoặc Công an chuyển giao.

Điều 8. Ủy ban nhân dân quận 1 và quận 3 có trách nhiệm :

Chỉ đạo Công an quận, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận và Đội Quản lý trật tự đô thị quận phối hợp cùng Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể để thực hiện nội dung của Quy chế này.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Chỉ huy Trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Hiệp Hội Du lịch thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, quận 3 chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 10. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có yêu cầu cần thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, Chỉ huy Trưởng Lực lượng Thanh niên Xung xung phong thành phố chủ trì phối hợp lấy ý kiến góp ý của Thủ trưởng các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân các quận có liên quan, thông qua Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình./.